ĐBSCL mùa nước nổi khác thường

Kỳ cuối: Những thách thức đặt ra cho ĐBSCL

Cập nhật, 06:58, Thứ Ba, 08/10/2019 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Xuyên Đồng Tháp Mười nhưng không tìm nước nổi

>> Kỳ 2: Ngược dòng thượng nguồn đón lũ muộn

>> Kỳ 3: Làng nghề "nương mình" theo con nước

>> Kỳ 4: Tìm những hướng rẽ mới

Thời tiết và thủy văn trên sông Mekong ngày càng diễn biến phức tạp. Ngay trong mùa nước nổi nhưng nhiều địa phương đã phải lo ứng phó hạn, mặn.

Thiếu con nước lợi- thừa con nước hại

“Năm nay nước không lên thủng thỉnh như mọi năm” nên chú Nguyễn Thanh Lâm ở xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú- An Giang) cho rằng: “Trước nay người dân sống vùng đầu nguồn đợi mùa nước để đánh bắt cá… kiếm nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Nhưng năm nay, nước về trễ lại giựt sớm, cá mắm không bao nhiêu, nên tui tính dành dụm mua máy trộn đi làm thợ hồ”. Không còn “dựa” vào con nước, nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) như chú Nguyễn Văn Hơn cũng đã chủ động chuyển 32 công ruộng chuyên canh lúa sang “vụ lúa- vụ sen vì chỉ trồng lúa thì bấp bênh quá”.

Mùa nước khác thường năm nay khiến lượng cá về đồng không nhiều.
Mùa nước khác thường năm nay khiến lượng cá về đồng không nhiều.

Tương tự, chú Nguyễn Duy Bằng cũng cho biết từ định hướng phát triển du lịch của tỉnh Đồng Tháp, chú đã mạnh dạn chuyển đổi 28 công đất sang “lúa- sen” và thu lời gấp 3-4 lần lúa.

Trong khi những câu chuyện làm ăn chuyển đổi sản xuất của nông dân vùng thượng nguồn, Đồng Tháp Mười dần thích ứng với mùa nước nổi thất thường, cá tôm ít; thì diễn biến bất ngờ của triều cường cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019 đã khiến nhiều khu vực đô thị của TP Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang… chìm trong nước và ghi nhận mực nước ngập lịch sử.

Ngành chức năng TP Cần Thơ cho biết đỉnh triều cao nhất đo được trên sông Hậu là 2,25m, cao hơn đỉnh triều cường lịch sử năm 2018 là 2,23m.

Tại Vĩnh Long cũng ghi nhận triều cường làm ngập gần như hoàn toàn nội ô TP Vĩnh Long, ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh- cho biết: “Đây là đỉnh triều cường cao nhất, từ đó giờ chưa từng thấy. Điều này khác hoàn toàn những năm có lũ cao, trong khi lượng nước ở các tỉnh thượng nguồn vẫn thấp, nhưng các đô thị lại bị dội nước triều cường gây ngập nặng”.

Cũng theo ông Lưu Nhuận: “Triều cường năm nay lên đột ngột ngoài dự báo của ngành chức năng. Tại Vĩnh Long, triều cường diễn biến bất ngờ và lên rất nhanh. Mực nước đo tại trạm Mỹ Thuận lên nhanh, có ngày lên cao hơn 2 tấc”. Thông thường con nước đổ về đồng bằng từ tháng 7 âm lịch và dần đạt đỉnh, nhưng năm nay “quá bất thường”.

Lý giải nguyên nhân mùa nước nổi thấp nhưng các đô thị trong khu vực ĐBSCL liên tục ngập nặng do triều cường, ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL- cho rằng tình trạng này không phải do mùa nước nổi mà do con nước rong 30/8 âl đụng với nước lũ cuối mùa.

“Nước biển dâng 3mm/năm, sụt lún ĐBSCL đang diễn ra nhanh gấp 3-4 lần, có nơi diễn ra nhanh gấp 10 lần khiến nước biển dâng và sông ngòi trong vùng đang mất đi không gian vốn có. Vì thế, các yếu tố nước thượng nguồn đổ xuống, triều cường dâng lên, mực nước sông ngòi dâng cao không chảy vô được đồng ruộng thì phải chảy vào chỗ trũng- là các khu vực đô thị”.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo ĐBSCL đang “thiếu nguồn nước có lợi và thừa những nguồn nước hại”. Người dân ĐBSCL sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra nên rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp.

Lo hạn mặn ngay trong mùa nước nổi

Mặc dù các đô thị đang trong tình trạng “lội bì bỏm” nhưng ông Lưu Nhuận vẫn lo ngại: “Ngành chức năng dự báo xâm nhập mặn sắp tới sẽ ở mức độ cao, nếu thiếu mưa, nguồn nước thượng nguồn đổ về ít”. Thực tế, ngay trong mùa nước nổi và triều cường gây ngập các đô thị ở ĐBSCL, thì chính quyền và người dân lại phải lo chuyện xâm nhập mặn có thể xảy ra vào mùa khô sắp tới.

Sở Nông nghiệp- PTNT đã có chỉ đạo phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô ngay trong mùa lũ này. Theo đánh giá, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019- 2020 xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 1- 2 tháng và ở mức cao hơn, gay gắt hơn. Từ tháng 12/2019, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng trong phạm vi cách biển đến 30- 35km.

Từ tháng 1- 2/2020, ranh giới mặn 4‰ vào sâu nội địa vùng các cửa sông Cửu Long từ 45- 55km. Với dự báo như trên và thực trạng nguồn nước hiện tại, khu vực ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2019- 2020 cũng như có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Trong khi vừa đón mùa lũ muộn tràn đồng, UBND huyện Vĩnh Hưng (Long An) đã chỉ đạo công tác sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 và nhấn mạnh “tiềm ẩn nguy cơ tác động đến sản xuất” là “có nhiều nguy cơ xâm nhập mặn cao ở mùa khô năm 2019-2020”.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: “Tự thủy điện không lấy mất nước, nguyên nhân chính là do mực nước trên sông Mekong thấp và diễn biến bất thường. Mùa nước nổi năm nay do mưa ở Nam Lào, nước về muộn, thấp và rút nhanh, khả năng dẫn đến rủi ro hạn, mặn gay gắt vào tháng 3/2020 sắp tới”.

Tìm lối đi để thích ứng lâu dài

Ngay khi loạt phóng sự này sắp hoàn thành, một tọa đàm về nguy cơ thiếu nước ở ĐBSCL được tổ chức tại tỉnh An Giang, quy tụ nhiều nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và thu hút sự quan tâm lớn của người dân vùng ĐBSCL.

PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)- cho biết: Những năm gần đây, lũ xuất hiện bất thường do ảnh hưởng của nhiều phía như biến đổi khí hậu, tác động của con người và đắp đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong…

Vì canh tác thâm canh 3 vụ liên tục trong đê bao khép kín làm cạn kiệt đất đai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh lương thực về sau. Đê bao khép kín làm gia tăng ngập lụt vào mùa lũ, gia tăng hạn mặn ven biển vào mùa khô. Canh tác 3 vụ lúa tính đúng, tính đủ chi phí không làm cho người dân thoát nghèo, không giúp quốc gia giàu lên.

Người dân ung dung sản xuất trong đê bao ở xã Phú Hữu (huyện An Phú- An Giang).
Người dân ung dung sản xuất trong đê bao ở xã Phú Hữu (huyện An Phú- An Giang).

Canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân bón, nông dược gây ô nhiễm nguồn nước mặt, tăng sử dụng nước ngầm, gây sụt lún đất nhanh hơn. Về lâu dài, khuyến nghị các tỉnh đầu nguồn hạn chế làm đê bao để sản xuất lúa vụ 3 và kiểm soát việc khai thác nước ngầm. Chuyển hướng dần sang canh tác bền vững, chú trọng chất lượng hơn số lượng.

Đồng quan điểm như vậy, chuyên gia kinh tế- TS Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng: Nông dân vùng ĐBSCL nên chọn những mô hình sản xuất lúa, nuôi trồng hiệu quả, cho thu nhập cao và phải phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Nhiều mô hình đã được nông dân một số vùng lũ thấp ứng dụng thành công những năm qua.

Trao đổi với chúng tôi, ThS. Nguyễn Hữu Thiện phân tích thêm những thách thức: “Những năm gần đây, tình hình hạn hán cộng với các đập thủy điện tăng trữ nước ở các quốc gia thượng nguồn đã khiến tình trạng khô kiệt diễn ra gay gắt ở Thái Lan và Campuchia. Hiện các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong khiến thời tiết vùng ĐBSCL trở nên cực đoan hơn.

Những năm bình thường, thủy điện làm giảm lũ, tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn cho vùng ĐBSCL; những năm cao lũ, thủy điện xả lũ, gây lũ chồng lũ; còn những năm khô hạn, thủy điện tích nước, làm chậm đường đi của nước xuống khu vực hạ lưu”.

Vì vậy, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đề xuất: “ĐBSCL cần áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”. Ưu tiên thực hiện trước những hành động ít rủi ro sai lầm khó sửa chữa được”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn

Người dân ĐBSCL lâu nay có thói quen sống chung với lũ, nhờ lũ mà tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn nông dân. Đặc biệt, năm nay lũ về muộn và nhỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến vi sinh vật, nhất là nguồn lợi thủy sản đang sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó lũ nhỏ còn làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, lũ nhỏ sẽ không giải độc phèn trong đất sản xuất nông nghiệp và không cung cấp phù sa cho đồng ruộng.

 

ThS. Nguyễn Hữu Thiện

Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, đến năm 2020 tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong sẽ làm giảm lượng phù sa và lượng cát sông đổ về ĐBSCL, khiến khu vực đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Còn các đập thủy điện ở thượng nguồn không hề mất nước mà chỉ chặn đường cá đi. Tác động chính của thủy điện là làm giảm lượng phù sa và cát, gây sạt lở ĐBSCL.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ