Con từ miền Nam đi theo chân Bác

Kỳ 2: Về Thái Nguyên- mãi hát khúc hùng ca

Cập nhật, 05:47, Thứ Ba, 24/09/2019 (GMT+7)

“Thủ đô gió ngàn” từng oằn mình trong mưa bom, bão đạn, nhưng vững chãi cùng cả nước hòa chung khúc quân hành đi đến ngày đất nước vang khúc khải hoàn. Thế hệ cha anh dùng cả máu xương để đánh đổi hòa bình cho lớp hậu duệ hôm nay.

Rưng rưng đến thắp nén hương tưởng nhớ những người thanh niên xung phong (TNXP), đặt chân bước đi trong An toàn khu (ATK), chạm tay vào làn suối mát nơi Bác Hồ chỉ đạo kháng chiến, nơi các anh chiến đấu can trường đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.

“Ta yêu sao, làng quê non nước mình/ Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca”… Những câu “Hát mãi khúc quân hành” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền dồn dập, oai hùng hối thúc chúng tôi vượt đèo quanh co về thăm Thái Nguyên.

Địa chỉ đỏ giữa lòng “thành phố thép”

Không gian thanh bình ở Khuôn Tát là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng ở ATK.
Không gian thanh bình ở Khuôn Tát là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng ở ATK.

Cùng với các di tích lịch sử TNXP Việt Nam là: Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc- Hà Tĩnh), Truông Bồn (Đô Lương- Nghệ An), Hang Tám Cô (Bố Trạch- Quảng Bình)… thì Thái Nguyên có di tích Đại đội TNXP 915. Năm 1972, ga Lưu Xá (phường Gia Sàng- TP Thái Nguyên) được coi là một trong những “cảng nổi” của miền Bắc, trung chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Đêm Giáng sinh năm ấy, hơn 700 quả bom rải thảm khắp TP Thái Nguyên, khu vực ga Lưu Xá chìm ngập trong bom Mỹ, 60 TNXP đang làm nhiệm vụ đã anh dũng ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.

Xuất phát từ mong đợi của cán bộ, nhân dân 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, bia khắc tên các liệt sĩ, nhà tưởng niệm tại vị trí các liệt sĩ đã hy sinh được dựng nên để ghi nhớ sự hy sinh quên mình của 60 TNXP vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Một di tích, đồng thời là một công trình văn hóa, một điểm đến tri ân các anh hùng liệt sĩ của nhân dân, du khách.

Thuyết minh viên Lê Thu Hồng cho biết, Đại đội TNXP 915 có 102 cán bộ (quê ở Bắc Thái: Bắc Kạn và Thái Nguyên) mà 3/4 là nữ, có trường hợp chưa tròn 16 tuổi.

Sự hy sinh của 60 TNXP Đại đội 915 là tổn thất lớn nhất ở mặt trận hậu phương của lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bên trong di tích trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh về họ. Bên ngoài khuôn viên có một điều khá xúc động khi một đoàn tàu được tái hiện mà đầu tàu luôn hướng về phía Nam.

Một câu chuyện cảm động khác được chị Hồng kể lại khiến chúng tôi tin sau những mất mát đau thương luôn có phép màu xảy ra giữa đời thường. Đó là câu chuyện của bà Bùi Thị Loan. Năm 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà tình nguyện tham gia Đại đội TNXP 915.

Từ một chiếc áo được đồng đội Hoàng Mạnh Thạch tặng, tình yêu chớm nở nhưng họ không dám nói với nhau câu nào. Bà Loan chỉ khoe với chị em trong đơn vị: “Tao đang yêu”.

Mỗi lần đi làm nhiệm vụ quan trọng, bà đều mặc chiếc áo ông Thạch tặng. Bà mặc áo ấy, coi đó như thứ bảo bối che chở cho mình trước làn tên mũi đạn.

Đêm Giáng sinh năm 1972, cùng với 60 đồng đội trúng bom hy sinh, bị chôn vùi dưới đống bê tông đổ nát, người ta phát hiện bà Loan còn hơi ấm, thở thoi thóp. Không chết, nhưng di chứng đạn bom làm bà mất trí nhớ, bị câm và đi lang thang trong hoang tưởng suốt 2 năm.

Đầu bù không chải, răng không đánh, mặt không rửa, quần áo nát nhừ xơ mướp, công an nghi bà là gián điệp, bắt về giam lỏng, lấy khẩu cung. Nhưng may mắn thay, bà được đồng đội phát hiện, đem về chạy chữa bệnh tình.

Sau khi hết bệnh, đến năm 1978, như một phép tiên, ông Thạch xuất hiện. Bà Loan không dám kể chuyện mình bị tâm thần bỏ đơn vị đi lang thang khắp các xó xỉnh vì sợ “nói ra sự thật, anh ấy không lấy mình nữa”. Thực tế ông Thạch đã biết hết mọi chuyện.

Tình yêu của ông dành cho bà bao năm như ngọn lửa, âm ỉ cháy, để ngày gặp mặt, ngọn lửa của ái tình bùng lên bằng sự bù đắp yêu thương.

Câu chuyện tình kết thúc ngọt ngào khi lần lượt 4 người con của họ ra đời. Trong suốt câu chuyện về đời mình, bà Loan luôn tự hào những gì được nếm trải.

Kể cả cái chết… bà trải nghiệm ở trận bom thù cách đây 47 năm. Là “người về từ cõi mộng”, bà Loan hiểu sâu sắc những chân giá trị cuộc sống, luôn phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương sáng về lẽ sống giữa cuộc đời thường.

Thời máu và hoa đã khép lại thành câu chuyện quá khứ. Tuổi xuân và khát vọng của các chị, các anh hóa thành bất tử, chưa bao giờ phai nhạt trong trang sử của dân tộc, trong trái tim của người dân Bắc Thái. Di tích trở thành địa chỉ đỏ giữa lòng “thành phố thép”, nhắc nhở mỗi chúng ta giá trị của hòa bình hôm nay.

ATK Định Hóa- Trung tâm “Thủ đô kháng chiến” chống Pháp

Từ TP Thái Nguyên ngược về huyện Định Hóa, đoàn chúng tôi thỏa ước mong một lần được đặt chân trên mảnh đất anh hùng mà Tố Hữu đã nhắc trong bài thơ Việt Bắc: “Tin vui chiến thắng trăm miền/ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về/ Vui từ Đồng Tháp, An Khê/ Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng”. 

Địa danh đèo De, núi Hồng thuộc ATK Định Hóa. Và những lối mòn, hàng rào tre, mái nhà sàn nơi đây gợi nhớ “rừng xưa lối cũ, yêu thương lại về” trên trang viết mà lớp lớp học sinh Việt Nam từng thuộc nằm lòng.

Với “địa lợi, nhân hòa”, Thái Nguyên là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thượng tá Thi Văn Tứ thăm ngôi nhà sàn mà Bác từng làm việc ở Khuôn Tát.
Thượng tá Thi Văn Tứ thăm ngôi nhà sàn mà Bác từng làm việc ở Khuôn Tát.

Tại ATK Định Hóa, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến. Đây là nơi khởi phát, tổ chức chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Hướng dẫn viên Hạc Thị Nga người Tày gắn bó với ATK đã hơn 10 năm. Trong khi chị thuần thục nhẹ bước trên những hòn đá thì những người sinh ra ở đồng bằng, quen băng đồng, lội sông như chúng tôi phải tháo hết giày dép, nắm tay nhau vượt qua con suối ở Khuôn Tát.

Chúng tôi men theo con đường xanh mướt, bốn bề là ruộng. Khóm hoa dại ven đường vươn mình điểm xuyết thêm sắc trắng cho núi đồi.

Không gian thanh bình nơi đây từng là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và ATK là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử như nơi làm việc trong thời kỳ đầu của Tổng Bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng và Báo Sự thật tại Phụng Hiển (1947- 1949, xã Điềm Mặc). Trụ sở làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên đồi Khau Cuội (xã Bảo Linh).

Tại địa điểm này, nhiều kế hoạch quân sự quan trọng đã được xây dựng, trình Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phê duyệt. Chị Nga chỉ chúng tôi điểm đồi Pu Đồn (xã Phú Đình)- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì buổi lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948).

Vượt thác Khuôn Tát thăm đồi Nà Đình nơi Bác Hồ giao Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm quân Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thượng tá Thi Văn Tứ- Trung Đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 890 (xã Tân Thành- Bình Tân) nói, lần đầu tiên đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK, trung tâm của thủ đô kháng chiến, trong lòng có rất nhiều cảm xúc.

Thượng tá Thi Văn Tứ cho biết: “Tôi cảm nhận được ý chí, tinh thần vượt qua gian khó, tầm nhìn xa trông rộng của Bác và của các vị lãnh đạo cách mạng Đảng ta. Tôi thu thập được nhiều tư liệu về lịch sử, về văn hóa, về truyền thống đấu tranh giải phóng của dân tộc.

Khi trở về Vĩnh Long, tôi sẽ tiếp tục tu dưỡng để nâng cao trình độ, tầm nhìn trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Đồng thời, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ trong đơn vị phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để xứng đáng với công lao và mong mỏi của Bác”.

Dưới tán đa cổ thụ cao vút đầu mái lán cọ đơn sơ, lắng nghe tiếng róc rách của con suối như tiếng hát xa, chúng tôi muốn mượn lời thơ “Gửi Việt Bắc” của Hoàng Trung Thông để nói hết trái tim mình khi đặt chân trên “Thủ đô kháng chiến” ATK Định Hóa: “Ta muốn đến với mỗi người mỗi bản/ Ta muốn thăm nơi Bác đứng Bác ngồi/ Sao có được đôi hài bảy dặm/ Để ta đi khắp núi khắp đồi”.

Kỳ 3: “Lớn thêm một chút” ở Pác Bó, Nà Tu

Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa có 128 địa điểm di tích, trong đó gần 20 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Quần thể di tích ATK xứng đáng là điểm đến hấp dẫn, là hành trình về nguồn đầy ý nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY