Con từ miền Nam đi theo chân Bác

Cập nhật, 08:30, Thứ Bảy, 21/09/2019 (GMT+7)

Đoàn về nguồn báo công dâng Bác tỉnh Vĩnh Long vừa kết thúc chuyến đi đến Hà Nội và trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh phía Bắc. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá đây là “chuyến đi vô cùng ý nghĩa khi tròn 50 năm cả nước thực hiện Di chúc của Bác”.

Không một ngôn từ nào có thể diễn tả được những xúc động nghẹn ngào khi có người con lứa tuổi đôi mươi lần đầu đặt chân ra Bắc, thầm thì “con ở miền Nam ra thăm Bác”. Dừng chân ở Thủ đô, ngược hướng về Việt Bắc, đến những nơi Bác từng sống và làm việc, cùng sống lại những ngày tháng lịch sử đấu tranh gian khó mà oai hùng.

Thước phim lịch sử sống động hiển hiện trước mắt và mỗi thành viên trong đoàn như được “chạm tay” vào quá khứ của dân tộc, từ đó thêm tự hào, có thêm động lực tiếp tục thi đua, học và làm theo Bác.

Đoàn báo cáo với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị 05.
Đoàn báo cáo với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước- Đặng Thị Ngọc Thịnh kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị 05.

Kỳ 1: Ra Thủ đô báo công dâng Bác

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...” Bức tranh thu đẹp nao lòng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn khiến những vị khách phương xa tò mò mong được một lần đến mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Tuyệt hơn nữa khi mùa thu này, tròn 50 năm làm theo Di chúc của Bác, những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo Bác của tỉnh Vĩnh Long ra Thủ đô và góp phần tô thắm sắc hoa trong vườn Bác.

Ngày khó quên ở Phủ Chủ tịch

Chiều Hà Nội, nắng vàng ươm sóng sánh cùng bước chân nôn nao của 24 thành viên trong đoàn may mắn được vào thăm Phủ Chủ tịch. Phủ không mở tự do cho công chúng bởi đây là nơi làm việc của Chủ tịch nước, những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước được tiến hành trọng thể ở đây.

Trong 15 năm, từ năm 1954 đến năm 1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp trên 1.000 đoàn đại biểu trong và ngoài nước. Đây cũng là nơi Bác nhiều lần đọc thơ chúc Tết đầu xuân nhân dịp năm mới.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước về tình hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Long trong 3 năm qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Bùi Văn Nghiêm cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết về vấn đề này, trong đó có việc tổ chức các hội nghị triển khai, quán triệt tới các cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn các tập thể, cá nhân viết kế hoạch và thực hiện cam kết theo chủ đề hàng năm gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Song song đó, tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng và hội nghị báo công dâng Bác hàng năm ở cấp huyện và tỉnh… Toàn tỉnh đã tổ chức hơn 41.000 cuộc triển khai, quán triệt cho khoảng 1,3 triệu lượt người.  

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên ở Vĩnh Long có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, thể hiện qua hành động, tác phong trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Nhiều mô hình phong phú đã được triển khai, nhận được sự ủng hộ như: mô hình phong cách nêu gương của cán bộ đảng viên; mô hình nhận học sinh làm con nuôi, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của tập thể giáo viên; mô hình khám và điều trị bệnh xã hội, cảm hóa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật; các mô hình vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới…

Tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc ở hầu hết các lĩnh vực, trên 27.300 điển hình đã được tuyên dương.

Là tấm gương học tập và làm theo Bác tiêu biểu của tỉnh tham gia chuyến đi này, cô giáo Lê Thị Bích Tuyền (Trường THCS Đông Thạnh) ở TX Bình Minh kể câu chuyện cảm động, học Bác tinh thần trách nhiệm, chăm lo bồi dưỡng cho thế hệ trẻ với tình yêu thương. Cô kể, em Nguyễn Thành Đạt (lớp 9/2) thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường, ngủ gật trên lớp, hay vô cớ đánh bạn.

Qua tìm hiểu mới biết mẹ em mất khi em còn nhỏ, ba thường đi làm xa lâu lắm mới về, em sống với ông bà nội già yếu. Ngoài giờ học, em phải giúp ông bà làm việc nhà, kiếm tiền bằng cách ra đồng bắt cua, bắt rắn. Em rất bướng bỉnh và bất đồng thậm chí sẵn sàng đánh nhau khi bị ai đó trêu là “đồ không có mẹ”.

Với sự giúp đỡ của cô Tuyền, Đạt được miễn học phí, được hỗ trợ học bổng, được tặng quần áo tết, quà đón xuân... Cảm nhận được hơi ấm của tình thương, Đạt vào nề nếp học tập, tham gia tích cực hơn các phong trào ở lớp và thuận lợi tốt nghiệp THCS. Và giờ em đang là học viên của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.

Anh Trần Hưng Lộc- Phó Bí thư Xã Đoàn Lộc Hòa (Long Hồ) thì cho biết: “Tôi học ở Bác về lòng yêu thương con người, phải dùng chính cái tâm của mình để làm việc, để phục vụ cho nhân dân, khi người dân thấy và hiểu được những việc mình làm là vì họ thì họ mới tin tưởng mình, tin tưởng vào Đảng, vào Đoàn thanh niên”.

Học ở Bác về phong cách làm việc khoa học, xuất phát từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở địa phương, anh Lộc đề xuất ý tưởng “Vườn ươm thanh niên” để ươm những cây giống thực hiện các tuyến đường hoa. Đến nay trên địa bàn xã đã có 2 tuyến đường hoa được thực hiện từ vườn ươm thanh niên. Đây cũng là công trình thanh niên làm theo lời Bác nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trò chuyện với các đại biểu trong đoàn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá: Vĩnh Long là địa phương tổ chức việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất bài bản, có nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, từ đó giúp tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế- xã hội.

“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Phủ Chủ tịch chiều yên ả. Nắng rọi qua từng tán lá xanh mướt, in bóng xuống con đường dẫn đến ngôi nhà sàn của Bác nằm cạnh một ao cá. Trong vườn có nhiều cây do Bác tự tay trồng và chăm sóc.

Người trồng cây không chỉ lấy bóng mát, cho cảnh thêm đẹp, cho không khí trong lành, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, gắn với quê hương đất nước, với tình đồng chí, bạn bè quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Tham quan khu vườn Phủ Chủ tịch, được nghe câu chuyện về những loài cây trong vườn Bác, chúng tôi cảm nhận nhành cây, ngọn cỏ không còn vô tri, vô giác mà hiện hữu với hơi ấm tình thương của Người. Bác như vẫn luôn còn đây, đang chăm chút, nâng niu từng nụ hoa, từng gốc cây lúc lỉu trái.

Giữa lòng Thủ đô Hà Nội náo nhiệt, vẫn có một góc để ta cảm thấy bình yên, gợi mở những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống. Vườn cây Khu Di tích Phủ Chủ tịch sẽ mãi là một bức thông điệp với các thế hệ hôm nay và mai sau: “Hãy giữ lấy màu xanh, đây chính là cuộc sống tương lai”.

Trước khi vào lăng viếng Bác, Ban quản lý lăng cho đoàn xem phim tư liệu về hình ảnh Bác những ngày cuối đời và tình cảm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, bạn bè quốc tế dành cho Bác. Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, nỗi nhớ miền Nam da diết trong lòng Bác.

Không có dịp vào thăm miền Nam, Bác dành hết tình cảm của mình vào việc chăm sóc những cây dừa trước ngôi nhà sàn hay cây vú sữa mà đồng bào miền Nam đã tặng. Trước lúc đi xa, Bác còn muốn uống ngụm nước dừa từ khu vườn kia. Cả căn phòng vắng lặng, chỉ có tiếng sụt sùi và tiếng nấc nghẹn ngào của những người con từ phương Nam.

Chúng tôi muốn đến dâng lên Người những thành tích tốt đẹp, những bông hoa tươi thắm nảy nở trong sản xuất, trong lao động và học tập. Hương hoa của hồn người, hương hoa của đất nước kính dâng Người. “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” bởi có một tấm gương đáng kính nhất đã ở lại nơi này, chúng tôi vừa lưu luyến, tiếc thương và cũng tự hứa với lòng- nhớ Bác, làm theo Di chúc của Bác.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng ảnh Bác cho các tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo Bác, các thành viên trong đoàn báo công.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng ảnh Bác cho các tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo Bác, các thành viên trong đoàn báo công.

Bày tỏ vui mừng trước những thành quả trong việc phát triển, xây dựng tỉnh Vĩnh Long nói chung cũng như thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW nói riêng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long; đặc biệt là vai trò tham mưu trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Phó Chủ tịch nước mong muốn rằng thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ được tổ chức tốt hơn nữa để tạo được sức lan tỏa về việc học tập, làm theo Bác, không chỉ trong đối tượng cán bộ, đảng viên mà trong toàn thể nhân dân, để mỗi tập thể, cá nhân thấm nhuần những lời dạy của Bác, học theo Người từ những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với trách nhiệm, công việc của mỗi người. Phó Chủ tịch nước đề nghị, với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, các cấp ủy, chính quyền, địa phương cần quyết liệt thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội, hướng tới nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

>> Kỳ 2: Về Thái Nguyên-mãi hát khúc anh hùng ca

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY