Trên hải trình đến với Nhà giàn DK1

Cập nhật, 06:36, Thứ Bảy, 06/07/2019 (GMT+7)

Hành trình của chúng tôi trên biển với hơn 700 hải lý, đến thăm cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc- là một chuyến đi với rất nhiều cảm xúc, ấn tượng khó quên. Và vẫn còn nhiều chuyện thú vị chưa được kể.

Nhà giàn DK1 nằm trọn trong thềm lục địa phía Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhà giàn DK1 nằm trọn trong thềm lục địa phía Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chuyện ngày thường của lính nhà giàn

Những ngày đầu năm 2019, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đưa chúng tôi ra thăm cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn DK1, Trạm ra đa 590 Côn Đảo.

Cụm Kinh tế- Khoa học kỹ thuật- Dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, gọi tắt là DK1, là vùng biển rộng lớn với diện tích trên 200.000km2 nằm trên thềm lục địa Đông Nam của nước ta. Toàn khu vực DK1 có 9 bãi ngầm được đặt tên Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây, Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Đinh.

Ý nghĩa tên của các bãi ngầm

Thật ý nghĩa khi tên của những chúa Nguyễn có công khai phá, mở mang bờ cõi vùng đất phương Nam được dùng để đặt cho các bãi ngầm ở vùng biển DK1. Đó là “Nguyễn Phúc Nguyên”, “Nguyễn Phúc Tần”. Và cả Huyền Trân công chúa- người đã có công mở mang châu Ô- châu Lý (tức Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay). “Quế Đường” là tên hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Hiện nay, toàn khu vực này có 15 điểm đóng quân là các trạm kết cấu bằng thép, được đóng trên các bãi cạn san hô, có độ sâu 15-30m, do các cán bộ thuộc Khung quản lý DK1, Vùng 2 Hải quân chốt giữ. Các bãi khu vực DK1 hình thành và phát triển theo hướng Đông Bắc- Tây Nam, nằm trọn trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo Đại tá Nguyễn Quốc Văn- Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân, ngoài các chức năng kinh tế- khoa học kỹ thuật- dịch vụ, các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam còn là điểm tựa giữa biển khơi của ngư dân.

“Các nhà giàn DK1 cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển luôn sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ ngư dân khi cần thiết. Chẳng hạn, khi bà con thiếu nước bộ đội sẵn sàng cho, thiếu rau thì chia sẻ. Bắt được con cá ngon bà con cũng đem cho lính nhà giàn”- Đại tá Nguyễn Quốc Văn cho biết. Hơn nữa, khi ngư dân có việc như đau bụng, nhức đầu… nhà giàn gần nhất sẽ hỗ trợ sơ cứu, thuốc thang cho bà con.

Bộ đội nhà giàn chăm sóc rau xanh giữa biển khơi.
Bộ đội nhà giàn chăm sóc rau xanh giữa biển khơi.

Theo Trung tá Phạm Công Trãi- Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19: “Nhiệm vụ chính của nhà giàn là chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển được phân công quản lý. Đồng thời, nhà giàn cũng là một trạm khí tượng- thủy văn, thường xuyên thu thập các số liệu thời tiết gửi về đất liền, ngọn hải đăng chỉ đường cho tuyến hàng hải quốc tế”.

Nhà giàn còn là điểm tựa của ngư dân, tàu thuyền vươn khơi bám biển. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn vất vả, nhưng lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã luôn nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trên giao. Hiện nay, các nhà giàn DK1 đã được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, nhà giàn ngày càng xây dựng to đẹp, vững chắc, kiên cố hơn; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được cải thiện.

Thiếu tá Trịnh Văn Sơn- cán bộ Nhà giàn DK1/8, bảo rằng ông đã có 28 năm trong quân đội và 20 năm ở cùng đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió.

Đồng đội gọi Thiếu tá Trịnh Văn Sơn là “võ sư trên nhà giàn”, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính được giao, ông cho biết mỗi sáng sớm thức dậy thường luyện các thế võ vừa thể thao, vừa rèn luyện sức khỏe, tinh thần. Ông còn bày cho anh em nhà giàn cùng luyện tập điều độ.

“Chúng tôi luôn rèn luyện để đảm bảo công tác trên nhà giàn linh hoạt, nhanh nhẹn, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Ở thao trường đổ mồ hôi, để chiến trường bớt đổ máu”- người chiến sĩ nhà giàn rắn rỏi bảo, việc tập luyện thường xuyên để có sức khỏe dẻo dai, luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa biển khơi.

“Anh nuôi ơi, em muốn ăn mì gói”

Trên Tàu Trường Sa 08, chúng tôi có chế độ khẩu phần ăn đi biển 4 bữa/ngày gồm sáng- trưa- chiều và tối, hôm nào cũng được đội hậu cần của tàu phục vụ chu đáo và rất đúng giờ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Phơn được gọi thân mật “anh nuôi” của tàu, 46 tuổi, quê Thanh Hóa, anh bảo từ nhỏ đã thích nấu ăn. Khi đã là lính Hải quân, anh được phân công làm nhiều việc khác nhau trên tàu biển, trong đó nấu ăn cũng là nhiệm vụ thường xuyên.

“Anh nuôi”- Thiếu tá Nguyễn Văn Phơn nấu ăn trên tàu phục vụ đoàn công tác.
“Anh nuôi”- Thiếu tá Nguyễn Văn Phơn nấu ăn trên tàu phục vụ đoàn công tác.

Những ngày biển động, việc nấu ăn trên tàu đã khó, phải đối phó với sóng cấp 5-6 liên tục lại càng vất vả hơn. Anh Phơn vừa xới nồi cơm, vừa quay sang chảo rau xào, mồ hôi nhễ nhại vẫn tươi cười: “Nhiều khi sóng đánh hất cả nồi canh.

Anh em vừa nấu phải vừa giữ chặt nồi”. Tổ nấu ăn trên tàu có 4 người, theo anh Phơn, phục vụ việc ăn uống, nhất là các đoàn công tác (từ 70-100 người) ra thăm bộ đội Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc- là chuyện thường ngày… trên tàu.

Anh em phải tính toán giờ giấc để kịp phục vụ thành viên đoàn đúng giờ, nên phải thức từ khuya chuẩn bị cho kịp bữa sáng; khi đoàn công tác ăn sáng lại phải lo bữa trưa; cơm chiều xong lại sửa soạn bữa tối…

Các anh nuôi trên tàu luôn “sẵn sàng phục vụ quý khách”. Nhiều hôm cơm canh đã dọn lên, có người lại say sóng ăn không nổi, liền “nhõng nhẽo”: “anh nuôi ơi, em muốn ăn mì gói”. Anh Phơn và các anh nuôi trên tàu cũng đều vui vẻ đáp ứng ngay.

Mỗi chuyến tàu công tác trên biển đảo thường từ 10 ngày đến hơn nửa tháng, anh nuôi Phơn cho biết, khi nhận mệnh lệnh phải dự trù từng món, tính toán sao cho thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho cả đoàn.

Ví dụ, đoàn trên biển 10 ngày phải đảm bảo 20 bữa ăn chính, 40 bữa ăn phụ, dự trù thịt, cá, rau củ, trái cây… sao cho không dư thừa cũng không thiếu. Đã quen với việc lên thực đơn như vậy, nhưng anh nuôi Phơn lắc đầu nói đùa: “Mệt lắm. Tôi phải ngồi suy nghĩ cả ngày đó”.

Có “lăn vào bếp”, chúng tôi mới hiểu hết nỗi vất vả, mồ hôi ướt áo của các anh nuôi trên tàu. Còn Thiếu tá Nguyễn Văn Phơn chỉ cười đôn hậu: “Nghề hậu cần, anh nuôi của tàu cũng phải có năng khiếu à”.

Người mê chụp ảnh bộ đội nhà giàn

Chuyến tàu còn có anh nhiếp ảnh rất chịu khó… chụp hình, nhờ vậy hành trình trở nên thú vị hơn khi chúng tôi có dịp trao đổi, chia sẻ những khoảnh khắc đẹp về nhà giàn, cuộc sống của các anh bộ đội.

Nghệ sĩ Trần Duy Tình (Bình Dương) bảo anh đã có 3 chuyến đi ra Nhà giàn DK1 để chụp ảnh. Đối với anh, được cùng ăn ở, ghi lại cuộc sống của bộ đội nhà giàn là trách nhiệm và cũng là may mắn, hạnh phúc. Qua những bức ảnh, anh muốn truyền cảm hứng, niềm tự hào về biển đảo, về người lính ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc quê hương.

Nghệ sĩ Trần Duy Tình tác nghiệp trên tàu Trường Sa 08.
Nghệ sĩ Trần Duy Tình tác nghiệp trên tàu Trường Sa 08.

“Chụp ảnh về biển đảo cho tôi thêm yêu Tổ quốc mình”- anh Trần Duy Tình bộc bạch. Anh khoe với chúng tôi nhiều bộ ảnh về bộ đội Hải quân của anh nhận nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh, tham gia các triển lãm. Đặc biệt, để có bộ ảnh “Ngôi nhà giữ biển”, anh đã “ăn, ngủ, buồn, vui cùng chiến sĩ nhà giàn DK1 hơn tháng trời”.

Nhiếp ảnh gia Trần Duy Tình cho biết, chụp ảnh ngoài biển đảo đồng nghĩa với vất vả, cực nhọc hơn nhiều. Nhưng điều lớn lao hơn mà anh tự nhận đó là hành trang cho cuộc sống, là sự trưởng thành và ý thức trách nhiệm của một công dân yêu nước.

30 năm ngày truyền thống bộ đội nhà giàn

Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT chính thức công bố việc xây dựng Cụm Kinh tế- Khoa học- Dịch vụ tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1), thuộc Đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo. Từ đó, ngày 5/7 cũng được xem là ngày truyền thống bộ đội nhà giàn.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC