Thầy giáo dạy Toán mê làm du lịch

Cập nhật, 16:56, Chủ Nhật, 07/07/2019 (GMT+7)
Thầy Phong (bìa trái) làm hướng dẫn viên cho khách tham quan.
Thầy Phong (bìa trái) làm hướng dẫn viên cho khách tham quan.

Là một thầy giáo, nhưng với đam mê làm du lịch và mong muốn quảng bá, giới thiệu hình ảnh của quê hương, xứ sở Sa Đéc đến với bạn bè gần xa, thầy giáo Huỳnh Trịnh Quốc Phong- một giáo viên dạy Toán ở Trường THCS Lưu Văn Lang (TP Sa Đéc- Đồng Tháp) đã mạnh dạn thuê đất, thiết kế và xây dựng khu homestay giữa những cánh đồng hoa tại làng hoa Sa Đéc.

Điểm nổi bật của khu homestay này là tất cả được làm bằng tre tạo sự mới mẻ, gần gũi với thiên nhiên nên tạo được sức hút với nhiều người khi có dịp ghé qua làng hoa.

Nhen nhóm ý định làm du lịch, năm 2017, thầy Phong quyết định xây dựng 1 căn nhà tre để khách tham quan lưu trú với diện tích khoảng 100m2. Với lối kiến trúc độc đáo từ tre, căn nhà này nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều khách tham quan. Do lượng khách tham quan lưu trú ngày càng đông, căn nhà tre không đủ sức chứa.

Cuối năm 2018, thầy Phong quyết định thuê một khu đất rộng khoảng 4.000m2 và xây dựng khu homestay có tên Phong-levent tọa lạc tại phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) với 4 căn nhà tre để khách lưu trú và 1 căn nhà lớn dùng phục vụ nhu cầu ăn uống và sinh hoạt tập thể có sức chứa khoảng 30 khách.

Điểm đầu tiên đập vào mắt mọi người là không gian tre từ những cây cầu cho đến những chiếc ghế ngồi hay những chiếc đèn ngủ, những căn phòng… tất cả đều làm bằng tre.

Chia sẻ về ý tưởng này, thầy Phong cho biết: “Mình cũng đi du lịch ở nhiều nơi, thấy những nước khác người ta không có tre nhiều như Việt Nam mình mà người ta vẫn tạo ra được những sản phẩm từ tre thì tại sao mình là người Việt Nam lại không tận dụng sản vật của địa phương mình? Do đó, tôi quyết định thiết kế tất cả từ tre”.

Để thiết kế được những căn nhà tre mang dấu ấn riêng, theo thầy Phong không phải việc đơn giản vì phải chọn loại tre có đủ độ già mới có sức bền, đặc biệt là việc uốn cây để tạo dáng và sáng chế ra các chi tiết trong phòng rất khó.

Anh Trần Văn Tài- một khách tham quan đến từ TP Cần Thơ- nhận xét: “Những căn nhà tre ở đây rất đặc biệt, vô đây cảm giác như được hòa mình với thiên nhiên, rất là mát mẻ, những cây tre được uốn và tạo dáng rất kỳ công, nhìn rất đẹp”.

Là một giáo viên dạy Toán nhưng thầy Phong lại khá thông thạo tiếng Pháp. Sau những giờ lên lớp, khi rảnh rỗi là thầy giáo này lại chuyển sang một nghề khác là hướng dẫn viên.

Phần lớn những đoàn khách đến với khu homestay vào ngày cuối tuần đều do chính thầy Phong làm hướng dẫn viên và đa số du khách đều tỏ ra thích thú với ông chủ cơ sở này.

Chị Laura Silva- một du khách Pháp- thích thú nói: “Ông chủ ở đây rất nhiệt tình lại vui tính. Qua cách hướng dẫn của ông thì tôi hiểu biết thêm nhiều giống hoa ở Sa Đéc cũng như biết thêm về làng quê Việt Nam”.

Khu nhà nghỉ homestay của thầy giáo Phong còn có sân sinh hoạt chung, có vườn rau, chỗ tắm nắng… cho du khách và có khu vực bơi xuồng, câu cá. Đặc biệt là xung quanh khu homestay còn có nhiều cánh đồng hoa, tất cả đã tạo nên một không gian thôn quê, yên bình, gần gũi với thiên nhiên khiến du khách thích thú thư giãn.

Một điểm đáng quý ở ông thầy giáo này là ngoài mở homestay, thầy Phong còn liên kết với những hộ dân trồng hoa màu, cây ăn trái và trồng hoa xung quanh khu vực homestay để khi có khách đến thì dẫn khách đến ngắm hoa, mua hoa, trải nghiệm làm nông dân với các hoạt động như: bắt ốc, hái trái, hái rau…

Qua đó, đã giúp những bà con xung quanh có thêm thu nhập. Thầy Phong tâm sự: “Mình muốn tạo một ký ức cho du khách khi đến với địa phương mình, khi mình liên kết với các hộ dân xung quanh thì vừa quảng bá hình ảnh của địa phương lại vừa giúp các hộ dân xung quanh có thêm thu nhập. Ví dụ như khách vào vườn hái trái, hái rau thì mình cũng có thu phí về các hoạt động này”.

Ông Lâm Văn Học- một hộ dân trồng hoa màu gần khu homestay của thầy Phong- phấn khởi nói: “Hồi trước, khi chưa có khu homestay này thì khách du lịch ít đến mà cũng không có ai vào vườn của tôi. Nhưng từ khi thầy Phong dẫn khách về đây rồi dẫn vào vườn bà con ở đây, ai cũng thấy vui và phấn khởi vì có thêm một khoản thu nhập từ hoạt động này”.

Hiện tại, nhiều đoàn khách du lịch- nhất là khách từ các nước Châu Âu- đã đặt trước lịch lưu trú tại homestay qua hệ thống đặt lịch của các trang web Booking.com, Airbnb.com.

Đây được xem là một tín hiệu phấn khởi với mô hình du lịch homestay tại Sa Đéc và được xem là một hướng đi đúng đắn của thầy giáo Phong. Anh không chỉ có một nhiệm vụ đào tạo, giáo dục con người mà còn góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: THANH NGHĨA