Tạp bút

Rong ruổi đi tìm vẻ đẹp

Cập nhật, 16:16, Chủ Nhật, 30/06/2019 (GMT+7)

 

Tặng mình một buổi sáng để đi tìm mật ngọt của đời, đi tìm những vẻ đẹp bình dị xung quanh cuộc sống hàng ngày. Vùng đồng bằng châu thổ đi đâu cũng thấy sông nước mênh mông. 

Những chiếc tàu nặng trĩu ôm lúa vào lòng, những chiếc ghe khóm xanh ngon nối đuôi,… Dòng sông vẫn nhộn nhịp và sóng vẫn vỗ. Mấy giề lục bình lá xanh bông tím trôi dạt phiêu lưu như kiếp sống thương hồ rày đây mai đó.

Cả nhà sống cùng trên chiếc ghe dập dềnh trên sóng, quen với ánh đèn dập dờn trong đêm. Cứ thế, hết đời cha lại đến đời con lênh đênh, đã trót mang kiếp thương hồ khó mà rời bỏ ghe xuồng, sông nước được. Họ tìm thấy được niềm vui trên sông nước dù kiếp sống mưu sinh vất vả.

Cũng giống như người với thú chơi kiểng, họ rong ruổi khắp các vùng để đi tìm những cây kiểng mà họ yêu thích. Mua về họ quý như báu vật. Họ vui khi tự tay chăm tỉa và tạo hình cho chúng. Người với thú chơi đồ cổ cũng thế, cũng rong ruổi tìm mua những chiếc đồ cổ về nhà ưu ái đặt ở một nơi ưa nhìn… Họ rong ruổi đi tìm niềm vui.

Xa xa những chiếc xuồng con với mái chèo buông, tôi ngỡ ngàng và vui như hội. Dáng hình thấp thoáng với chiếc nón lá, tay đưa mái chèo nhịp nhàng. Hình ảnh này ngày càng vắng trên sông nước miền Nam Bộ.

Chiếc xuồng gắn sinh hoạt của người dân đồng bằng châu thổ và chiếc xuồng chèo trở thành nét đẹp quê hương, văn hóa Nam Bộ. Để gìn giữ vẻ đẹp của vùng sông nước, để phục vụ nhu cầu của du khách, thuyền chèo xuất hiện trong dịch vụ đưa khách thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng sông nước.

Tôi không thể nào bỏ qua hình ảnh này được nên chộp ngay khoảnh khắc những mái chèo buông cặp bến chợ. Tôi đã bắt cảnh với tấm ảnh ngược sáng tạo nên khung cảnh màu đen sậm và những mảng sáng lấp lánh y như thời xa xăm vậy. Không khác gì tấm hình trắng đen chụp bằng phim thời ấy vậy.

Thích làm sao, lưu giữ lại những kỷ niệm để nhắc nhớ về những hình ảnh đẹp của một thời quê “trên bến dưới xuồng”. Thời bán con heo, trái dừa đều phải chở bằng xuồng ra chợ mà bán.

Cảnh những chiếc xuồng chèo gợi nhớ “Con Bảy đưa đò” của nhà văn Sơn Nam. Cuộc sống sông nước, con Bảy sống hàng đêm bằng nghề bán bánh bò cho ghe xuồng qua lại và sau đó là đưa đò. Con Bảy có gương mặt đẹp chữ điền, đôi mắt đen láy, vóc hình cao ráo. Có giọng hát “nó xa lạ nhưng quen thân, ấm áp.

Khi cất lên thì nó cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh, giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nước dẫu khi thuyền đã xa khuất”. Ngoài hát, con Bảy đưa đò nổi danh hò rất hay với điệu hò “bánh bò”. Con Bảy sống cái thuở sông rộng, nhà cửa thưa thớt.

Cái thời khúc sông vọng những câu hò buồn: “Hò ơ…ơ! Gió thổi liu riu, giề lục bình trôi líu ríu. Xin dừng bận bịu bớ điệu chung tình. Nhạn bay cao khó bắn, cá ở ao huỳnh khó câu” hay “Hò ơ… ơ! Bần thần không biết thương ai. Thương đào liễu giận, thương mai trúc hờn. Chàng ràng chi lắm bướm ơi, đậu vô thì đậu một nơi cho thành”.

Nay hình ảnh người đưa đò văng vẳng câu hò chỉ còn trong những tác phẩm văn học, phim ảnh, tuồng tích mà thôi. Và tiếng “Hò ơ… ơ!” trên sông vọng về từ những chiếc radio của những chiếc ghe tàu làm lưu luyến nét đẹp xưa.

Những chiếc xuồng con mất dạng ở khúc sông quanh co là lúc tôi rời nơi ấy. Tôi tiếp tục rong ruổi đi tìm những giọt mật, đi tìm những vẻ đẹp bình dị xung quanh cuộc sống.

Bài, ảnh: MAI KHA