Cờ Đảng trên sông Tiền

Cập nhật, 21:05, Chủ Nhật, 24/02/2019 (GMT+7)

Từ thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình- Đồng Tháp), qua đò chợ Thủ sang sông Tiền là đến Chợ Mới- một huyện cù lao của tỉnh An Giang. Nơi đây, có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng và nhiều di tích lịch sử được công nhận cấp quốc gia. 

Xã Long Điền A nằm ven dòng sông Tiền Giang, thuộc huyện Chợ Mới và còn là nơi đã treo cờ Đảng đầu tiên ở Nam Bộ.

Di tích nơi lá cờ búa liềm tung bay năm xưa.
Di tích nơi lá cờ búa liềm tung bay năm xưa.

Lá cờ đỏ thắm mang hình búa liềm vàng rực phất phới tung bay trên dây thép giăng ngang sông Tiền đã làm xôn xao lòng dân Chợ Mới và làm khiếp đảm kẻ thù.

Lá cờ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Nam Bộ giục giã đồng bào đi làm cách mạng. Cột dây thép là điểm thông tin liên lạc từ xã Tấn Mỹ- thuộc cù lao Gieng về quận lỵ Chợ Mới do Pháp thiết kế, xây dựng cao 30m vào cuối thế kỷ XIX.

Từ mờ sáng, tin truyền miệng vỏn vẹn có mấy tiếng: “Cộng sản treo cờ!” nhanh như chớp lan tỏa khắp xã Long Điền A, làm xôn xao đông đảo nhân dân Chợ Mới. Lúc chợ nhóm thật đông, bà con rì rầm bàn tán:

- Cộng sản là những người bênh vực dân nghèo, dân làm công, làm ruộng.

- Vậy cờ ra làm sao?

- Cờ màu đỏ có hình cái búa với lưỡi liềm màu vàng!

- Treo cách nào mà giỏi quá, lính canh có mắt như mù!...

Người ta rủ nhau ngược hương lộ về hướng Mỹ Luông để coi cờ cho tận mắt mới tin, mới chịu. Sát bờ sông, tại một địa điểm cách Chợ Mới non 10 cây số theo Tỉnh lộ là một cột dây thép cao nghều nghệu, vượt hẳn những ngọn cây cao nhất, ai cũng có thể nhìn thấy từ đằng xa.

Ở đoạn dây từ cột dây thép nằm vắt qua giữa sông Tiền có treo lá cờ đỏ thật to mang hình búa liềm màu vàng phần phật tung bay trong gió sớm mùa xuân...

Dưới sông, ghe xuồng, tàu bè qua lại ngược xuôi, ai cũng ngước nhìn lên. In trên nền trời xanh lồng lộng lá cờ đỏ chói chang. Đến trưa, quan chức trên quận, trên tỉnh mới kéo đến, luýnh huýnh không biết cách nào hạ cờ xuống.

Suốt mấy ngày đêm như vậy, chúng đành bấm bụng cắt dây thép giăng qua sông mới lấy được lá cờ. Dân tình nói với nhau: “Cờ Cộng sản súng đạn không làm suy suyễn chút nào...”

Câu chuyện trên đã diễn ra vào một ngày đầu tháng 3/1930. Lúc đó, cờ được treo theo Quyết định của Chi hội Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội xã Long Điền (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) nhằm khuếch trương thanh thế của Đảng. Đó là một trong những lá cờ Đảng xuất hiện sớm nhất ở Nam Bộ!

Câu chuyện thường được những vị cao niên kể lại cho con cháu nghe nhằm giáo dục truyền thống yêu nước nồng nàn cho thế hệ trẻ và thuật lại cho bạn bè phương xa đến chơi trong suốt gần 86 năm qua. Người tình nguyện treo lá cờ là ông Lê Văn Đỏ (tức Chín Đỏ)- một quần chúng trung kiên của Đảng, sinh sống tại ấp Long Thuận (xã Long Điền).

Vào khoảng 1 giờ sáng 2/3/1930, ông Lê Văn Đỏ đã cùng 2 thanh niên trèo lên cột dây thép treo lá cờ Đảng đỏ thắm.

Lúc sinh thời, ai hỏi kỷ niệm thời trai trẻ đó, ông Chín Đỏ trả lời mộc mạc: “Tôi làm việc đó là để cho dân làng biết ở đây có Đảng lãnh đạo làm cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của bọn thực dân, để cho dân mình không sợ bọn Tây, đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược và bè lũ tai sai ác ôn bán nước...”

Hiện nay, tại cột dây thép này đã có khu di tích lịch sử với công trình nhà lưu niệm, cột dây thép… rất quy mô, hoành tráng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan, du lịch và tổ chức du khảo về nguồn tìm hiểu lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước!

Đến nay, sau hơn 88 năm dưới ngọn cờ lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân, diện mạo nông thôn xã Long Điền A ngày càng khởi sắc. Cuộc sống của người dân nơi đây thật khá giả, sung túc.

Số hộ khá, giàu của xã tăng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm đáng kể. Làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Thủ đã được công nhận từ năm 2006 và từ làng nghề này đã sản sinh ra nhiều nhân tài và những nghệ nhân tiêu biểu như: nghệ nhân Trần Văn Lai (thường gọi là ông Tư Chia).

Làng nghề mộc Chợ Thủ có hơn 1.000 hộ tham gia, với trên 2.500 lao động và trên 200 cơ sở lớn, nhỏ. Những dịp lễ, tết... các mặt hàng gỗ cẩn, hoành phi, câu đối được tỏa đi khắp nơi trong nước.

Ngoài số khách hàng trực tiếp đến tận nơi mua, sản phẩm mộc ở huyện Chợ Mới còn theo đường xe đi Long Xuyên, Châu Đốc... theo đường thủy xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu xa xôi hoặc ngược lên TP Hồ Chí Minh rồi Tây Ninh, Bình Dương hay ra tận miền Trung, miền Bắc...

Người dân khắp nơi đang tìm về Long Điền A định cư làm ăn, lập nghiệp rất nhiều, góp phần xây dựng xã Long Điền A ngày thêm giàu đẹp, sung túc…

Bài, ảnh: TRẦN TRỌNG TRUNG