9 năm hành trình san sẻ yêu thương

Cập nhật, 20:52, Thứ Hai, 25/02/2019 (GMT+7)

 

Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long Phạm Hoàng Khải trao thư cảm ơn cho các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình.
Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long Phạm Hoàng Khải trao thư cảm ơn cho các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình.

Chương trình “Trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” do Chi đoàn Báo Vĩnh Long phát động và thực hiện đến nay đã được 9 năm.

Đây là chương trình rất có ý nghĩa để phần nào hỗ trợ các em có được những cái Tết Nguyên đán đầm ấm, đủ đầy hơn. Cũng thông qua chương trình, các nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ đã đồng hành, hỗ trợ không chỉ về vật chất mà còn về mặt tinh thần.

Có thể nói, chương trình trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã trải qua một hành trình đầy yêu thương…

“Chuyện bao năm về trước, tôi là kẻ mồ côi…”- giọng hát lánh lót của “ca sĩ” 15 tuổi Nguyễn Văn Trắc (ở Bình Tân) cất lên khiến người nghe chạnh lòng. Không chỉ mồ côi, các em còn mang trong mình căn bệnh mà nhiều người nghe nhắc đến tên vẫn còn ngán ngại.

Vốn vui vẻ, hoạt bát nên năm nào đến nhận quà, em Trắc cũng hát bài “Cậu ba lục bình” và “Anh Ba khía” để góp vui. Những người trong BTC chương trình vẫn thường gọi Trắc là “anh Ba khía”.

Trắc mồ côi cha mẹ hồi còn nhỏ, nên có thể hiểu trong tâm trí của cậu bé 15 tuổi, sự trống trải của tình yêu thương là như thế nào. “Con nhớ cha mẹ con mất lúc con 6 hay 8 tuổi gì đó. Con ở với ông nội đi bán vé số, ở đậu nhà người quen. Cứ vậy mà sống qua ngày”- Trắc nói.

Đi nhận quà thay cho cháu Phú Hào (TX Bình Minh), ông bà ngoại cậu bé rơm rớm nước mắt kể về hoàn cảnh của đứa cháu trai.

“Nghe nay được nhận quà, cháu tui mừng lắm nhưng mặt đang bị sưng nên mắc cỡ hổng chịu đi. Cha bé bị bệnh mất lâu rồi. Hồi tôi hay chuyện thì mẹ nó cũng đã bị nhiễm bệnh. Mẹ nó đi làm công nhân ở Sài Gòn, tui mang nó về nuôi. Hồi mới hay tin, hàng xóm người ta cứ xì xào, xa lánh. Thương cháu lắm”- ông ngoại cháu Hào cho biết.

12 năm đồng hành cùng các trẻ bị nhiễm HIV và 9 năm đồng hành cùng chương trình “Trao quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” của Chi đoàn Báo Vĩnh Long, chị Lê Thị Yến Hằng- nhân viên Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (Sở Y tế)- cho biết: Bị kỳ thị hoặc “ý thức về căn bệnh” là lý do khiến tuổi thơ của các em không được vô tư, hồn nhiên như các bạn cùng trang lứa. Theo quan sát của chị Hằng, có một số em càng lớn càng ý thức rõ mình bệnh như thế nào nên có vẻ tự thu mình lại.

Góp mặt trong buổi trao quà, Ngọc Giàu (lớp 9) ngồi nép mình vào một góc, không tham gia trò chơi cùng các bạn. Giàu cho biết, năm nào em và em trai cũng tự đi xe ôm lên nhận quà vì bà đã lớn tuổi, cha bận đi làm.

Khi chúng tôi hỏi thăm về sinh hoạt hàng ngày, Giàu nói: “Em con bị bệnh chứ con không bị bệnh. Hàng ngày, con đạp xe chở em đến trường, nhắc em uống thuốc. Con cũng tự đi chợ nấu ăn cho cả nhà. Mẹ con mất năm con mới biết bò, con rất nhớ mẹ con”.

Chị Hằng cho biết thêm, hầu hết các em bị bệnh do lây nhiễm từ cha mẹ. Theo đó, trong số 60 em nhận quà thì có đến 95% em bị nhiễm HIV, 5% còn lại là con của người nhiễm. Trong khi đó, có 80% em là trẻ mồ côi, hoàn cảnh rất khó khăn.

“Một số em phải bươn chải kiếm sống như bán vé số và sống chủ yếu nhờ vào nguồn vận động, địa phương hỗ trợ… Đáng thương nhất là những em và gia đình là bị cộng đồng kỳ thị nên không thể đến trường học tập, không có việc làm để trang trải cuộc sống.

Từng có trường hợp một em ở huyện không thể đi học vì “nếu em đó đến trường thì học sinh cả trường sẽ nghỉ học”, nhưng may mắn là sau đó nhà trường, đoàn thể đã vào cuộc vận động để em được đến trường như bao đứa trẻ khác.

Hay trường hợp của em Quý và Giàu ở Vũng Liêm thì mẹ mất vì bệnh, cha “bị khờ” nên công ăn việc làm “khi trồi khi sụt”, sống chủ yếu nhờ vào nguồn hỗ trợ nhưng cũng phải nhờ nhân viên ở trạm y tế giữ hộ”- chị Hằng cho biết.

Có 2 năm liên tiếp tham gia chương trình, chị Phương- Chi đoàn Mobifone Vĩnh Long- luôn theo dõi cũng như phát động đến toàn bộ đoàn viên ở đơn vị để cùng nhau đóng góp.

“Góp gió thành bão để các em được vui chơi trong ngày nhận quà cũng như góp thêm niềm vui tết cho các em. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa đối với các bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này”- chị Phương cho biết.

Trong khi đó, một nhà hảo tâm (xin giấu tên) khẳng định sẽ cùng đồng hành với chương trình trong những năm tiếp theo. Đó cũng là một việc làm hết sức ý nghĩa để phần nào bù đắp thiệt thòi do căn bệnh mà các em phải gánh chịu.

“Hoàn cảnh khó khăn đã đành, các em lại còn mang thêm một căn bệnh mà nhiều người do thiếu hiểu biết xa lánh thì không còn lời nào diễn tả sự thiệt thòi của các em. Tôi hy vọng chương trình ngày càng lớn mạnh, nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ nhiều nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp…”- chị này chia sẻ.

Trải qua 9 năm thực hiện, có thể nói chương trình đã và đang đi vào chiều sâu, thực tế và nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các nhà tài trợ. Đó cũng như một lời khẳng định về chất lượng của chương trình, sự tin tưởng của các nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp đã cùng đồng hành trong suốt 9 năm qua…

Danh sách các nhà hảo tâm,
đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình năm thứ 9:

Nhóm Vòng tay yêu thương (TP Hồ Chí Minh): Tiền và 60 phần quà trị giá 24 triệu đồng; Công ty CP Kinh doanh Xuất nhập khẩu Vĩnh Long: 60 phần quà trị giá 18 triệu đồng; Công ty Viễn thông Mobifone chi nhánh tỉnh Vĩnh Long: 60 phần quà trị giá 12 triệu đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín- Sacombank chi nhánh tỉnh Vĩnh Long: 10 triệu đồng; Chi đoàn Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết tỉnh Vĩnh Long: 3 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT chi nhánh tỉnh Vĩnh Long: 3 triệu đồng; công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long: 3 triệu đồng; Nhóm thiện nguyện Trang Lê gồm: Bà Lê Thị Thu Trang, bà Đặng Thị Thủy, bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, bà Huỳnh Kim Phương Thảo, bà Lê Thị Bình, bà Lê Thị Tuyết Hương: 60 phần quà; Jolibee: 30 phần gà rán và nước ngọt; Công ty TNHH Tân Thành: 15 lốc nước H2O: 375.000đ; Hội Doanh nhân trẻ: 60 phần quà; Công ty Phước Thành IV: 100kg gạo; Nhóm từ thiện Khóm 6 (Phường 4- TP Vĩnh Long): 60 phần quà; bà Quách Thanh Vân (Phó Chủ tịch Hội Thân nhân kiều bào TP Vĩnh Long): 3 triệu đồng; Viettel Vĩnh Long- Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội: 2 triệu đồng; Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh Vĩnh Long: 2 triệu đồng; Một bạn đọc ở TP Vĩnh Long: 2 triệu đồng; bà Lê Thị Cẩm Duyên: DNTN Sản xuất nước chấm Hòa Hiệp: 1 triệu đồng; chị Ngọc Hân (TP Vĩnh Long): 1 triệu đồng; cô Bích Vân (Phường 4): 500.000đ; bé Thiên An (Trường Mầm non thực hành Phường 9): 500.000đ; anh Trần Phước (Báo Vĩnh Long): 500.000đ; chị Ngô Mỹ Hồng (Sở Công thương Vĩnh Long): 500.000đ; chị Phạm Thị Thùy Linh (Ngân hàng Agribank Châu Thành- Đồng Tháp): 300.000đ; Mai Kha (Báo Vĩnh Long): 200.000đ; Cao Huyền (Báo Vĩnh Long) : 200.000đ; Thảo Ly (Báo Vĩnh Long): 200.000đ; Phương Thúy (Báo Vĩnh Long): 200.000đ; ông Lê Văn Căng (Vũng Liêm): 200.000đ; anh Nguyễn Minh Tâm (AIA Vĩnh Long): 200.000đ; chị Nguyễn Thị Xuân Trang (AIA Vĩnh Long): 200.000đ; chị Nguyễn Thị Thúy Liễu (Phường 9- TP Vĩnh Long): 200.000đ; chị Nguyễn Thị Xuân Trang (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long): 200.000đ; Bách Hợp (Truyền hình Vĩnh Long) 200.000đ; chị Như (Vũng Liêm): 200.000đ; chị Huỳnh Thị Trần Thảo (thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành- Đồng Tháp): 100.000đ; Tuyết Nga (Báo Vĩnh Long): 100.000đ; chị Tạ Kiều Tiên (Phường 1- TP Vĩnh Long): 100.000đ; chị Bùi Thị Loan (Xã Phú Hựu, huyện Châu Thành- Đồng Tháp): 100.000đ; cô Edith V.Flora (Phường 1): 100.000đ; cô Yến (Báo Vĩnh Long): 50.000đ; anh Nguyễn Minh Thái (Công ty Vĩnh An): 60 phần quà trị giá 1,8 triệu đồng; Phòng Báo điện tử cùng Quả Bơ (Phường 2): 60 phần quà.

Bài, ảnh: CHI ĐOÀN