Vũng Liêm- vùng đất linh thiêng

Cập nhật, 08:07, Thứ Sáu, 23/11/2018 (GMT+7)

 

Con đường mang tên Võ Văn Kiệt tại TP Vĩnh Long.Ảnh: DƯƠNG THU
Con đường mang tên Võ Văn Kiệt tại TP Vĩnh Long.Ảnh: DƯƠNG THU

Mỗi lần ngang qua ngã ba An Nhơn (thị trấn Vũng Liêm), tôi lại ngước nhìn ngưỡng vọng tượng đài sừng sững uy nghiêm, ghi dấu một huyền tích “Cầu Vông” gắn liền với tên tuổi 2 nhân vật đã đi vào lịch sử, đó là Đốc binh Lê Cẩn cùng thuộc hạ thân tín Nguyễn Giao. Huyền tích đó như khởi nguồn cho vùng đất lịch sử linh thiêng với những sự kiện và những con người kiệt xuất, anh hùng của đất nước.

Trong đó, có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- người chiến sĩ cách mạng, nhà lãnh đạo tài năng, một lòng vì nước vì dân.

Huyền tích Cầu Vông

Giờ đây, ngã ba An Nhơn đã trở thành một cụm công trình văn hóa lịch sử, vừa thể hiện sự uy nghiêm hòa trộn với những đường nét kiến trúc mềm mại thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc, để lưu dấu truyền đời mãi mãi cho hậu thế những câu chuyện cũng là những bài học vô giá để mà hiểu, mà yêu thêm xứ sở quê hương mình.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1867, khi thực dân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, cũng là lúc phong trào chống Pháp trên toàn Nam Bộ trở nên mạnh mẽ, đều khắp.

Những con người áo vải cả đời chỉ quen cày cuốc, với vũ khí thô sơ thiếu thốn mọi bề nhưng lòng yêu nước đã làm nên hào khí ngất trời; nên dù thất bại hy sinh họ cũng đã lưu danh vào sử sách.

Trong đó, sự kiện ngày 15/2/1872, với kế sách trá hàng “dụ hổ vào chuồng”, Lê Cẩn- Nguyễn Giao đã giết chết Bồi Xê- tức Alix Salicetti- một quan Tham biện của Pháp ở tỉnh Vĩnh Long. Sự kiện có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghĩa của nhân dân, củng cố niềm tin đánh Pháp.

Di tích hồ Vũng Linh (huyện Vũng Liêm).
Di tích hồ Vũng Linh (huyện Vũng Liêm).

Ở buổi đầu đánh Tây đó, lịch sử thấm đẫm chất bi hùng, làng quê vốn nghèo nàn càng thêm tang thương xơ xác vì sự tàn ác của quân thù.

Những dòng khảo cứu trong “Vĩnh Long xưa” của Huỳnh Minh vẫn còn ghi rõ, sau thất bại ở Cầu Vông tên Tổng đốc Lộc đã thẳng tay giết hại người dân một cách không tiếc: “Ở lại trong nhà thì chết cháy, liều mạng chạy ra ngoài thì ngã gục vì súng đạn chong vào. Còn người nào sống sót thì không bị chết thiêu, không bị bắn ngã rồi cũng bị đám quân của tên Tổng đốc Lộc chặn bắn và giết chết tất cả”.

Sau lần thảm sát của tên Lộc, xác người chết đầy cả một vùng. Truyền thuyết thuật lại rằng, vùng ấy trở nên linh thiêng: “Một vùng âm khí nặng nề, thê lương ảo não, đêm đêm nghe như có hàng trăm, hàng ngàn tiếng ma kêu, quỷ khóc...”.

Mãi cho đến mấy mươi năm sau, dù nơi đây đã tái lập xóm làng, dân cư khắp nơi đến sinh cơ lập nghiệp nhưng mỗi khi nhắc đến tích xưa với bao huyền tích, người dân không khỏi rùng mình và căm phẫn. Cũng từ đó người ta gọi nơi này là Vũng Linh- cái vũng linh thiêng.

Sự kiện và những con người lịch sử

Học sinh ở vùng đất Nam Bộ này hẳn đều thuộc lòng câu nói bất tử của vị anh hùng Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”. Khí phách đó, câu nói đó đủ đúc kết phong trào khởi nghĩa của đồng bào ta một lòng đánh đuổi giặc Tây, nó diễn ra đều khắp, liên tục không ngừng nghỉ dù cho biết bao máu đổ, đầu rơi.

Nhưng nguyên nhân sâu xa của sự thất bại thì những vị lãnh đạo phong trào chưa tìm ra được, cho đến khi có ánh sáng soi đường cách mạng của Đảng, thì nhân dân ta mới chuyển những cuộc đấu tranh tự phát sang một giai đoạn mới.

Chính trong những cột mốc lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, Vũng Liêm đã trở thành một trong những điển hình của thực tiễn quan trọng để góp phần vào lý luận, ý nghĩa lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đó chính là cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Vĩnh Long, trong đó Vũng Liêm là một trong những địa phương tiêu biểu.

Tại cuộc hội thảo ở Vũng Liêm vào ngày 23/11/2015 về “Khởi nghĩa Nam Kỳ ở tỉnh Vĩnh Long”, đã đánh giá Vĩnh Long là địa phương đã diễn ra cuộc khởi nghĩa trên phạm vi toàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, tiêu biểu ở các địa phương thuộc: Vũng Liêm, Tam Bình, Châu Thành (Long Hồ).

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long năm 1940 thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần kiên cường, dũng cảm, chủ động kiên quyết của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Vĩnh Long; là mốc son lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Vĩnh Long; thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ của Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Nhắc đến cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ cũng là nhắc đến cột mốc lịch sử gắn liền với cuộc đời cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là người con của quê hương Vũng Liêm, người có sinh nhật đúng vào ngày 23/11 lịch sử.

Chính từ sau sự kiện lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, Võ Văn Kiệt phải rời quê hương và bắt đầu hoạt động cách mạng trên khắp chiến trường Tây Nam Bộ cho đến Sài Gòn- Gia Định.

Cũng như ngày nay, mỗi lần về lại ngã ba An Nhơn, chúng ta thấy như hiển hiện bóng dáng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thấy bàng bạc một tấm lòng sâu kín của người đối với vùng đất quê hương, đối với cả vùng đất Nam Bộ này, trong từng đường nét công trình ghi dấu những di nguyện của ông.

Từ Công viên văn hóa Nam Kỳ khởi nghĩa, cho đến Bảo tàng Nông- ngư cụ Nam Bộ và những khối đá mỹ thuật tạc nên những văn bia, bức tượng người nữ anh hùng Nguyễn Thị Hồng. Còn thấy cả tấm lòng, sự ngưỡng mộ, yêu quý của quê hương đối với người, qua công trình Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Có cùng suy nghĩ, cảm xúc đó, ông Bùi Quang Huy- nguyên Phó BCĐ Tây Nam Bộ- đã từng bày tỏ tình cảm của mình mỗi khi trở về vùng đất lịch sử linh thiêng này:

“Đến ngã ba Vũng Liêm, tôi da diết nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt, không phải vì đồng chí là đồng hương với tôi,… nhớ một con người đặc biệt có trí nhớ lạ lùng, có tài hùng biện, thu hút, cảm hóa các đối tượng khi được tiếp xúc với đồng chí, nhớ tấm lòng nhân hậu, quả cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Đảng, của nhân dân…”.

Trở thành thông lệ, về dự lễ kỷ niệm 23/11 hàng năm, các đại biểu còn được thưởng thức rất nhiều món ăn truyền thống Nam Bộ.
Trở thành thông lệ, về dự lễ kỷ niệm 23/11 hàng năm, các đại biểu còn được thưởng thức rất nhiều món ăn truyền thống Nam Bộ.

Ngày 23/11 hàng năm, cũng là dịp để các bậc lão thành cách mạng cùng với thế hệ trẻ hôm nay, hành hương về vùng đất Vũng Liêm để tiếp tục ôn lại lịch sử, truyền cảm hứng, tình yêu quê hương, niềm tự hào về một nhân vật kiệt xuất của đất nước đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất linh thiêng này. Người là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG