Về ấp Nhứt bầu cải

Cập nhật, 09:21, Chủ Nhật, 30/09/2018 (GMT+7)

Mấy bận đi công tác ngang ấp Nhứt (xã Ngãi Tứ- Tam Bình), chúng tôi luôn bị hút vào cái màu non tơ của cải non, bởi mầm xanh be bé, đều bân, tạo nên những mảng xanh xinh xinh trước mỗi ngôi nhà… Sức hút ấy kéo chân chúng tôi, khách lạ quen và chắc sẽ còn đến nữa bởi những nụ cười của bà con ấp Nhứt.

Khoảng sân và những ngôi nhà của xóm bầu cải ở ấp Nhứt (xã Ngãi Tứ).
Khoảng sân và những ngôi nhà của xóm bầu cải ở ấp Nhứt (xã Ngãi Tứ).

Nghề cha truyền con nối

Người làm nghề bầu cải lâu đời nhất ở ấp Nhứt là chú Lê Văn Sơn (Hai Sơn). Chú Hai Sơn năm nay 69 tuổi, đã có hơn 40 năm bầu cải.

Tay chú không dừng khỏa những lớp tro trấu vô luống, nói: “Tui không nhớ nổi, chỉ biết lớn lên thấy ba má làm thì phụ, rồi cưới vợ xong lại nối nghiệp ba”- chú Hai cười hì hì nói thêm: “Giờ tui nở ra 6 chi nhánh… có 7 đứa con thì 6 đứa theo nghề”. Chú Hai cũng là hộ bầu cải nhiều nhứt nhì cái xóm này, với gần 600m2.

Trong trí nhớ của chú Hai thì ban đầu có vài ba hộ bầu cải, thấy làm ăn được nên bảo ban nhau “nở” dần ra, giờ có hơn 20 hộ. Chú Hai cười, hàm râu cũng trắng phau như tóc: “Đông hộ làm, mối lái cũng nhiều hơn, làm suốt hà.

Tụi tui làm vần công có, thuê lao động có luôn”. “Buôn có bạn bán có phường”, xóm bầu cải ấp Nhứt lấy uy tín, chất lượng đặt lên hàng đầu nên ngày càng có nhiều khách hàng hơn. Khách hàng trong và ngoài tỉnh lại đặt cây con không chỉ chọn giống như ớt sừng Châu Phi, ớt chỉ thiên, cải mần dưa, các giống bông,… mà khách còn chỉ đích danh giống của công ty nào mới chịu.

Những công việc nhẹ nhàng nhưng tốn nhiều thời gian và cần quen tay, thạo việc.
Những công việc nhẹ nhàng nhưng tốn nhiều thời gian và cần quen tay, thạo việc.

Chú Hai nói: “Khách đặt Trung Nông thì giao Trung Nông đàng hoàng, hàng đúng hạn, hàng đạt mới giao”. Nói rồi chú Hai chỉ tay xa xa: “Cải mà chạy nền là tui hốt bỏ chứ không giao, còn cây giống từ ươm tới bán phải qua 3 đợt tuyển”.

Mối lái đều đều nên thu nhập của gia đình chú Hai thường khoảng 6- 7 triệu/ tháng. Ngoài làm nghề bầu cải thì chú Hai và các hộ trong xóm này đều có đất vườn để trồng trọt, chăn nuôi thêm.

Chị Lê Thị Mỹ Tiên (46 tuổi), con lớn của chú Hai tay thoăn thoắt sắp xếp lại những bầu cải, vui vẻ chỉ khoảnh sân rộng trước mấy ngôi nhà nối tiếp, xanh rì những mầm non: “Theo cha bầu cải từ lúc nhỏ xíu tới giờ hơn 30 năm rồi”.

Chị Mỹ Tiên cho là nghề thấy dễ chứ khó làm, và cũng “cực lắm nghen, không mê không làm nổi, mới hồi đêm xếp cây từ 12 giờ đến 3 giờ sáng cho kịp chuyến hàng mấy chú ở Trà Vinh”.

Đôi bàn tay chị Tiên thoăn thoắt xe xe trên những chiếc bầu lá chuối bé xíu, hạt cải bé xíu rơi vào trong bầu. Những hạt cải nhỏ hơn hạt é, đều đều vô bầu, chị Tiên cười sảng khoái: “Giờ ngày vô hột 20- 30 thiên (mỗi thiên là 1.000) chứ hồi trẻ, còn dẻo dai thì ngày làm 50 thiên ngon ơ”.

Anh Phạm Hùng Lực- Phó trưởng ấp Nhứt- cũng làm nghề bầu cải từ hồi “mới lớn”. Anh Lực vui vẻ: “Cha mẹ làm thì mình phụ. Giờ nuôi bò, trồng cây trái cũng tận dụng sân khoảng 100m2 để bầu cải, bầu ớt bán”.

Anh Lực cho biết, mỗi tháng lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng, cũng “có đồng ra đồng vô”. Chỉ có vợ chồng làm nên anh Lực không dám mở rộng ươm giống hết khoảnh sân, nhưng anh nói: “Lối tháng 11 tôi làm hết sân đón tết à”.

Theo anh Lực, nghề bầu cải ăn liền với đời sống những hộ gia đình ở đây. Đến độ, con dâu, con rể xứ nào không biết về đây cũng gắn với cái nghề tỉ mỉ này. “Làm riết rồi quen, rồi nghiện rồi trở nên khéo léo, có khi vừa nói chuyện vừa bỏ hột cải cũng không sót 1 bầu nào, năng suất tôi làm là ngày bỏ hột 30 thiên nhe”.

Lao động ăn theo xóm bầu cải

Khi xóm bầu cải hình thành và ngày càng “nở nồi” thì có thêm một nghề mới tạo công ăn việc làm cho hơn 20 hộ ở ấp bên cạnh (ấp Ngã Cái- xã Ngãi Tứ) với nghề làm bầu lá chuối.

Chú Lê Văn Năm (65 tuổi) và vợ Đỗ Thị Bé có khoảng 9 năm gắn bó với nghề làm bầu này. Ngày thì loay hoay với ao cá, với bầy vịt xiêm, với chuồng gà. Chiều xuống, bắt đầu từ 17- 22 giờ là lúc vợ chồng chú làm bầu.

Những tàu lá chuối xanh, giòn được cô chú tách ra những miếng bằng nhau, hai đầu được cắt bớt những góc nhọn. Tăm tre được chẻ nhỏ, nhọn, mỏng dùng làm ghim và theo kinh nghiệm của chú Năm thì “ghim bằng tăm tre mới đẹp, không bể hay nứt bầu”.

Chú Năm vui vẻ nói: “Vợ chồng ghiền phim dữ lắm, vừa làm vừa coi, chiều ngồi coi phim tới khuya là có 3.000 bầu, kiếm thêm 2 triệu/tháng phụ hợ tiền chợ cũng đỡ lắm”.

Thím Năm góp vào câu chuyện: “Cái xóm này ban đêm sáng choang, ai đi đâu cũng kè kè cái rổ theo để cuốn bầu lá chuối. Mà cúp điện thì tui vẫn làm ngon lành, lấy đèn pin rọi mờ mờ, kỳ lạ là làm quen thì tay tự nhiên có cảm giác mà cuốn đều thôi”.

Chú Năm thường vừa xem ti vi vừa làm bầu lá chuối, gần 9 năm “trong nghề” nên những chiếc bầu luôn đều đặn, tròn vo.
Chú Năm thường vừa xem ti vi vừa làm bầu lá chuối, gần 9 năm “trong nghề” nên những chiếc bầu luôn đều đặn, tròn vo.

Quả thật, trò chuyện với chúng tôi mà chú Năm vẫn nhanh nhẹn cuốn những bầu đều tăm tắp, tròn vo.

Đối với chú Năm, thời gian ban ngày đi “ba đồng bốn đỗi” làm công việc của Chi hội Nông dân, làm 3 công vườn, chăm nom gà vịt hay đơn giản là đi kiếm lá chuối: “Tui đi vòng vòng Ngãi Tứ, qua Loan Mỹ, tới Tích Thiện (Trà Ôn)… kiếm lá.

Chỗ nào mà có đoàn phát quang bụi rậm là có mặt tui”. Đoàn phát quang dọn dẹp theo chuẩn nông thôn mới xanh- sạch- đẹp, chú Năm cũng đi theo gom lá, mưa gió cũng mặc áo mưa mà đi.

Chú cười: “Bữa hổm đi theo hơn 1 tiếng đầy ự 2 giỏ xách, làm chục bữa mới hết”. Bên vách nhà chú Năm có tấm bảng ghi tỉ mỉ số bầu làm hàng ngày, đều đặn mỗi ngày 3.000 bầu, có hôm lên đến 4.000 bầu.

Không chỉ vợ chồng chú Năm mà những hộ già neo đơn, trẻ em, người khuyết tật trong xóm cũng có thêm thu nhập từ nghề làm bầu cải. Với mỗi thiên được trả 21.000đ, người làm bầu có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ tháng.

Bên cạnh đó, còn có một số lao động có việc làm từ bầu cải. Chú Nguyễn Văn Đức (50 tuổi) đang sắp bầu lên giàn cho biết: “Hồi trẻ đi phụ hồ ở TP Hồ Chí Minh, bây giờ lớn tuổi nên về quê”.

Chú Đức ngồi xếp những bầu lá chuối ngay ngắn rồi trải phân cho đều vào các bầu, ngày nào cũng hơn 20 thiên, tiền công 3.500 đ/thiên.

Màu xanh của những mầm non càng đẹp hơn bởi màu bầu lá chuối. Dù có bầu ny lông rẻ và tiện hơn nhưng chú Hai Sơn và nhiều hộ ở ấp Nhứt chỉ sử dụng bầu lá chuối. Chú Hai giải thích: “Tui ít học thiệt nhưng biết xài bầu lá chuối nó không gây ô nhiễm môi trường, với lại tụi tui mua bọc ny lông thì xóm làm bầu lá chuối phải làm sao?”

Từng mầm xanh trước hiên nhà vươn mình trong nắng, mang theo bao nhọc nhằn, cần mẫn, chịu thương chịu khó của người dân quê.

Tận mắt chứng kiến cả quy trình ươm cây, lại được nghe người dân tâm tình về buồn vui, những thăng trầm chuyện đời, chuyện nghề mới thấm thía tình yêu mà họ dành cho mảnh đất quê nhà. Chú Hai Sơn cười hề hề, dặn với theo: “Tháng 11 về đây xôm tụ lắm”.

Anh Trần Thanh Khải- Bí thư kiêm Trưởng ấp Nhứt- cho biết: Có 22 hộ làm nghề ươm cây giống trong ấp. Ngày trước, người dân chỉ ươm giống cải nên nhiều người quen gọi là “xóm bầu cải”. Bây giờ thì nhu cầu của người dân, của các điểm thu mua đa dạng hơn nên “xóm bầu cải” ươm thêm nhiều loại cây khác: ớt, cà, bí, đu đủ,… Sân trước nhà chỉ cần khoảng 100m2 là có thể bầu cây, kiếm thêm thu nhập bên cạnh việc trồng lúa, chăn nuôi, lo thêm tiền chợ, học phí cho các con. Điều mà anh còn trăn trở là một số hộ có hoàn cảnh khó khăn, cần có một số vốn lớn hơn để mở rộng quy mô và mong muốn đầu ra ổn định hơn.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN-PHƯƠNG THÚY