Người thở bằng "hơi thở chiến trường"

Cập nhật, 06:04, Thứ Bảy, 04/08/2018 (GMT+7)

Hơn 30 năm ôm máy quay phim dọc dài theo các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, “treo mạng sống” giữa 2 làn đạn mà lạ lùng đến nỗi ông tự hỏi: “Tại sao mình… hổng chết?”

Nghiệp phóng viên chiến trường đã đưa ông đến với hầu hết những trận đánh lịch sử từ thời chống Pháp, chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới Tây Nam và cả biên giới phía Bắc năm 1979.

Ông Hồ Tây (phải) bên tượng đài kỷ niệm Chiến thắng vàm Thủ Cù (Tam Bình).
Ông Hồ Tây (phải) bên tượng đài kỷ niệm Chiến thắng vàm Thủ Cù (Tam Bình).

Riêng cuộc đời ông cũng chính là những thước phim tư liệu sống động, chân thực về sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. 

Giờ đây, ở tuổi 86 ông vẫn lặng lẽ trong suốt 5 năm qua tự bắt xe đò đi lần tìm lại từng nhân vật, lần mò sưu tầm từng tấm ảnh của thời xưa.

Ông như người chơi trò “lắp ghép” để hoàn thành bức tranh lịch sử vẻ vang đầy tự hào về chiến trường Đông- Tây Nam Bộ ngày nào.

Ông là nhà quay phim chiến trường- Hồ Tây (Ba Tây) hiện đang về sống tại quê nhà ở ấp Phú Điền (xã Song Phú- Tam Bình).

Tượng đài bên rạch Thủ Cù

Từ chợ Song Phú chạy vào ấp Phú Điền vừa đến đầu cầu rạch Thủ Cù nhìn về bên phải sẽ thấy nổi bật giữa màu xanh của vườn cây, hàng cau, hàng dừa xõa bóng là màu vàng rực của tượng đài kỷ niệm chiến thắng vàm Thủ Cù năm xưa.

Mà lạ đời, vì lần đầu chúng tôi biết được có người tự bỏ tiền túi, rồi cất công đi xin giấy phép để xây nên một tượng đài lịch sử cho quê hương.

Đó là nhà quay phim Hồ Tây. Hơn 200 triệu đồng là tài sản ông tích cóp được từ thời ở ngoài Bắc, có gì bán nấy, được cục tiền ông bỏ hết vào để xây nên bia kỷ niệm này.

Nhưng nếu có dịp ngồi “nghe lại” những thước phim về cuộc đời ông Hồ Tây thì cũng hợp tình, hợp lẽ, bởi đất Thủ Cù này đã gắn bó cả dòng họ Hồ mà ông cố của ông Ba Tây là đại điền chủ vùng này.

Cũng tại đây, ông đã được sinh ra và lớn lên, chứng kiến những trận đụng độ đầu tiên bộ đội mình đánh Tây, mà cha ông là Xã đội trưởng Hồ Văn Sinh đã trực tiếp chỉ huy trận Thủ Cù tháng 1/1946. Sau này, cha ông công tác trong Ban Binh vận rồi hy sinh vào năm Mậu Thân 1968.

Còn cuộc đời ông Hồ Tây như một “vòng tròn kỳ thú” từ rạch Thủ Cù này ra đi lăn mình vào khắp chiến trường Đông- Bắc- Tây- Nam, cuối đời lại quay về đây an dưỡng tuổi già bên con rạch thân thương máu thịt này.

Ông Hồ Tây bên tủ sách tư liệu về điện ảnh Việt Nam.
Ông Hồ Tây bên tủ sách tư liệu về điện ảnh Việt Nam.

Dẫn chúng tôi ra thăm bia kỷ niệm rồi thả bộ dọc theo con rạch ra tới vàm sông Cái Ngang, ông Hồ Tây nhớ rành rọt từng hình ảnh, từng chi tiết những trận đánh năm xưa và đó cũng là lẽ tự nhiên khi đang học ở Mỹ Tho, ông bỏ ngang đi theo phong trào học sinh- sinh viên rời thành vào bưng biền chiến đấu. Năm 1947, vừa tròn 19 tuổi, ông vào chiến khu Tháp Mười.

Năm 1948, ông làm ở văn phòng tuyên truyền. Các chú thấy chàng thanh niên Hồ Tây còn nhỏ, nhanh nhẹn, nên cho đi đào tạo chụp hình, quay phim, tham gia Tổ Nhiếp- Điện ảnh (trực thuộc Ban Tuyên truyền Phòng Chính trị Khu 8), bén duyên với nghề cầm máy từ đó. Người thầy lúc bấy giờ là Đạo diễn- NSND Khương Mễ.

Từ đó, lịch sử chiến tranh đất nước đã đào tạo, sản sinh nên nhà quay phim chiến trường Hồ Tây. Như một cuộc chiến đấu thầm lặng trong hơn 30 năm, ông đã để lại cho đời biết bao những thước phim, những bức ảnh lịch sử vô giá.

Những “thước phim cuộc đời”

Những giây phút tiếp xúc đầu tiên khá dè dặt nhưng khi câu chuyện dẫn dắt về những năm tháng chiến tranh, về chuyện đời, chuyện nghề và những tình bạn tử sinh giữa chiến trường ác liệt, giọng ông Hồ Tây trở nên sôi nổi pha lẫn những câu pha trò, nụ cười khẩy nhẹ tênh của người đã đi qua bao trận đánh, chứng kiến biết bao những thời khắc lịch sử của chiến trường.

Cuộc đời ông Hồ Tây cũng là những chuyến “dịch chuyển” lịch sử theo những trận đánh lịch sử của chiến trường cả nước.

Hồi thời kỳ đầu vào chiến khu Tháp Mười, đối diện với bao nhiêu là khó khăn gian khổ, sự chuyển đổi đột ngột của môi trường sống, cũng rất nhiều người chịu không nổi phải đáo trở ra thành.

Còn bản thân mình khi đã vừa quen với đời sống chiến đấu, quen với nhiệm vụ được giao, thì đùng cái ông Hồ Tây được lệnh điều động về miền Đông khi mà chiến khu này đang bước vào giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất.

Ông Hồ Tây chậm rãi nhớ lại: “Năm 1952, Khu 8 giải tán, rời Đồng Tháp Mười được lệnh ngược lên miền Đông. Lúc này miền Đông bão lụt, người dân đói kém, tình hình chiến tranh thì gay go, bộ đội thiếu súng đạn, thiếu lương thực tiếp tế.

Chính thời điểm khó khăn này, chủ trương của Trung ương mở rộng căn cứ qua nước bạn Campuchia đã tạm thời giảm bớt áp lực của sự khốc liệt. Khi tình hình vừa êm êm, thì lại được lệnh điều về Ban Liên hợp Ngã Bảy ở miền Tây”.

Ông Hồ Tây đang xem lại những thước phim tư liệu về Tiểu đoàn 308.
Ông Hồ Tây đang xem lại những thước phim tư liệu về Tiểu đoàn 308.

Ông Hồ Tây kể vui cuộc đời mình có những cột mốc thú vị, như chuyện tập kết ra Bắc cũng là một trong những người sau cùng vào năm 1955, lại được đi bằng máy bay của Ba Lan hỗ trợ, rồi sau này năm 1978 ông cũng là một trong những lớp người đầu tiên được đưa đi học tập về phim màu ở đất nước Ba Lan.

Những tháng năm đầu tiên ra Bắc, ông Hồ Tây kể: “Lúc này về xưởng phim, lo ăn còn hổng xiết lấy gì mà lo quay phim”.

Rồi năm 1965, Hồ Tây cùng Mai Lộc và Đoàn Phi được cử sang Trung Quốc học tập 1 năm, trở về phục vụ đến năm 1965 thì có lệnh về Nam phục vụ chiến trường trong này đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

“Từ Bắc trở vào Nam mới 7 ngày, chưa kịp tỉnh táo thì ôm máy nhào vào trận đánh trên đường 13. Sau trận đó, lãnh đạo lo lắng nếu mình ngủm thì lấy ai đào tạo lớp sau.

Vậy là được rút về phía sau mở lớp dạy quay phim”- ông Hồ Tây nhớ lại. Nói về sự ác liệt của chiến trường và sự hiểm nguy của nghề cầm máy, ông nói: “Ở cái lớp học quay phim đó có 20 đứa, thì sau một trận càn chỉ còn lại 4 đứa”.

Cái nghiệp ôm máy làm phóng viên chiến trường mà theo ông Hồ Tây thì phải luôn chạy ra phía trước, phải luôn đứng giữa 2 làn đạn nên nó dễ ngủm lắm, “quay phim mà đứng phía sau thì chỉ quay được cái… đít thôi”- bác cười sảng khoái.

Nguy hiểm nghề phóng viên chiến trường nhưng vinh quang, hạnh phúc cũng là đây. Họ luôn có mặt chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử và ghi giữ lại nó như một minh chứng hùng hồn cho sự anh hùng của người lính, phơi bày sự thật để tố cáo những tội ác của chiến tranh của kẻ thù.

Ông Hồ Tây ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp đã được theo chân Tiểu đoàn 307, 308 oai hùng từng bao lần khiếp vía quân thù.

“Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa với trận La Bang…” và thật hạnh phúc lớp phóng viên hậu bối chúng tôi giờ đây đang được ông Hồ Tây bày ra trước mắt những tấm hình diễn biến cụ thể nhất của từng trận đánh lịch sử đó.

Đó là một công trình thầm lặng 5 năm qua ông Hồ Tây tự mình bắt xe đò lần dấu khắp nơi, tìm gặp từng nhân chứng cùng họ nằm rù rì chuyện xưa thuyết phục họ xin lại từng tấm ảnh năm xưa.

Công việc này xem ra vẫn còn rất dài, còn nhiều khó khăn lắm mà một cựu phóng viên chiến trường ở tuổi 86 hẳn giờ phải hối hả đuổi kịp những không gian và chạy đua với thời gian.

Hạnh phúc hơn khi ngay lần đầu tiên diện kiến ông đã dám “khoe” và cho mượn những tài liệu quý, lại còn rủ rê cùng theo ông trong những ngày sưu tầm sắp tới. Đó cũng là cái duyên may của nghề mà chúng tôi vô cùng trân trọng và không
thể bỏ qua.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY