Trăm năm mẹ kể, câu chuyện ngày xưa...

Cập nhật, 07:08, Thứ Bảy, 12/05/2018 (GMT+7)

 

Người mẹ trăm tuổi trải qua bao thăng trầm cùng ấp Tổng Hưng B.
Người mẹ trăm tuổi trải qua bao thăng trầm cùng ấp Tổng Hưng B.

Về ấp Tổng Hưng B (xã Loan Mỹ- Tam Bình) hỏi thăm nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba đã trăm tuổi thì ai cũng biết, dù “cứ chạy một đổi rồi hỏi tiếp nhe” vì phải quẹo trái rồi quẹo phải nhiều lần.

Băng qua con đường quê đang được xây dựng, chúng tôi về với mẹ để được nghe câu chuyện trăm năm với biết bao đắng cay ngọt bùi, song hành cùng những mất mát, biến thiên và vinh quang của lịch sử quê hương.

Cả nhà làm cách mạng

Sinh năm 1918, mẹ Ba năm nay tròn 100 tuổi. Mái tóc bạc phơ, da đã nổi nhiều nốt đồi mồi, thời gian đã xóa nhòa nhiều ký ức trong mẹ nhưng khi nhắc về những năm tháng kháng chiến gian khổ, nhắc đến chồng con đã hy sinh vì Tổ quốc, mẹ không chút ngập ngừng: “Nhớ chứ, làm sao quên!”

Tuy nhiên, 2 người con của mẹ là cô Nguyễn Thị Họa và chú Nguyễn Văn Hóa luôn ngồi cạnh bên để “bổ sung chi tiết” cho những câu chuyện ấy.

Để giành lấy độc lập, tự do cho quê hương này, chồng mẹ và cả 3 người con trai đã lần lượt ra đi mãi mãi không trở về. Chồng mẹ- liệt sĩ Nguyễn Văn Vuông- từng là Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là người đầu tiên trong gia đình tham gia cách mạng. Và do đó, “cha tôi bị vô danh sách đen, con cái đi học toàn phải mượn khai sanh của người khác”- chú Hóa nói.

Nhưng người hy sinh đầu tiên trong gia đình là con cả của mẹ- Nguyễn Văn Quang là đội trưởng trinh sát đặc công Tam Bình. Năm 1962, chú ôm pháo đánh đồn “chằn Hum” rồi hy sinh để lại 2 con thơ “đứa lên 3, đứa lên 5”.

Mẹ Ba chỉ tay ra mé sông Tổng Hưng trước nhà, kể: “Nó chết mà không còn nguyên vẹn, anh em xúm lại đắp khúc sông này tát cạn để lượm từng miếng thịt đem chôn”.

Chú Bảy Hóa nói thêm vào câu chuyện của mẹ: Xã trưởng Thạch Hum lúc bấy giờ nổi tiếng tàn độc, mổ bụng lấy gan, cắt đầu người xỏ xâu mang đi nên còn gọi là “chằn Hum”.

Mẹ ngồi khom người, vuốt mái tóc bạc phơ: “Còn thằng Năm mới 14 tuổi, nhỏ quá tôi chưa cho đi mà nó cột trâu giữa đồng rồi theo cách mạng luôn không chịu về”. Nhớ con, mẹ tìm mọi cách để hỏi thăm tin tức nhưng chú Nguyễn Văn Bụng (chú Năm) trốn biệt: “Tui đi kéo vó, gặp xuồng nào cũng chặn lại hỏi coi có ai gặp thằng Năm hông”.

Gặp con được vài lần thì mẹ Ba nhận được giấy báo tử, chú Năm bị lính bố liên tục, chết ở Mỹ Lộc. Mẹ kể: “Nó chết, anh em chôn luôn bên Mỹ Lộc, nửa đêm tui bơi xuồng mấy tiếng đồng hồ, lội dưới mé sông để tránh lựu đạn, xin đem con về”.

Anh em đồng đội can ngăn, nhưng mẹ cương quyết khiến họ xiêu lòng: “Má nhớ nó quá trời, mấy đứa hổng cho đem thằng Năm về thì má đi qua đi lợi thăm, bom dội má cũng chết theo nó”.

Người con thứ ba của mẹ là chú Nguyễn Văn Tựu cũng tham gia cách mạng, nhiều lần bị càn bắt, rồi về làm du kích ở xã Mỹ Thạnh Trung trúng lựu đạn mất.

Khi liên tục nhắc lại những mất mát, chú Hóa- con trai thứ bảy của mẹ chia sẻ: “Tía mới mất hồi tháng 7 thì tháng 10/1968 anh Ba cũng hy sinh. Má có còn nước mắt đâu nữa mà khóc”.

“Mẹ cũng muốn đi bộ đội”

Chú Bảy Hóa kể, ấp Tổng Hưng B ngày trước chỉ có vài chục hộ sinh sống nhưng là vùng căn cứ cách mạng khi có 3- 4 đơn vị về đóng quân ở đây. Khi tía và các anh bảo vệ quê hương, mẹ Ba và chị Tư Họa là hậu phương lo cơm nước, nuôi chứa cán bộ. “Có đôi trâu nên 2 má con cày bừa “thí” trên 20- 30 công ruộng.

Ông trời thương nên năm nào cũng trúng mùa để có gạo lo cho bộ đội”- cô Tư Họa nói. Mẹ Ba cười, tiếp lời: “Tao cấy giỏi lắm mấy đứa ơi, ngày cấy 2 công à nghen. Ngày nào cũng nấu mấy nồi cơm. Tát mương tát đìa bắt cá làm mắm, kéo vó một bữa là cả thúng giạ nên không sợ đói”.

Cô Tư Họa nhớ lại những năm tháng khó khăn: lén gói mấy đòn bánh tét cho bộ đội chưa kịp nấu mà lính ập tới nên quăng luôn xuống nước mấy ngày.

Cô Tư nói: “Cái nhà này trước đây là nhà lá vách đưng 3 gian, cháy 5-7 bận. Miễn hôm nay cháy thì mai bộ đội dựng lại cái khác hà”. Nhà rộng, mà cái trảng xê chiếm muốn hết diện tích cái nhà.

Mẹ Ba chỉ tay ra mé vườn “chỗ cả chục mộ liệt sĩ phía sau vườn, trước đây cũng có 2 cái trảng xê”. Bà và con cái chạy giặc riết thành có kinh nghiệm: “Ban ngày thì trốn ở trảng xê trong nhà, đêm ra ngoài vườn. Gấp thì trốn vách đôi, không gấp thì chạy sang miệt Long Phú, Chòi Mòi lánh nạn”.

Câu chuyện về những năm tháng hào hùng sống động qua lời kể của mẹ Nguyễn Thị Ba cùng cô Tư Họa và chú Bảy Hóa.
Câu chuyện về những năm tháng hào hùng sống động qua lời kể của mẹ Nguyễn Thị Ba cùng cô Tư Họa và chú Bảy Hóa.

Cô Tư Họa như còn giận chuyện má quyết bám đất Tổng Hưng này, không đi đâu hết: “Những năm ác nghiệt quá, má gửi tụi tui đi hết, có mình má ở nhà, kêu đi ra chợ sống như người ta mà nhất quyết không”.

Mẹ Ba liền giải thích: “Chồng con tui chôn ở trong này, phải bám đất bám vườn nuôi bộ đội chứ đi đâu. Thấy chết riết tui muốn đi bộ đội quá, mấy chú cho tôi đi giao liên”. Mẹ Ba cũng không còn nhớ nổi mình đã cùng chị em trong xã đi biểu tình bao nhiêu lần: “Bơi xuồng đi biểu tình, túm gói “xăng đặc” trong miểng dừa, áo mưa, bị bắt, lính bắt lấy hết nón, phơi nắng muốn chết luôn, xin miếng nước uống nó cũng không cho,...

Bữa nào biểu tình êm xuôi thì bộ đội mình mừng lắm, bữa nào bị bắt thì họ tìm cách xin mình về”.

Đi qua hết trăm năm với bao vất vả, nhọc nhằn và chịu đựng mất mát lớn lao, người mẹ ngồi kể chuyện với chúng tôi thoáng nở nụ cười, rồi lúc trầm ngâm, lúc lấy tay xoa đầu gối, lúc quệt vội giọt nước mắt ở khóe mi. Năm tháng đi qua, những nỗi buồn nguôi ngoai, dần phai nhạt theo ký ức của những người mẹ.

Cảm ơn những cuộc gặp gỡ Mẹ Việt Nam anh hùng cho chúng tôi được nghe kể lại trang sử hào hùng của dân tộc, để ghi nhớ những hy sinh của thế hệ cha anh, để biết ơn và trân quý hơn cuộc sống hòa bình.

Sống trong thời đại mà ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh, chúng tôi hỏi mẹ có sợ không, mẹ lắc đầu: “Không sợ, sống được ngày nào chiến đấu ngày nấy thôi”. Khi nhắc lại những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, chú Bảy Hóa kể nhà có cái máy 4 băng nghe Đài Giải phóng, mấy tỉnh thắng liên tục khiến ai cũng phấn khởi, dân tản cư ngoài chợ thì vội về quê, nhà nhà chuẩn bị cờ hoa. Mẹ Ba thì kể với ánh mắt tự hào: “Hồi đó nghe đài mới biết Bác Hồ, sau này tui cũng được ra Hà Nội thăm Lăng Bác rồi đó”.

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY