Tháng 5, về thăm quê Bác

Cập nhật, 18:43, Thứ Bảy, 19/05/2018 (GMT+7)

Tháng 5 về, trong không khí cả nước hân hoan đón chào ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2018), từng đoàn người đến Nghệ An thăm Khu di tích lịch sử Kim Liên (thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn- Nghệ An), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống những năm đầu tuổi thơ.

Từng dòng người thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Bác. Trong những ngày này, chúng con- những đứa con miền Nam- may mắn được về thăm quê Bác càng nhớ Bác, càng nhớ làng Sen.

“Mới về quê Bác làng Sen

Mà sao như thấy thân quen lâu rồi”

Tác giả Trần Trọng Chu đã thốt lên như vậy ngay lần đầu về thăm quê Bác. Thật vậy, là người Việt Nam ai cũng yêu kính Bác Hồ. Được về thăm quê Bác, đối với mỗi người là niềm hạnh phúc thiêng liêng.

Cảnh trí làng quê mộc mạc, bình yên cho người đến thăm cảm giác gần gũi, thân thương như về lại chính nơi chôn nhau cắt rốn. Càng xúc động hơn khi tận mắt ngắm nhìn mái nhà 3 gian đơn sơ cùng những kỷ vật đã gắn bó suốt tuổi thơ của Bác.

Mái nhà 3 gian đơn sơ ở làng Trù quê mẹ là nơi cất tiếng khóc chào đời của vị lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh. Gian ngoài dùng để học tập và nghỉ ngơi của cụ Phó bảng- thân sinh của Hồ Chủ tịch.

Gian giữa là chiếc giường bằng gỗ xoan dầu còn vẹn nguyên- nơi mà cụ bà Hoàng Thị Loan đã sinh thành và nuôi nấng 3 người con. Gian bên cạnh còn lưu giữ chiếc võng gai đung đưa, nơi khi xưa tuổi ấu thơ, Bác Hồ thường nằm nghe tiếng à ơi của mẹ ru và những câu chuyện cổ tích của ngoại.

Tuổi thơ của Bác được bà ngoại và mẹ vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng, chứa đựng những ước mơ cao đẹp về dân tộc, về đất nước. “À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm /Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Giọng xứ Nghệ của chị Bích Thủy (hướng dẫn viên) rưng rưng: “Một sáng tháng 5 đầu hè, đúng vào mùa sen nở, khi hương sen ngào ngạt, Bác cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay yêu thương của ngoại và ngoại đã đặt tên cho Bác là Nguyễn Sinh Cung...

5 năm đầu đời Bác đã ở đây và được đón nhận tình thương yêu của ông bà ngoại. Quê mẹ Hoàng Trù là cái nôi đã góp phần hình thành, bồi đắp tuổi thơ và nhân cách cao thượng của Bác...”

Ngôi nhà tại quê nội làng Sen cũng gắn với bao nhiêu kỷ niệm thuở thiếu thời, đã nuôi dưỡng Bác trưởng thành, vun đắp những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước mà mãi 50 năm sau ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác mới có dịp về thăm.

Vào gian buồng của mẹ, thấy cái rương gỗ cũ của mẹ còn đó, Bác nghẹn ngào chẳng nói nên lời, mãi mới lên tiếng cảm ơn mọi người đã gìn giữ những kỷ vật của mẹ cẩn trọng đến vậy. Bác ngắm, rồi sờ vào từng cái cột, cái kèo, từng phên vách, từng đồ vật. Rồi mắt Bác rơm rớm...”

Theo đoàn công tác về thăm quê Bác, chị Đỗ Thị Hồng Ngọc (TP Vĩnh Long) tâm sự: “Đây là lần đầu tiên được về thăm quê Bác, được chứng kiến nơi lưu giữ những hiện vật tài liệu, không gian văn hóa- lịch sử thời niên thiếu của Bác và những người thân trong gia đình Bác. Đặc biệt, được nghe kể chuyện về Bác, thấy tự hào khi mình có vị Cha già dân tộc vĩ đại như vậy”.

Lần thứ hai về thăm quê Bác, cô Nguyễn Thị Hồng Thư- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long- bồi hồi, cảm phục: “Làng quê nội, quê ngoại mộc mạc, đơn sơ gần gũi và thân thương lắm. Bác có thời thơ ấu quê nhà thật giản dị và khi trở thành lãnh tụ, cuộc sống của Bác vẫn giản dị. Điều đó đã giúp tôi cảm nhận thêm nét đẹp trong tư tưởng, đạo đức của Bác”.

Chuyến về nguồn thăm quê Bác do Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tổ chức vẫn còn vẹn nguyên trong tim thầy Huỳnh Hữu Tài- giáo viên Trường Cấp 2- 3 Phú Quới. Thầy Tài bộc bạch: “Dù đã được nghe, học nhiều về Bác nhưng khi đến đây càng thán phục hơn đức hy sinh, tình yêu nước ở những người thân và của Bác Hồ. Tôi thấy mình như trưởng thành hơn từ những trải nghiệm của chuyến đi”.

Dòng người thành kính về thăm quê Bác.
Dòng người thành kính về thăm quê Bác.

Thật vậy, từng gốc tre hồn hậu đến bờ hoa dâm bụt thắm đỏ, từng hàng cau vươn mình trong nắng đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thắm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách giản dị mà vĩ đại... Những hình ảnh thân thương, gần gũi nhưng dường như đã in sâu vào tâm thức người Việt.

Được về thăm quê Bác, tự tay thắp nén hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác; được ngắm nhìn, dạo bước trong khuôn viên khu vườn, mái nhà tranh gắn liền với tuổi thơ của Bác… đối với mỗi người là niềm hạnh phúc lớn lao, là kỷ niệm đẹp trong đời. Để khi xa rồi cứ lưu luyến nhớ thương và nôn nao ngày trở lại “quê chung”.

“Tôi trở về quê Bác làng Sen/ Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!/Làng quen như thể quê chung vậy/ Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn” (Theo chân Bác- Tố Hữu). Thật vậy, xứ Nghệ đã trở thành quê hương của tất cả người dân Việt Nam và còn là điểm đến ân tình của bạn bè quốc tế.

Về thăm quê Bác để hiểu hơn về Bác- một con người giản dị mà vĩ đại, vị Cha già kính yêu của dân tộc, danh nhân thế giới. Đây là nơi hội tụ tình yêu, lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ đã dành trọn cuộc đời mình cho tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Khu di tích Kim Liên là Di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, đón 1,5- 1,8 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật, không gian văn hóa- lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 lần Bác về thăm quê. Các di tích đã được bảo tồn và tôn tạo tại khu di tích Kim Liên gồm 2 cụm di tích chính và hàng chục di tích thành phần.

Cụm di tích Làng Sen- quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh- gồm nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, núi Chung, sân vận động Làng Sen.

Cụm di tích Hoàng Trù- quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh- gồm nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại Bác Hồ), nhà thờ chi họ Hoàng Xuân... Ngoài 2 cụm di tích chính trên, khu di tích quốc gia đặc biệt Hồ Chí Minh còn có di tích mộ bà Hoàng Thị Loan- thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: QUYÊN HIỀN