"Thư viện Bác Hồ" của người lính Cụ Hồ

Cập nhật, 18:22, Chủ Nhật, 29/04/2018 (GMT+7)

“Sưu tầm tư liệu về Bác Hồ không chỉ là gìn giữ sản phẩm văn hóa về vĩ nhân, mà thông qua việc đóng thành những tập sách đẹp, tôi mong muốn góp phần gieo hạt giống văn hóa đọc cho thế hệ trẻ…” - ông Trần Văn Dụy (SN 1943, Nghệ An) cựu Đại đội trưởng Đại đội Rađa 18, Trung đoàn 291 (Binh chủng Rađa, Quân chủng Phòng không - Không quân) mở đầu buổi trò chuyện về hành trình gần nửa thế kỷ sưu tầm, gìn giữ gần 50.000 trang báo, bài viết, hình ảnh về Bác Hồ bên bờ biển Tây Tổ quốc. 

Bác Hồ với các chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: T.L
Bác Hồ với các chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: T.L

   

Nghĩa lớn trong ngôi nhà nhỏ

“Nhà Đồng đội” nho nhỏ nằm cuối con hẻm cũng nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt, khu phố Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh (TP.Rạch Giá - Kiên Giang), nhưng chúng tôi dễ dàng tìm ra chủ nhân của nó ngay câu hỏi đầu tiên: “Nhà ông cụ sưu tầm tư liệu Bác Hồ”. Cơ hồ ở vùng đất bên bờ biển Tây này, ông là... “đại gia” duy nhất về tư liệu Bác Hồ.

Đó là 1 ông lão thấp, gầy, gương mặt vuông của người cương trực, giọng đặc sệt xứ Nghệ. Rất hiếu khách, nhiệt tình, vừa gặp, ông mời nước rồi đưa đi tham quan. Ông đưa tôi lên gác gỗ đơn sơ, thấp lè tè, không quá 16m2 hầm hập nóng dưới cái nắng đổ lửa tháng 4, nhưng tôi như được “làm mát” bởi sự gọn gàng, ngăn nắp của gia chủ và quy mô đồ sộ của nguồn tư liệu. “Hiện, tôi có 400 tập tư liệu các loại, trong đó có 100 tập chuyên đề về Bác” - ông Dụy mở đầu câu chuyện một cách rất tự nhiên và nhiệt tình hiếm thấy.

Theo tính toán của ông Dụy, bình quân mỗi tập có 200 trang, mỗi trang có 2 mặt, như vậy, tổng cộng ông đang sở hữu khoảng 50.000 trang, gồm bài viết, hình ảnh, tài liệu về Bác. Một con số vô cùng ấn tượng với quy mô bộ sưu tập của 1 cá nhân là cán bộ nghỉ hưu ở tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng ấn tượng hơn vẫn là chất lượng bên trong của nguồn tư liệu “khổng lồ” này.

Hồ Chủ Tịch thăm các chiến sĩ đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25.9.1966. (Ảnh Tư liệu)
Hồ Chủ Tịch thăm các chiến sĩ đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25.9.1966. (Ảnh Tư liệu)

“Tôi phân loại tài liệu theo từng chủ đề. Tùy số lượng hiện vật sưu tầm được mà mỗi chủ đề có 1 hoặc nhiều tập” - ông Dụy say sưa giới thiệu - “Chủ đề “Tiểu sử - Di chúc- Điếu văn” chỉ 1 tập, nhưng đến chủ đề “Nhân chứng viết về Bác” thì có đến 3 tập với sự phân chia theo mốc lịch sử, còn chủ đề “Các nhà nghiên cứu viết về Bác” thì có đến 6 tập, và “Những người phục vụ viết về Bác” có đến 7 tập”.

Trong đó có nhiều tư liệu rất quý, thậm chí là hiếm thấy và có rất nhiều ý nghĩa về mặt lịch sử. Đó là tài liệu chứng minh “Bác Hồ đã dự đoán miền Nam sẽ được giải phóng vào năm 1975 từ năm 1960”, hay “Bác dự định vào Nam năm 1968” đăng trên báo Nhân dân số kỷ niệm 17 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,…

Từng chứng kiến, tham quan nhiều bộ sưu tập tư liệu về Bác với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, nhưng đứng trước kho tư liệu của ông Dụy, tôi vẫn choáng ngợp. Không phải chỉ vì nguồn tài liệu lớn trong căn nhà nhỏ, mà còn bởi hành động vì nghĩa lớn của 1 công dân bình thường đối với 1 vĩ nhân.

“Nghệ sĩ”... sưu tập

“Tập” tư liệu của ông Dụy có nhiều kích cỡ, từ khổ bằng giấy A4 cho đến to bằng khổ tờ báo Nhân Dân. Nhưng dù với kích thước nào, cũng mang lại cho người thưởng lãm cảm giác thỏa mãn cả về tính thẩm mỹ, sự tiện ích: Không chỉ tiếp cận nhiều tư liệu quý - hiếm, như trọn vẹn bản gốc tờ báo Nhân Dân chuyên đề về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tháng 9.1969, mà còn có thể cảm nhận được cả chặng đường trong hành trình kỳ công, công phu của tấm lòng vì Bác của nhà sưu tập đầy chất nghệ sĩ mang đậm dấu ấn Trần Văn Dụy.

Nếu như với nhiều người sưu tầm, sau khi phát hiện tài liệu, cắt, dán,... coi như là xong, nhưng với ông Dụy, điều này chỉ mới là sự khởi đầu của công đoạn dài và đòi hỏi nhiều công phu của bàn tay, khối óc khéo léo chỉ có ở người nghệ sĩ. Sau khi phát hiện tư liệu, ông Dụy bỏ nhiều công sức, thời gian để xử lý, nhất là khâu đóng thành tập theo cái cách cũng rất… Dụy.

“Đầu tiên dán từng tờ tư liệu lên mặt giấy cứng đồng dạng kích cỡ để giữ tài liệu bền và dễ đọc. Sau đó dùng dụng cụ bấm lỗ từng tờ giấy, rồi tùy theo nội dung mà đưa vào đóng tập” - ông Dụy chia sẻ. Sau đó là công đoạn đóng bìa bằng giấy cứng, rồi trang trí bìa, làm nội dung chủ đề chính và nội dung tóm tắt các chủ đề phụ… Nói chung là, nếu không có niềm đam mê, kính yêu Bác đến vô bờ bến thì khó có thể làm được. Bởi đó không chỉ là vấn đề tiền bạc.

Theo giá trị vật chất, chi phí đầu tư cho mỗi tập tư liệu chỉ khoảng 50.000 - 100.000đ, nhưng công sức để hoàn thành nó thì đáng “ngàn vàng”. Ngoài yếu tố vô cùng quan trọng và tạo ra sự khác biệt lớn: Nguồn tài liệu nào cũng đảm bảo sự lôgic về nội dung, thời gian và tính lịch sử của vấn đề trong đời sống xã hội còn là thái độ lao động kiên trì đến khó có người thứ 2.

Thật khó có thể kiếm đâu ra 1 người bỏ ra hơn 30 năm ròng rã tìm kiếm 1 nguồn tài liệu chỉ để làm rõ hơn về Bác Hồ như ông Dụy - như câu chuyện về hành trình đi tìm lời giải cho lịch sử câu nói “Dĩ công vi thượng” - là một trong những minh chứng cho câu chuyện đó.

Nhiều chuyên gia sưu tầm “văn hóa đọc” khi có dịp tiếp cận với ông Dụy, đều thống nhất cho rằng, tập tư liệu của ông Dụy là sáng tạo đặc biệt. “Đặc biệt bởi ông vừa là nhà phát minh ý tưởng vừa là người trực tiếp thực hiện và đến nay chưa thấy người thứ 2, vì nó đòi hỏi không chỉ thời gian, tiền bạc mà còn còn có cả tấm lòng...” - nhà báo Ngô Hoàng Vân, nguyên Trưởng cơ quan TTXVN tại Kiên Giang - chia sẻ.

Tuy nhiên, với ông Dụy, điều này như 1 việc làm hết sức tự nhiên vì nó xuất phát từ sự thôi thúc tự đáy lòng. “Năm 1989, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự đáy lòng tôi thôi thúc ý tưởng đóng tập tài liệu Bác Hồ làm quà dâng lên sự kiện trọng đại này. Thế là tôi làm, làm một cách tự nhiên, tự nguyện và cũng hết sức tự tin, tự hào”- ông Dụy chia sẻ.

 

Ông Dụy với bản gốc Báo Nhân dân, số chuyên đề về Bác xuất bản tháng 9.1969. Ảnh: LÂM ĐIỀN
Ông Dụy với bản gốc Báo Nhân dân, số chuyên đề về Bác xuất bản tháng 9.1969. Ảnh: LÂM ĐIỀN

Từ “tự phát” đến “tự giác”

“Tôi bắt đầu sưu tầm từ mong muốn lưu giữ tài liệu Bác Hồ để tỏ lòng tôn kính vị lãnh tụ vĩ đại. Ngày được tin Bác mất, tôi là Đại đội phó Đại đội Rađa 18 đóng ở Thanh Hóa. Do được phân công phụ trách tổ chức lễ tang Bác tại đơn vị, không có nhiều điều kiện theo dõi đầy đủ thông tin, bài viết viết dồn dập về Bác nên tôi có ý tưởng tập hợp rồi cất giữ các tư liệu này để sau đó đọc, tưởng niệm về Người”. Sau lần làm mang tính “tự phát” này, ông gắn bó với nghiệp sưu tầm tư liệu ảnh Bác một cách “tự giác”.

Ông Dụy kể, sau khi sưu tầm được tài liệu trích dẫn câu nói của Bác: “Làm cách mạng là phải dĩ công di thượng”, tôi lại muốn tìm hiểu: “Bác nói câu này ở đâu, với ai, trong hoàn cảnh nào”. Nhưng công việc và cuộc sống người lính thời chiến không cho phép ông thực hiện trọn vẹn ý nguyện này. Mãi đến ngày đất nước thống nhất, được chuyển vào Kiên Giang công tác trong ngành hải sản với tư cách là cán bộ công đoàn, cựu trung úy Trần Văn Dụy lại đeo đuổi đam mê.

Ngoài nguồn báo chí tại cơ quan và bạn bè đồng cảm chia sẻ, mỗi tháng, ông còn trích một phần lương để đặt thêm báo, chí. Cứ thế, mất 30 năm sau ông mới “giải mã” được thắc mắc cũ. “Một sáng trung tuần tháng 5.2005, đang đọc báo, bỗng tôi linh tính ra điều gì đó rất quan trọng đang đến.

Định thần lại thì phát hiện bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể chuyện thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay): “Một buổi tối lạnh lẽo trong hang Pắc Bó, Bác Hồ trao cho tôi nhiệm vụ tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Sau khi phác ra những nét chính, bỗng nhiên Bác dừng lại và nói 1 câu: “Chú Văn à, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”.

Nhiều năm nay, ông Dụy nhận lời mời từ nhiều cơ quan, trường học kể chuyện Bác Hồ. Thông qua những buổi nói chuyện cùng việc đưa những trang tư liệu quý được sắp xếp có hệ thống trong hình thức đẹp đến tận nơi để nhiều người “mục sở thị” , ông Dụy không chỉ tạo ra giờ học sinh động với nhiều kiến thức bổ ích đến học sinh, sinh viên, nhân viên mà qua đó góp phần giúp nhiều cán bộ, công nhân viên chức, người lao động bổ sung, hệ thống hóa kiến thức về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử... và nhất là gắn bó với văn hóa đọc. Đó là sự độc đáo có 1 không 2 của “Thư viện Bác Hồ” bên bờ biển Tây Tổ quốc của người lính Cụ Hồ.

Ông Dụy dành nhiều thời gian để chia sẻ, tiếp lửa văn hóa đọc cho nhiều người. Từ nhiều năm nay, căn nhà nhỏ của ông không chỉ là điểm đến cho những cán bộ, học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu tư liệu thực hiện các đề tài về Bác Hồ, mà từ đây còn lan tỏa ánh sáng của văn hóa đọc và lòng ham học hỏi tri thức đến nhiều trường học, cơ quan, đơn vị.

Theo LÂM ĐIỀN (LĐO)