Nông thôn hôm nay đổi mới

Cập nhật, 07:28, Thứ Bảy, 28/04/2018 (GMT+7)

 

Bộ mặt các xã NTM có sự thay đổi lớn nhờ hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.
Bộ mặt các xã NTM có sự thay đổi lớn nhờ hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.

Qua 43 năm qua (30/4/1975- 30/4/2018), với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cả hệ thống chính trị đã đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, trở thành nước đang phát triển. Những năm gần đây, với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn đã đổi thay từng ngày, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Nông thôn đổi thay từng ngày

Xuất thân là bần cố nông, năm 1958 chàng thanh niên 23 tuổi tên Nguyễn Văn Đủ (bí danh: Nguyễn Văn Công, ở ấp Phú Nhuận, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) tham gia làm du kích mật với nguyện vọng góp sức vào công cuộc giải phóng dân tộc theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Sau hơn 40 năm hòa bình lặp lại, xã Trung Ngãi có bước chuyển mình đổi mới, nhất là khi xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống người dân nâng lên. Đổi thay nhiều phải kể đến Ấp 8 (trước đây là ấp Phú Hữu)- xưa là vùng đất của địa chủ, nông dân rất nghèo khó.

Sau giải phóng, không còn cảnh áp bức bóc lột, mọi người an tâm sản xuất, vươn lên làm giàu. Gần đây, khi tuyến đường Phú Hữu được đầu tư nối liền với Đường tỉnh 907 thì nhà cửa mọc lên khang trang, đời sống sung túc.

Chỉ về con lộ trước nhà, ông Đủ cho biết ấp Phú Nhuận có tuyến QL53 đi qua (xưa là lộ 7)- tuyến giao thông huyết mạch. Thời chiến, nơi đây là chiến trường ác liệt, quân dân ta đã đổ xương máu rất nhiều, có lúc phải phá đường, nên việc đi lại vô cùng khó khăn, có đoạn phải vác xe đạp mà đi.

Sau ngày giải phóng, Nhà nước đã mở đường, đầu tư tuyến QL53 thông suốt, nối từ TP Vĩnh Long đến tận Trà Vinh, Sóc Trăng phục vụ đi lại và thông thương hàng hóa giữa các tỉnh.

Xã Phú Đức (Long Hồ) trong ngày đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM, niềm vui hiện rõ trên gương mặt mỗi người dân. Ông Nguyễn Văn Lâm (72 tuổi, ở ấp An Thạnh) vẫn còn nhớ rõ: Thời chiến, sống trong bom đạn nên nông dân khổ lắm, mùa lũ thì nước ngập lênh bênh, trồng 2ha lúa nhưng thu hoạch chỉ có 50- 60 giạ.

Đường sá thì gồ ghề khó đi, toàn cầu khỉ. Nhà tui cách chợ huyện 3km nhưng phải đánh vòng rất xa, mất cả tiếng cuốc bộ đường bờ ranh, lội ruộng...

Sau ngày giải phóng, Nhà nước đầu tư đê bao khép kín, nông dân được hướng dẫn khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa, trồng lúa có vụ đạt 8 tấn/ha. Nhiều hộ chuyển ruộng lên vườn trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao nên thu nhập cải thiện đáng kể.

Khi Nhà nước có chủ trương xây NTM, ông Lâm đã hiến 2 công đất trồng nhãn với huê lợi hơn 20 triệu đồng/năm để làm đường giao thông, rồi cùng Nhà nước vận động bắc cầu, đổ đá trên các tuyến đường.

Có thời điểm ông lấy bằng khoán thế chấp để cho bà con trong ấp có điều kiện vô điện. Giờ ông Lâm khá hài lòng khi thấy điện, nước, đường, trường, trạm... được đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo phục vụ tốt cho đời sống dân sinh và “tốt gấp trăm lần ngày xưa”- ông Lâm nói.

Lớp trẻ ngày nay có điều kiện tiếp cận với tri thức nhiều hơn.
Lớp trẻ ngày nay có điều kiện tiếp cận với tri thức nhiều hơn.

NTM- cuộc sống mới

Về xã Thuận An (TX Bình Minh), chúng tôi có cảm giác phơi phới khi đi trên tuyến đường trải nhựa, những căn nhà tường khang trang, trụ sở làm việc, cơ sở dịch vụ- mua bán mọc lên khá sung túc.

Con đường còn được điểm tô bởi những cây hoa hoàng yến, mắt ngọc, sao nhái... đang bừng khoe sắc thắm. Trên rẫy, nông dân trồng xà lách xoong và rau diếp cá- loại màu giúp người dân cải thiện đời sống đáng kể.

Với sự đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp... góp phần tạo việc làm, đưa xã Thuận An có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh: 59,81 triệu đồng/người/năm.

Anh Phương (bìa trái) và nhiều hộ dân khác luôn tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.
Anh Phương (bìa trái) và nhiều hộ dân khác luôn tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.

Anh Nguyễn Văn Phương (ấp Thuận Phú B) cho biết: “Rau diếp cá rất chịu vùng này. Hiện giá bán 5.000 đ/kg, nếu giá ổn định quanh năm thì bà con mình sống khỏe. Hiện, mỗi ngày tui cắt khoảng 200kg”.

Mỗi năm, người trồng rau diếp cá thu hoạch 5 đợt, năng suất 2,4- 2,5 tấn/công/đợt, có thời điểm giá rau lên tới 19.000 đ/kg đã đem đến mức lời khá cao cho nông hộ. Để trồng rau hiệu quả, bên cạnh kỹ thuật thì nguồn nước tưới cũng khá quan trọng- phải đảm bảo sạch và gieo trồng vào mùa nước nổi sẽ thuận lợi hơn vì có nhiều phù sa.

13 năm gắn bó với cây rau diếp cá đã trở thành niềm say mê của anh Phương, “mỗi đêm tôi ra rẫy xem, mong cho cây mau cao lớn vì giá đang lên. Khi có điều kiện, tôi sẽ mở rộng diện tích để tăng thu nhập”- anh Phương chia sẻ.

Thông qua chương trình xây dựng NTM mà các công trình hạ tầng tại xã Thuận An được đầu tư khá đồng bộ với đê bao khép kín, đường đi thuận tiện, lớp trẻ giờ được học trường chuẩn quốc gia. Cùng với đó là sự quan tâm đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ cấu lại ngành nông nghiệp mà nhiều lao động có thêm việc làm, đời sống ngày càng khấm khá.

Không sống trong thời chiến, không đối mặt với bom đạn, người trẻ như anh Phương và thế hệ trẻ ngày nay đang ra sức điểm tô quê hương bằng chính sự cần cù lao động để vươn lên làm giàu cho bản thân và đóng góp vào phong trào hành động cách mạng
địa phương.

Hiện, toàn tỉnh có 39 xã NTM. Thông qua việc đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn đã đưa diện tích khép kín chủ động tưới tiêu tăng thêm 1.000ha, nâng tổng số diện tích đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi là 110.600ha, chiếm 92,3% diện tích đất nông nghiệp; tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế 73,5% (tăng 6,5% so năm 2016); tỷ lệ hộ dân có điện trong toàn tỉnh 99,8%.

 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI