Mặt trận không tiếng súng trong Chiến thắng mùa Xuân 1975

Cập nhật, 08:41, Chủ Nhật, 29/04/2018 (GMT+7)

Cùng với hoạt động vũ trang, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ghi dấu vai trò quan trọng của những chiến sĩ trên mặt trận binh vận; phong trào học sinh, sinh viên xuống đường chống chiến tranh, đòi hòa bình.

Đó là những mặt trận âm thầm, không tiếng súng, nhiều mất mát, hy sinh nhưng vô cùng kiên cường, anh dũng.

Binh vận- đánh địch trong lòng địch

5 đời tổng thống, 4 chiến lược chiến tranh và bao lần lật lọng nhưng không cứu vãn được tình thế, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, ngừng bắn và rút hết quân chư hầu về nước. Dù vậy, chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố ra sức phá hoại hiệp định, trước giờ ngừng bắn có hiệu lực, chúng xua quân cắm cờ, lấn đất giành dân.

Theo ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, trước tình thế đó, Tỉnh ủy chủ trương ra sức phát huy thắng lợi của Hiệp định Paris và đẩy mạnh công tác binh vận trong tình hình mới, nắm chính sách hòa hợp dân tộc, đánh bại chính sách dùng người Việt đánh người Việt, thay màu da trên xác chết của chính quyền Mỹ.

Ta xem gia đình binh lính là gia đình đau khổ, là nạn nhân của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

Vận động gia đình binh lính là khâu then chốt để tiến hành vận động binh lính trong hàng ngũ địch với nội dung: Mỹ cút nhất định ngụy sẽ nhào, Mỹ thua Mỹ cút về nước, ngụy Sài Gòn thua binh lính sẽ về đâu? Công tác binh vận từ đó được xúc tiến mạnh trong toàn tỉnh.

Ông Mai Thế Chiến- Trưởng Ban liên lạc binh vận tỉnh Vĩnh Long kể rằng, rút kinh nghiệm từ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khi việc tổ chức lực lượng tại chỗ ở nội ô thị xã chưa bài bản, khiến bộ đội từ bên ngoài “gãy” liên lạc với cơ sở nội tuyến bên trong, nên sau đó ta tổ chức gầy dựng lại lực lượng, xây dựng cơ sở nội tuyến, mở rộng phong trào binh vận trong lòng địch.

Theo ông Mai Thế Chiến, những người làm công tác binh vận là những người vừa giỏi đánh giặc, vừa giỏi lý luận để có thể đánh địch từ trong lòng địch.
Theo ông Mai Thế Chiến, những người làm công tác binh vận là những người vừa giỏi đánh giặc, vừa giỏi lý luận để có thể đánh địch từ trong lòng địch.

Đầu năm 1975, ta kết hợp 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) giải phóng vùng nông thôn rộng lớn, thành thế “liên sườn” xã liền xã, huyện liền huyện, mở toang vùng ven, bứt các tuyến vành đai phòng thủ thị xã, áp sát giao thông chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta đạt được mục tiêu cuối cùng là giải phóng thị xã.

Trưa 30/4/1975, Ban chỉ huy chiến dịch trọng điểm 2 của khu TX Vĩnh Long mở máy thu thanh theo dõi Đài Phát thanh Sài Gòn nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng.

Ban chỉ huy lập tức thông báo tình hình cho các nơi và ra lệnh cho lực lượng vũ trang kêu gọi đối phương quy hàng cách mạng và sẵn sàng theo phương án kế tiếp nếu địch chưa chịu buông súng.

Trung tướng Nguyễn Đệ (Ba Trung)- Tư lệnh tiền phương Quân khu- lên máy bộ đàm kêu gọi Đại tá Lê Trung Thành- Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Vĩnh Long quy hàng cách mạng. 13 giờ ngày 30/4/1975, Trung đoàn 16 và chi đoàn thiết xa vận đi giải vây cho Vùng 4 chiến thuật ở vùng ven sông Hậu, sau đó kéo lên QL4 về TX Vĩnh Long bỏ xe ngổn ngang, súng chất thành đống như củi từ cầu Đôi theo trục lộ Nguyễn Huệ về đến tiểu khu. Binh lính giã biệt cuộc đời đánh thuê, trở về sum họp với gia đình trong ngày vui đại thắng của dân tộc.

Phong trào phản chiến trong học sinh, sinh viên

68 tuổi, hơn 50 năm hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Kim Lâm (Ba Lâm, ở Phường 3- TP Vĩnh Long) vẫn nhớ như in những buổi xuống đường biểu tình phản chiến, đòi hòa bình của học sinh, sinh viên ở TX Vĩnh Long trước năm 1975.

Không rầm rộ như phong trào của học sinh, sinh viên Sài Gòn thời bấy giờ nhưng không khí đấu tranh của học sinh, sinh viên Vĩnh Long đã làm cho địch phải khiếp sợ và thường xuyên tìm cách phá hoại nhưng không thành công.

Bà Nguyễn Kim Lâm vẫn nhớ rõ không khí đấu tranh hừng hực khí thế của học sinh, sinh viên Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ.
Bà Nguyễn Kim Lâm vẫn nhớ rõ không khí đấu tranh hừng hực khí thế của học sinh, sinh viên Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1967, khi đang là học sinh của Trường Tống Phước Hiệp (nay là Trường THPT Lưu Văn Liệt), bà Ba Lâm giác ngộ lý tưởng cách mạng, bắt đầu hiểu và căm phẫn chính sách bắt lính, đàn áp của địch đối với học sinh nên gia nhập phong trào phản chiến.

Ban đầu chỉ là những cuộc tuần hành nhỏ lẻ, rồi dần dà phát triển với quy mô lớn hơn, thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia.

Đến cuối năm 1973, bà được đề bạt làm Thị ủy viên, phụ trách xây dựng cơ sở ở nội ô và chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên ở đây. Thời điểm này, ở thị xã đã thành lập được Hội Phụ nữ giải phóng nhằm giúp đỡ, che giấu những thanh niên trốn lính và cả những lính trốn ngũ trở về với cách mạng.

Song song đó, phong trào học sinh, sinh viên phát triển rầm rộ hơn, trở thành “ngòi pháo” phát động các phong trào đòi chấm dứt chiến tranh, phản đối Mỹ leo thang chiến tranh, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi Mỹ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Đỉnh cao là phong trào “Hát cho dân tôi nghe”, với những bài hát phản chiến, ngợi ca cách mạng tạo được tiếng vang lớn, những cuốn nhạc được các thế hệ học sinh, sinh viên chuyền tay nhau hát vang, cổ vũ tinh thần yêu nước, thôi thúc cả một thế hệ trẻ đứng lên đấu tranh giành lấy độc lập, tự do.

“Dậy mà đi”, “Hát cho dân tôi nghe”,... hay những bài hát cổ vũ tinh thần cách mạng của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập liên tục vang lên ở các giảng đường.

Theo bà Ba Lâm, cũng từ đó, địch ra sức đàn áp, cài người vào lực lượng học sinh, sinh viên hòng bắt bớ, phá hoại nhưng không thể nào lay chuyển được tình hình.

Những cuộc xuống đường biểu tình, đốt sách báo, tài liệu tuyên truyền của Mỹ diễn ra thường xuyên hơn, lan rộng ra các trường khác như Trường Nguyễn Thông, Trường Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường Sư phạm.

Theo bà Ba Lâm, sự phát triển của phong trào học sinh, sinh viên đã thôi thúc cả một thế hệ trẻ thời bấy giờ đứng lên đấu tranh, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ và sự đàn áp, bắt bớ của chính quyền Sài Gòn, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh cách mạng, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ đầu tháng 3/1975, tin từ Đài Giải phóng báo tin thắng trận liên tục, người dân nô nức như ngày hội, may cờ giải phóng, chuẩn bị xuống đường mừng ngày đại thắng.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH