Vĩnh Long

Điểm đến cây lành, trái ngọt

Cập nhật, 08:58, Chủ Nhật, 25/03/2018 (GMT+7)

Nếu tính từ “mũi tàu” Tân Phú (An Giang), nơi dòng Mekong bắt đầu chảy vào nước ta, nhánh sông qua ngã Châu Đốc gọi là sông Hậu và nhánh đổ về phía Tân Châu là sông Tiền, thì dòng chảy bên sông Hậu tương đối bình lặng hơn.

Trong khi con sông Tiền trên đường đổ ra biển lại khá phức tạp với nhiều lần “nắn dòng” và để lại rất nhiều cồn bãi.

Tuy nhiên, cồn bãi miệt trên theo phân biệt của cụ Sơn Nam, thì chỉ có thể trồng rau màu, các loại cây ngắn ngày; còn miệt dưới, đặc biệt đoạn qua Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre lại được phủ màu xanh miên man của cây lành, trái ngọt.

Riêng 4 xã cù lao (Long Hồ- Vĩnh Long) lại có lịch sử khá thú vị, để ngày nay trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Xứ cù lao xưa

Cần xác định rõ, Vĩnh Long xưa (gồm cả Bến Tre ngày nay) là nơi phát tích của văn minh miệt vườn; mà cụ thể hơn là vùng đất Cái Mơn, Chợ Lách ngày nay đã hình thành nên những vườn cây ăn trái đầu tiên.

Ngoài công lao của các bậc tiền nhân, để có thể lập vườn được trên xứ cù lao, cũng phải ghi nhận công sức và sự sáng tạo của người dân thuộc xã An Bình (Long Hồ).

Đó là lý do có địa danh cồn Tân Tạo (xã An Bình) ngày nay, đây cũng chính là cù lao đầu tiên trong cả nước đã hình thành nên những điểm du lịch sinh thái, rồi sau đó là những điểm homestay đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.

Đặt tên cồn Tân Tạo là đánh dấu sự hình thành một nét văn hóa mới của người dân miền sông nước, cũng là “tạc dạ tri ân” một nhân vật đặc biệt- ông Tám Cồ.

Một con người thú vị với những câu chuyện tiếu lâm không thua gì nhân vật bác Ba Phi ở miệt thứ Cà Mau. Người dân An Bình còn nhắc đến ông với nhiều giai thoại, ngày xưa những đám tiệc lớn trong làng người ta hay lấy xuồng ghe đến tận nhà rước bác Tám Cồ về kể chuyện tiếu lâm nghe chơi.

Đặc biệt, bác Tám Cồ là người đã có công lặn sông móc đất đắp bờ bao ngăn nước, từ đó mới có thể trồng trọt cây trái, dần dần lập vườn như ngày nay. Bởi ngày xưa đất cồn còn rất thấp, mùa mưa nước sông tràn lên ngập lút nên không thể trồng trọt gì được.

Từ cồn Tân Tạo dần dần người dân trên 4 xã cù lao bắt chước cách bao đê của bác Tám Cồ, nên Vĩnh Long mới có được “vương quốc trái cây” như ngày nay.

Sau bác Tám Cồ, thì ở cù lao Tân Phong (Cái Bè- Tiền Giang), cũng có một người Nhật đến đây lập gia đình với một phụ nữ địa phương, ông cũng dạy người dân cách đắp đê rồi lập nên những vườn chuối đầu tiên ở đây.

Khoảng năm 1995- 1996, chúng tôi có hướng dẫn cho một đoàn nhà báo Nhật Bản đến đây, tìm hiểu về vợ con của ông người Nhật trồng chuối năm nào.

Du lịch sông nước Vĩnh Long và ăn sản vật địa phương.
Du lịch sông nước Vĩnh Long và ăn sản vật địa phương.

Nhắc những câu chuyện xưa để thấy rằng, việc hình thành những vườn cây ăn trái ở xứ cù lao là cả một quá trình sáng tạo trong lao động, đã hình thành nét văn hóa độc đáo, một cách ứng xử thông minh của người dân xứ sở cù lao.

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người dân đã biết ứng dụng vào trồng trọt, đã biết cách bắt cây đơm hoa kết trái theo ý muốn của mình, nhưng chúng ta vẫn nhớ ơn những con người đầu tiên có công đóng góp vào sự hình thành những vườn cây ăn trái như ngày nay.

Du khách đến đây để thưởng thức hàng chục loại cây trái, đồng thời cũng để hiểu thêm đời sống, văn hóa đặc thù miền sông nước cây lành trái ngọt Vĩnh Long.

Điểm đến quyến rũ

Hiện nay, ngoài những doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Du lịch Cửu Long, Mekong travel; Công ty Du lịch Vĩnh Long,… với các sản phẩm tour sông nước miệt vườn, mà chủ yếu hướng đến nguồn khách quốc tế; thì Trang trại Vinh Sang là điểm nhấn với những dịch vụ hướng đến việc lưu giữ những nét sinh hoạt, văn hóa dân gian Nam Bộ, chủ yếu để phục vụ khách nội địa.

Trải nghiệm chế biến thức ăn Nam Bộ.
Trải nghiệm chế biến thức ăn Nam Bộ.

Những năm gần đây, có đến mấy chục nhà vườn đã “mở cửa vườn” đón khách vào mùa trái chín. Những nông dân làm du lịch này đặc biệt còn giữ nét thô mộc, đã tạo nên nét quyến rũ riêng đối với du khách phương xa.

Những kiểu vào vườn “bao bụng”, hay một ngày làm nông dân, tát mương bắt cá, mò cua bắt ốc… đã tạo nên sự đa dạng cho các tour về xứ sở miệt vườn cù lao.

Anh Lê Trường Giang- Giám đốc Khu du lịch Vinh Sang- giới thiệu với chúng tôi về 2 hoạt động chủ đạo của trang trại là tát ao bắt cá và mò cua bắt ốc.

Riêng “mò cua bắt ốc” là một trong những hoạt động mới lạ ở đây, mà phải mất hơn năm trời mày mò thử nghiệm. Trang trại Vinh Sang tận dụng đặc trưng sông nước của địa phương, thiết kế tour chèo xuồng qua rạch.

Cá, ốc du khách bắt lên được chế biến tại chỗ, nướng hoặc luộc bằng nồi đất, mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ thời khai khẩn.

Đồng thời liên kết với nhà vườn mở tour trái cây bao bụng, tận dụng khoa học kỹ thuật cho trái nghịch mùa nên cây trái có quanh năm. Đến đây, khách còn được phục vụ các món ăn địa phương, nghe đờn ca tài tử, hát bội,...

Đoàn Famtrip gồm các nhà làm du lịch, thiết kế tour của các doanh nghiệp đến từ Hà Nội, đang khảo sát tour miệt vườn Vĩnh Long.
Đoàn Famtrip gồm các nhà làm du lịch, thiết kế tour của các doanh nghiệp đến từ Hà Nội, đang khảo sát tour miệt vườn Vĩnh Long.

Ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Vĩnh Long phát triển du lịch dựa trên tiềm năng sông nước miệt vườn, tham quan di tích lịch sử và làng nghề.

Dòng sông đẹp là đặc trưng quý của vùng đất này. Dòng sông có hồn, gần gũi, là cầu nối giữa thiên nhiên và con người. Mọi người đến để tìm về với cái xưa cũ, nét thô mộc mà chân tình của văn hóa miệt vườn Nam Bộ; nét mộc mạc, gần gũi chính là “cái duyên đồng bằng” quyến rũ du khách trong và ngoài nước.

Trong hành trình “đất phương Nam”, sẽ là thiếu sót đáng tiếc nếu du khách bỏ qua “vương quốc trái cây” trên 4 xã cù lao này. Đây cũng là nơi tập trung phần lớn những chương trình, tour- tuyến du lịch chủ yếu của Vĩnh Long, tiếp đón trên 90% du khách của tỉnh hàng năm.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY