Lặng thầm nghề công tác xã hội

Cập nhật, 14:35, Thứ Năm, 29/03/2018 (GMT+7)

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Họ là những người chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, tạo ra sự bình đẳng và xóa bỏ những rào cản. Đây là nghề của sự dấn thân, của trái tim nhân hậu, của lòng nhân ái.

Tổ Công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi và kịp thời giúp đỡ bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện.
Tổ Công tác xã hội tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi và kịp thời giúp đỡ bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện.

Nhịp cầu sẻ chia bệnh nhân nghèo

Là nhịp cầu nối để các nhà hảo tâm nhận biết, cảm thông và giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh.

Mục đích là hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Đó là những việc làm hàng ngày của các nhân viên, y bác sĩ Tổ CTXH ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện TP Vĩnh Long.

Dù mới thành lập gần 2 năm, song, tổ CTXH trong bệnh viện phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, trở thành một điểm tựa đáng tin cậy cho những bệnh nhân nghèo.

Tháng 11/2017, Tổ CTXH tiếp nhận thông tin trường hợp khó khăn của bệnh nhân Nguyễn Văn Hoài Thương (ấp Rạch Nưng, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm), bị sốt bại não từ khi mới sinh nên giờ 21 tuổi vẫn trông như đứa trẻ, ngờ nghệch rất đáng thương, chân tay co rút không vận động được.

Cha của Thương- ông Nguyễn Văn Xuyên- cho biết: “Con bệnh từ nhỏ tới lớn, nằm viện suốt. Vợ chồng tui mần mướn tận Đồng Nai mà cũng hụt tiền trị bịnh cho con, phải vay mượn thêm. Giờ đuối quá, tui tìm tổ CTXH nhờ giúp đỡ một phần tiền viện phí và tìm nhà hảo tâm vận động giùm, nếu có sẽ hỗ trợ thêm cho con tui, tui mang ơn lắm”.

Anh Nguyễn Thành Hậu (xã Thanh Đức- Long Hồ) mang căn bệnh Thalasemia, tiểu đường, viêm dạ dày cấp khiến cơ thể ngày càng suy nhược, phải thường xuyên truyền máu thì mới kéo dài được cuộc sống.

Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nên dù có BHYT được miễn viện phí và thanh toán thuốc điều trị có trong danh mục, nhưng những loại thuốc khác và chi phí ăn uống hàng ngày thì phải vay mượn để trang trải. 

Khi bệnh tái phát vào điều trị tại bệnh viện, anh được tổ CTXH thăm hỏi bệnh tình và động viên về mặt vật chất, tinh thần cho anh vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, các thành viên trong tổ tìm kiếm nguồn kinh phí từ các nhà hảo tâm để tiếp tục hỗ trợ cho anh.

Nghề của lòng nhân ái

Một hoạt động vô cùng có ý nghĩa mà tổ CTXH trong bệnh viện đã thực hiện là giúp đỡ đối tượng là trẻ mới sinh bị bỏ rơi hay người già neo đơn không nơi nương tựa.

Với những trường hợp này, bệnh viện sẽ phối hợp với Trung tâm CTXH tỉnh tìm hiểu gia cảnh, quê quán của các đối tượng để mong tìm lại được thân nhân cho họ. Nếu không có người nhận thì các đối tượng này sẽ được đưa vào trung tâm để chăm sóc.

Ông Nguyễn Văn Đen (Phòng CTXH- Trung tâm CTXH tỉnh): “Những người trong tổ CTXH luôn tâm niệm rằng, mỗi bệnh nhân khó khăn được giúp đỡ chính là niềm vui, là động lực để họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Cũng cảm thông và luôn sẵn lòng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, bà Đỗ Thị Hồng Châu (Phường 3- TP Vĩnh Long) dành thời gian quan tâm chăm sóc đối tượng được nuôi dưỡng ở Trung tâm CTXH tỉnh. Bà Hồng Châu không chỉ ủng hộ vật chất mà còn thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện, giúp đỡ những người già, trẻ tật nguyền côi cút.

Từ lâu, tập thể Trung tâm CTXH tỉnh đã xem trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ là người thân. Do vậy, cán bộ, nhân viên là ba, là má của trẻ bị bỏ rơi; là anh, là chị, là em của đối tượng bị tâm thần; là con, là cháu của các cụ già neo đơn không nơi nương tựa.

Từ đó, họ lấy tình thương yêu trong gia đình mà đối xử với nhau. Và họ hạnh phúc với công việc của mình, với gia đình lớn này.

2 mẹ con cùng làm nhân viên tại Trung tâm CTXH tỉnh, em Huỳnh Hồng Diễm tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã cùng mẹ (cô Nguyễn Thị Mỹ Linh) ở trong khu tập thể của trung tâm này. Tôi yêu công việc của mẹ và lớn lên tôi ý thức được ý nghĩa việc mẹ làm. Do đó, tôi chọn gắn bó với nơi này, làm má của các trẻ ở đây”.

Diễm xúc động: “Bùi ngùi nhất là khi có người đến xin các con tôi về nuôi. Tôi vui mừng vì các con đã có gia đình của riêng mình, để được yêu thương chăm sóc chu đáo hơn, để không còn là trẻ mồ côi nữa! Vậy mà khi xa cách thì nhớ thương rơi nước mắt...!”

Trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa được nuôi dưỡng, học tập tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa được nuôi dưỡng, học tập tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời ghi nhận và đánh giá cao nghề CTXH, các mục tiêu, kết quả quan trọng về giảm nghèo, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, dạy nghề, tạo việc làm, bảo trợ xã hội,… mà tỉnh đạt được trong thời gian qua có công rất lớn cho người làm việc trong lĩnh vực CTXH.

Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành nghề CTXH, tăng cường các hoạt động của các trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội trên mọi lĩnh vực, phục vụ ngày càng tốt hơn cho các đối tượng yếu thế và những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc trong lĩnh vực trợ giúp xã hội tại tỉnh nhà

Theo thống kê, đối tượng bảo trợ xã hội trong tỉnh có hơn 79.000 người cao tuổi, hơn 10.000 người khuyết tật, trên 25.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 1.700 người nhiễm HIV, người nghiện ma túy được phát hiện. Trong đó, có trên 13.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang được sự trợ giúp thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Nhờ xây dựng được mạng lưới cán bộ và công tác viên CTXH, đồng thời cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hoạt động CTXH, nên các đối tượng này được hỗ trợ kịp thời.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN