Bức tranh đô thị hài hòa bản sắc

Cập nhật, 15:17, Thứ Năm, 22/03/2018 (GMT+7)

“Hô biến” đất hoang vườn tạp thành khu phố, nhà ở; ao mương lau sậy thành đường phố sáng trưng, mang lại cho người dân không gian sống đẹp, cơ sở hạ tầng hiện đại là bước chuyển mình của đô thị Vĩnh Long hôm nay.

Người dân sống đẹp hơn, ý thức hơn trong việc chung tay xây dựng đô thị văn minh, hiện đại hơn nhưng vẫn không quên sự hài hòa, quyện chút nét quê cho phố thị.

Lưu chút tình quê cho phố

TP Vĩnh Long đã “lớn lên” và dần hình thành một đô thị văn minh hiện đại. Thành phố ngày càng “lớn”, càng đẹp nhưng đâu đó vẫn lưu giữ được những hình ảnh thân quen của một thời “vườn quê”. Bởi đó chính là hồn phố miệt vườn- nét văn hóa rất riêng.

Đã trở thành người phố, song nhiều vẫn còn giữ dáng dấp “vườn quê”: những ngôi nhà nhỏ với cây ăn trái sai quả, khóm mía, bụi chuối trồng bên hông nhà, hàng rào là hàng cây xanh thẳng tắp.

Xen lẫn giữa phố phường là những ngôi nhà nhỏ nép mình, chừa một khoảng không gian để thêm luống hoa mười giờ khoe sắc hay hàng soi nhái đung đưa trước nắng, rồi những luống rau muống, cải xanh, cải bắp mướt mắt...

Nhiều ngôi nhà còn giữ hồn quê trong phố.
Nhiều ngôi nhà còn giữ hồn quê trong phố.

Có một khoảng sân trống nhỏ, vậy mà chú Võ Văn Lam (Phường 2- TP Vĩnh Long) vẫn tận dụng để trồng rau, bông giấy, cẩm tú cầu cạnh những gốc cây mai lớn.

Chú Lam hào hứng khoe: “Diện tích nhà nhỏ nhưng tôi vẫn chừa một khoảng để trồng rau, trồng hoa cho vui mắt. Tết này tôi còn trồng thêm một số loại hoa để thêm hương sắc, nhìn cho đỡ nhớ cảnh dưới quê vậy mà”.

Không chỉ vậy, không ít quán xá ở đô thị cũng trang trí theo hướng “quán quê” với quang gánh, mái hiên lá, bàn ghế tre, nhân viên mặc áo bà ba mộc mạc, gần gũi. Những nơi ấy lại hút khách, bởi người phố luôn muốn tìm về một góc thân quen nơi quê nhà giữa phố thị ồn ào, chật hẹp.

Bên cạnh những “chốn quê” này, đô thị vẫn còn lưu giữ một giai đoạn lịch sử đã qua- những ngôi nhà xưa, nhà cổ.

Nhiều người kỳ vọng, sau khi được tu bổ, tôn tạo đây sẽ là những “ngôi nhà di sản”, có sức hấp dẫn đặc biệt với khách tham quan. “Khi đó, sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch ở TP Vĩnh Long”- chủ một ngôi nhà cổ ở Phường 5 (TP Vĩnh Long) bày tỏ.

Không chỉ vậy, đô thị Vĩnh Long đang từng bước lưu giữ và phát triển hệ thống cây xanh cùng với hệ thống kè sông, để làm nên một thành phố miệt vườn sông nước bên bờ sông Cổ Chiên đặc biệt hấp dẫn

Ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Các đô thị ĐBSCL mang đặc trưng của những khu vực cảnh quan theo tuyến, nhỏ và kết hợp. Cảnh quan đô thị hấp dẫn nhờ các không gian kết hợp mặt nước, những khu vực trung tâm đô thị với các hoạt động thương mại sôi nổi, tạo nên các điểm nhìn hấp dẫn gần gũi thiên nhiên.

Hướng đến đô thị văn minh, hiện đại

Song song đó, TP Vĩnh Long vẫn không ngừng phát triển theo hướng đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch giàu bản sắc.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, sẽ xây dựng Vĩnh Long thành vùng đô thị sinh thái xanh- sạch- đẹp, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo cân bằng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang đặc trưng của tỉnh.

Và theo điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn 2050, TP Vĩnh Long sẽ được phát triển thành “Thành phố xanh ven sông- thành phố giao lưu”.

Bờ kè sông Tiền- điểm nhấn duyên cho TP Vĩnh Long.
Bờ kè sông Tiền- điểm nhấn duyên cho TP Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, không chỉ phát triển du lịch sông nước đậm chất miền Tây, TP Vĩnh Long còn xây dựng trọng điểm du lịch gần nút giao thông với đường cao tốc, khiến du khách đi qua phải dừng chân ghé lại.

Đồng thời, biến khu vực ven sông Cổ Chiên thành trục du lịch, xây dựng trọng điểm du lịch khác biệt so với các thành phố khác trong ĐBSCL, tạo nét đặc trưng mới của TP Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Quốc Duy- Phó Giám đốc Sở Xây dựng- cho biết: Trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị TP Vĩnh Long đã có bước phát triển mạnh. Nhiều con đường mới mở đã đem lại diện mạo mới cho đô thị, mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cho khu vực.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Thanh Hà cũng cho hay: Với mục tiêu không chỉ kết nối giao thông mà còn tạo ra hạ tầng khung quan trọng cho việc thu hút nhà đầu tư vào khai thác tiềm năng du lịch, thành phố đã tăng cường đầu tư, phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, dã ngoại miệt vườn mang đặc trưng vùng sông nước của TP Vĩnh Long.

Có thể thấy, đô thị Vĩnh Long hôm nay đã “thay da đổi thịt”, đã có diện mạo mới, khang trang hơn, đời sống của người dân được nâng lên, nếp sống văn minh dần cải thiện hơn. Nhiều công trình có quy mô hiện đại đáp ứng được yêu cầu mỹ quan, đồng thời chú trọng đến bảo tồn các di sản đô thị có giá trị.

Song, dù đô thị phát triển hiện đại nhưng vẫn cần giữ nét quê cũng chính là nét riêng. Bởi hồn đô thị là những thứ nằm lòng trong các ngõ phố, trong nếp sống để tạo nên bản sắc.

Nếu như các đô thị đều hướng đến nhà cao tầng, nhà hình hộp... thì phần lớn các đô thị sẽ tương tự nhau, không thể tìm thấy những nét riêng của đô thị miệt vườn sông nước.

Tạo ra sự khác biệt cho đô thị gắn với bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên, để cho mỗi đô thị đều được tự hào bởi những nét riêng của mình và bức tranh đô thị cần có những điểm nhấn, không bị nhạt nhòa. Có lẽ đó là hướng đi cần có của đô thị Vĩnh Long.

Sở Xây dựng Vĩnh Long và Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) đã hợp đồng lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, Công ty Nikken là tổ chức tư vấn lập đồ án. Mục tiêu của đồ án quy hoạch: Hướng đến xây dựng và phát triển TP Vĩnh Long trở thành đô thị loại II vào năm 2020 và đô thị loại I vào năm 2030. Hướng đến tăng cường, quản lý, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Quy hoạch chung làm cơ sở để quản lý quy hoạch và xây dựng chính sách quản lý phát triển đô thị.

 


Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN