Tết quê!

Cập nhật, 20:16, Chủ Nhật, 11/02/2018 (GMT+7)

PHƯƠNG ÁNH

Khi những cơn gió bấc bắt đầu se lạnh là mọi người ở quê tôi lại kháo nhau: “Tết sắp tới rồi!” Không khí lạnh mang cho mọi người một cảm giác thật khó tả.

Năm cũ sắp hết rồi. Những khó khăn vất vả, buồn bã cũng sắp qua. Ai cũng mong năm mới thêm nhiều niềm vui mới cũng như cuộc sống sẽ khấm khá hơn.

Gia đình tôi có cả thảy 9 anh chị em cộng với ba má là 11 người. 11 miệng ăn chen chúc trong một căn nhà lá đơn sơ ở vùng quê xa xôi hẻo lánh! Ngày đó người dân quê tôi đi lại bằng xuồng ghe.

Đường bộ chỉ là những con đường mòn ngoằn ngoèo, cây cối um tùm rậm rạp. Mùa mưa trơn trợt khó đi nên gia đình nào cũng phải tự lực cánh sinh.

Cả nhà tôi sống nhờ vào 10 công đất của ông bà nội để lại. Ba tôi cả đời chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Suốt ngày hết ra đồng lại tát mương, bắt cá, bắt ốc, giăng câu kéo lưới! 10 cái miệng lúc nào cũng trông chờ vào ông.

Bội thu. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG KHA
Bội thu. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG KHA

Ba tôi khỏe lắm. 10 công đất ông chia ra trồng nhiều loại cây. 2 công để trồng lúa nếp, 2 công trồng mía, còn 6 công thì trồng lúa. Nếp để dành lâu lâu nấu xôi, chè, làm bánh cho con cái ăn đỡ thèm.

Ở quê ngày xưa làm gì có hàng quán mà mong có bánh trái. Còn lại để dành gói bánh tét vào dịp tết. Sau khi thu hoạch 2 công mía, ông chở mía ra nhà máy nhờ họ ép thành đường thùng (đường chảy) để xài cả năm.

Vừa nấu ăn vừa nấu chè cháo. Quanh năm suốt tháng, nhà tôi không phải tốn tiền mua gạo, đường, củi. Nước mắm cũng tự làm. Mùa nước nổi, ba tôi đi kéo lưới, ngày được cả trăm ký cá. Má tôi rửa sạch cho vào khạp, cứ tỷ lệ 3:1. (3 cá- 1 muối), sau đó phủ thêm lớp muối lên trên.

Ủ khoảng 3- 4 tháng đem ra quậy đều rồi nấu cho tan phần xương cá. Bỏ thêm đường với bột ngọt, lược lại rồi đem cất để ăn suốt năm. Ngoài ra, má tôi nuôi thêm vài con heo coi như bỏ ống để dành mua sắm những vật dụng cần thiết. Năm 12 tháng má tôi đi chợ tỉnh được vài lần.

Những ngày giáp tết là những ngày vui nhất. Tất cả anh chị em lớn nhỏ đều phụ ba má. Trước tết, ba và mấy anh đốn tàu dừa đan mấy chục cái vỉ phơi bánh. Má và mấy chị tranh thủ tráng bánh. Lũ con nít tụi tui có nhiệm vụ khiêng mấy cái vỉ đem phơi.

Gạo xay nhuyễn tráng bánh nhúng nước xong thì đến bánh tráng nướng. Bánh tráng nướng công phu hơn phải có tí nước dừa, tí muối cho bánh có vị mặn và béo, tí mè rang cho thơm. Kế đến là quết bánh phồng nếp.

Nếp ngâm cho thêm men vào sáng hôm sau gút sạch nấu chín. Sau đó quết nhuyễn, vừa quết vừa đổ nước đường vào cho đến khi dẻo quánh lại ngắt ra thành từng viên rồi lấy ống tre lăn đều đem phơi khô.

Khi nướng, vì có men nên bánh phồng to ăn rất giòn. Bánh phồng khoai thì làm cực nhất. Khoai mì nhà trồng được đào lấy củ, lột vỏ ngâm nước xong đem nấu chín tước xơ bỏ vô cối quết nhuyễn.

Thêm nước dừa, nước đường vào quết đến khi nào dẻo lại, ngắt thành viên cán mỏng phơi khô. Bánh thì đã có bánh phồng, bánh tráng thêm bánh tét là đã thấy không khí tết hừng hực rồi.

Chỉ còn thiếu mứt. Suốt quãng đời thơ ấu, mỗi năm tôi đón tết chỉ với 2 món mứt duy nhất đó là mứt dừa và mứt chùm ruột.

Dừa và chùm ruột nhà trồng nên đây là 2 món đặc sản của gia đình vào mùa tết. Thời đó bánh mứt đều nấu bằng đường thùng mà sao ăn thấy thơm và ngon vô cùng. Nhà đông nên ăn gì cũng hao. Mọi thứ phải tự làm. Mua thì bao nhiêu cho đủ.

Lối hăm mấy tết là cả xóm đã rục rịch rủ nhau đi chợ sắm đồ. Nhà nào cũng có ghe. Nhà ít người thì ghe nhỏ. Nhà đông người thì sắm ghe to. Hễ bữa sau nhà nào đi chợ tỉnh thì hôm trước ới một tiếng.

4 giờ sáng, ai đi thì thức dậy đi cùng. Đi ghe vậy chớ phải mấy tiếng đồng hồ mới tới chợ. Rồi thì mạnh ai nấy tỏa ra đi mua sắm. Má tôi thường mua thêm dưa hấu, khổ qua về dồn thịt theo truyền thống quê tôi.

Thịt thì cứ bốn nhà làm một con heo. Mỗi nhà góc tư. Ra Giêng bán lúa mới trả tiền. Ngoài ra, má tôi còn mua củ kiệu, củ cải, cải bẹ về làm dưa. Mua thêm muối, hành, tiêu, tỏi, bột ngọt… Một ít đồ dùng cho mùa vụ sắp tới. Vậy là xem như cái tết nhà tôi cũng đầy đủ.

Quần áo mỗi đứa được 2 bộ. Lâu lâu, má đi chợ ghé mua khúc vải. Má mua rồi nhờ cô út tôi là thợ may may dùm để dành. Mà may cho rộng vì đứa nào cũng mau lớn để đến tết mặc là vừa!

Mai thì nhà nào cũng có vài cây nên chưa tết là nở vàng hực từ đầu ngõ. Vạn thọ cũng được trồng hai bên lối đi. Bông đẹp thì cắt vào chưng. Trái cây trong vườn, có gì chưng nấy.

Rồi giao thừa cũng đến trong niềm vui sướng của lũ trẻ trong xóm. Đứa nào cũng có quần áo mới. Được ăn uống no nê. Dưa hấu, thịt kho, bánh mứt đầy nhà. Mùa xuân thật đúng với ý nghĩa của ngày đầu năm mới.

Những kỷ niệm đó mãi đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Bây giờ cuộc sống tiện nghi hơn. Đồ ăn thức uống phong phú hơn nhưng sao tôi vẫn nhớ mãi tiếng quết bánh phồng và hương vị mứt đường thùng mà tôi đã ăn thời thơ ấu. Mùi bếp củi thơm nồng đêm ba mươi. Những đòn bánh tét nghi ngút khói mới nhìn đã vui sướng cười híp mắt.

Tết quê xưa luôn khắc sâu trong tim tôi. Ở đó có bàn tay chai sần của ba, có những giọt mồ hôi ấm nồng của má. Một miền quê nghèo khó đã nuôi lớn anh chị em tôi để bây giờ dù có đi đâu xa, chúng tôi vẫn luôn nhớ về mảnh đất đã sinh ra mình. Nơi mà suốt quãng đời thơ ấu, chị em tôi đã có những cái tết thật trọn vẹn!