Tản văn

Tết về trên mái tranh xưa

Cập nhật, 20:12, Chủ Nhật, 11/02/2018 (GMT+7)

 

Bức tranh vào xuân rất đỗi thân thuộc, gần gũi với những người dân quê.
Bức tranh vào xuân rất đỗi thân thuộc, gần gũi với những người dân quê.

Những ngày này, trong nhà ngoài phố đã đậm hương xuân, nồng mùi tết. Rưng rưng miền ký ức với cảnh xuân về trên mái tranh xưa ở Nhà sách Fahasa Vĩnh Long. Bức tranh vào xuân rất đỗi thân thuộc, gần gũi với những người dân quê.

Hình ảnh bình dị mà thiêng liêng trong ký ức sâu thẳm của mỗi con người đã một thời sống dưới mái nhà lá.

Tôi nghĩ, để có mái nhà tranh đơn sơ, mộc mạc giữa chốn phố thị xô bồ, gấp gáp, hối hả của cuộc sống hiện tại để tặng bạn đọc, “nhà sách” phải có một tấm lòng nặng với hồn quê.

Bạn đọc đến đọc sách, mua sách và được ngắm nghía hình ảnh túp lều tranh mộc mạc, phía trước cửa nhà với đôi câu đối tết “Chúc tết đến trăm điều như ý- Mừng xuân sang vạn sự thành công”.

Chiếc nón lá treo trên đôi quang gánh và cái tĩn, cái hũ nằm yên một bên mái lá. Đôi đòn bánh tét, chiếc bánh chưng treo lủng lẳng. Hương xuân xưa dù đã rất xa nhưng những kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn mà nào hay.

Hình ảnh ấy đã gọi dậy ký ức tuổi thơ ai đã một thời sống bên mái lá và gắn liền với những đồ dùng hũ, tĩn, chum, vại. Ở chái bếp, với hũ gạo, chum muối, tĩn nước mắm, bước ra ngoài mái hiên với vại nước mưa mát trong được đặt lên trên là chiếc gáo dừa... nét văn hóa và hồn quê.

Mảnh tình quê neo chặt ở bến lòng. Để mỗi khi hụt hẫng như cảnh sào ngắn cắm phải chỗ sông sâu họ tìm nhớ chốn yên bình, ấm áp. Chút yên bình ấy như chiếc phao cứu vớt tâm hồn họ.

Có người bảo hình như những thứ ấy cũng có đời sống và có linh hồn. Nhưng nay những hình ảnh ấy chỉ còn sót lại trong vài ngôi nhà ở quê. Và không khó bắt gặp cảnh chúng bị vứt quăng nằm lăn lóc ở một xó nào đó.

Nhớ cái thời nội làm mắm chuẩn bị tết, nồi mắm sôi sùng sục, mùi nước mắm theo gió bay quanh xóm. “Mèn ơi! Nước mắm nặng mùi chắc ngon lắm đây”- nội vừa nói, tay vừa rót từng giọt nước mắm thơm đậm đà vào trong cái tĩn thô kệch, với cái bụng to đùng trông rất mộc mạc.

Cái tĩn đựng nước mắm nấu từ con mắm chốt, mắm sặt, mắm cá rằm… thơm mặn nồng được nội đậy kín “chờ” tết. Để được tĩn nước mắm thơm nồng ăn tết, phải chuẩn bị cả mấy tháng trời nào là dỡ chà bắt cá, làm cá ủ, rồi chờ cá thành mắm mới đem nấu lấy nước mắm trong.

Trong nhà, chái bếp là nơi ấm áp nhất. Nơi nuôi ta khôn lớn, nơi tặng ta những bữa cơm ngọt ngào tình yêu thương. Chái bếp vào xuân với mùi củ kiệu hăng hăng, mùi chua của lạp xưởng, với âm thanh xèo xèo, sùng sục bay lên mùi thơm lựng cả chái bếp.

Bên bếp than hồng bà ngồi nướng bánh phồng mì, bánh tráng tiện tay bắc ấm nước châm bình trà hoa ngâu đặt vào chiếc “lục bình” được làm bằng trái dừa khô. Tiếng nhai bánh tráng giòn tan hòa với tiếng cười của bọn trẻ chúng tôi. Người lớn với những câu chuyện tết, chuyện nhứt bên tách trà ngâu nóng hôi hổi.

Nơi chái bếp xưa gió lùa giỡn qua liếp vách nát nhưng đã nuôi lớn chúng tôi qua những bữa cơm và những mùa xuân ấm áp tình thương yêu.

Cảm ơn Nhà sách Fahasa đã tặng tôi những giây phút hoài niệm xuân về trên mái tranh xưa. Tôi cũng giống như đa số người vậy thôi, hoài niềm những nét đẹp thiêng liêng của một thời đã qua.

Bài, ảnh: MAI KHA