Một đêm ở đồng khoai

Cập nhật, 21:09, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

 

Đồng ruộng ở “xứ khoai” lúc nào cũng nhộn nhịp.
Đồng ruộng ở “xứ khoai” lúc nào cũng nhộn nhịp.

Trời giáp tết càng trở lạnh. Thế nhưng trên cánh đồng khoai lang những ngày này, dù mới 1- 2 giờ sáng cũng đã chộn rộn tiếng nói, tiếng cười của dân làm khoai. Ở miệt Bình Tân này, “làm khoai đêm” đã trở thành thói quen đặc trưng mà ít nơi nào có được.

Hơn nửa đêm, theo Đường tỉnh 908, chúng tôi bon bon về với xứ rẫy Bình Tân để cảm nhận và nghe câu chuyện kể về khoai lang.

Ra đồng từ… 1 giờ khuya

Trong khi rất nhiều người còn đang say giấc, thì trên cánh đồng khoai các xã Nguyễn Văn Thảnh, Tân Hưng, Tân Thành... đã lập lòe ánh đèn pin. Từng tốp khoảng 20- 30 phụ nữ lom khom cắt dây khoai giống. Nhiều người cho biết, họ ra đồng từ… 1 giờ khuya.

Gặp chúng tôi trên đường, anh Nguyễn Văn Sơn- chủ một ruộng khoai ở xã Nguyễn Văn Thảnh, đon đả mời chúng tôi vào chòi, nhóm bếp, pha ấm trà nóng rồi bắt đầu… kể chuyện khoai. Nhà anh Sơn ở xã Tân Hưng, có 2 công rưỡi đất trồng khoai lang tím Nhật.

Những năm gần đây, khoai lang được giá nên anh qua xã Nguyễn Văn Thảnh thuê thêm 40 công đất nữa để trồng.

Do nhà cách nơi thuê đất khá xa lại trồng nhiều, nên anh phải cất chòi ở luôn, cứ 2- 3 giờ sáng là thức dậy, nấu cơm, nấu nước, pha trà, “riết rồi cũng quen”- anh Sơn cười hiền.

Khoai lang có mặt vùng đất này khi nào không ai nhớ rõ, nhưng với anh Sơn “gia đình tui đã 3 đời trồng khoai rồi”. Không ít người giàu lên nhờ khoai lang, cũng không ít người “văng vách” khi giá xuống thấp.

Rất mừng là, vụ này anh Sơn không giấu nổi sự hào hứng khi nói về chuyện khoai lang đem lại niềm vui cho nhiều nông dân xứ này. Bởi như năm ngoái, khoai đầu vụ cao lắm cũng chỉ 12.000- 13.000 đ/kg, vào vụ giảm còn 10.000- 11.000đ.

Còn năm nay, đã vô rộ mùa nhưng giá vẫn vững trên 16.000 đ/kg, “cao nhất từ 5- 6 năm nay đó”. Dân trồng khoai ở đây có câu “đói no nhờ khoai với củ/no đủ cũng nhờ củ với khoai” và khá phù hợp với gia đình anh.

Bởi nhờ nghề khoai mà 3 con trai ăn học đàng hoàng. Con trai thứ ba của anh mới 20 tuổi hiện cũng “nối nghiệp” anh làm khoai. Vụ này anh thuê cho 30 công làm riêng, khoai được giá cũng “lời lút”.

Năm ngoái, anh Sơn cưới vợ cho thằng con thứ hai, cho con dâu 2 cây vàng, thêm 30 triệu đồng- mà theo anh Sơn thì “xứ khác đâu cho nhiều dữ vậy, còn xứ này cho vậy cũng trung bình hà”.

Nghề khoai: tuy cực mà vui

Trời gần sáng, không khí trên đồng khoai càng tất bật, nhộn nhịp hơn. Từng tốp người làm khoai tất tả đạp xe đến “điểm hẹn” chờ chủ dẫn vào ruộng khoai.

Theo con đường đá nhỏ vào xã Tân Quới, chúng tôi bắt gặp một nhóm “thợ khoai” đang lúi húi ăn vội miếng cơm nguội dằn bụng trước khi ra đồng.

Cô Trần Thị Tư (Tân Quới) vui vẻ cho biết: “Tui theo làm khoai được 3 năm rồi. Cứ 4 giờ là tui thức dậy nấu cơm, 5 giờ là ổng (chồng cô Tư) chở tui đi. Vợ chồng tui lựa khoai từ 6 giờ sáng đến 3- 4 giờ chiều, kiếm hơn 200.000đ, còn “tăng ca” thì 20.000 đ/giờ tính tới”.

Những giỏ cơm trưa chuẩn bị sẵn cho ngày làm việc.
Những giỏ cơm trưa chuẩn bị sẵn cho ngày làm việc.

Thu nhập ổn định, việc khá nhẹ nhàng nên nhiều người lớn tuổi như chú Tư Thông (xã Tân Hưng), hiện gần 60 tuổi cũng đi lựa khoai, hết đồng này sang đồng khác. Chú Tư nói, cũng nhờ khoai lang mà “có việc làm hoài hà”.

Mỗi tháng lãnh cắt dây khoai giống từ 10- 15 ngày, thời gian còn lại sẽ lãnh việc lựa khoai với tiền công từ 110.000- 130.000 đ/ngày.

Do khoai trồng quanh năm nên nhiều nghề cũng “ăn theo”. Tại các xã như Tân Thành, Thành Trung, Tân Hưng, Nguyễn Văn Thảnh… hiện có hàng chục đội cuốc đất, đội trồng, đội chở khoai. Các đội có sự phân chia hẳn hoi, nam thì cuốc giồng, nữ thì cắt dây, lấy củ, lựa khoai…

“Đến mùa dỡ khoai vui lắm, mỗi đội cả trăm người. 1- 2 giờ khuya là tui ra ruộng rồi”- chú Tư Thông nói thêm: “Muốn biết, cô chú chạy dọc lên phía trên Thành Đông, qua cầu số 12- 13- 14- 15 nhộn nhịp gấp mấy lần ở đây, tha hồ chụp hình”.

Về miệt đồng khoai Bình Tân, dường như ai cũng thuộc mấy câu ca dao “sắm lu sắm hũ là nhờ củ với khoai/ cưới vợ cho thằng hai cũng nhờ khoai với củ…” hay “mua lu mua hũ cũng nhờ củ với khoai/ trả hết nợ vay cũng nhờ khoai với củ/ sắm giường sắm tủ cũng nhờ củ với khoai…” Bao nhiêu đó đủ thấy dây khoai lang đã mọc rễ, ra củ và bám đất bền chặt ở đây như thế nào.

Trải thăng trầm, khoai lang Bình Tân từ vài chục đã lên tới 7- 8 ngàn hecta. Từ xưa, nơi này đã nổi tiếng khoai lang Mười Thới- là tên con kinh đưa phù sa qua các xã vùng khoai, hay còn gọi là khoai lang Tân Quới. Khoai Tân Quới lên TP Hồ Chí Minh là bán bao nhiêu vựa mua bấy nhiêu vì ngọt ngon, thơm dẻo.

Từ nơi thuần nông, khoai lang đã biến vùng đất trũng này thành vùng “công nghiệp khoai” với những “công nhân nông nghiệp” có tổ chức đàng hoàng, giờ giấc nghiêm chỉnh và mức độ chuyên môn hóa rất cao: người chuyên cắt dây, người chỉ thu hoạch củ.

Tuy nhiên, nghề trồng khoai cũng lắm nỗi lo toan. Ông Ngô Văn Tua- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Đông (xã Thành Đông) cho biết, những cánh đồng chục triệu rồi trăm triệu, khiến cho giấc mơ “tỷ phú khoai lang” đó đây biến thành sự thật. Để ngay sau đó không ít người lại ôm sầu vì giá cả sụt giảm, thua lỗ liên miên.

Nhưng dẫu sao cây khoai lang đã bám chặt rễ đất này. “Cơn bão giá đi qua”, người xứ khoai lại gắn bó với củ khoai. Từ năm 2013, khoai lang Bình Tân được cấp nhãn hiệu tập thể- là chỉ dẫn địa lý để có thể “nói chuyện” với khắp các thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời, còn nhắc nhở dân xứ khoai phải chung sức chung lòng, giữ gìn cái tên chung, để tươi cười mãi với câu chuyện “cưới vợ cho thằng hai cũng nhờ khoai với củ”.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THẢO LY