Hồi ức về một mùa xuân

Cập nhật, 19:43, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

Mùa xuân ấy cách nay đã tròn 50 năm mà tôi vẫn còn khắc ghi trong tâm khảm- Xuân Mậu Thân 1968.

Điều làm tôi không quên không phải là sự kiện lịch sử “tổng tiến công” của quân dân ta vào sào huyệt quân thù mà chính cái ngày 30 tết năm ấy tôi chứng kiến một cuộc thảm sát đau thương của máy bay giặc Mỹ trên dòng sông Mỹ Thuận.

Sáng hôm đó, bầu trời trong xanh, yên tĩnh. Chúng tôi vừa được bà con gởi cho nào trà, nào bánh, mứt để vui đón giao thừa.

Vì bom đạn quá ác liệt nên bà con phải rời bỏ ruộng vườn, mỗi năm chỉ về trong dịp ngừng bắn mấy ngày tết, chúng tôi chưa kịp hỏi thăm gia cảnh, cuộc sống của bà con thì tôi với vài đồng chí công tác ở Nhà in Nguyễn Văn Thảnh được lệnh “hành quân cấp tốc” đi phục vụ chiến dịch mùa khô 1967- 1968.

Chúng tôi chỉ được biết như vậy và gấp rút chuẩn bị mọi thứ như giấy mực và chiếc máy in Ronéo cũ kỹ xuống xuồng lên đường, lúc đó gần 7 giờ sáng ngày 30 tết (theo lịch của miền Nam lúc bấy giờ).

Bà con từ vùng địch tạm chiếm về quê rất sớm, có lẽ để kịp trở về nhà trước khi con nước ròng và cũng để chuẩn bị “rướt ông bà” theo tục lệ cổ truyền vào chiều 30 tết. Trên đường đi gặp bà con, chúng tôi chỉ chào hỏi đôi điều rồi tiếp tục lên đường cho kịp chuyến giao liên qua lộ 4 (nay là Quốc lộ 1).

Khi xuồng chúng tôi đến ngã ba vàm Rạch Sậy thì hai chiếc trực thăng từ hướng sân bay Vĩnh Long bay lên quần đảo cặp theo sông Mỹ Thuận, ngã ba sông Tầm Vu và sông Chẹt, thuộc vùng giải phóng xã Mỹ Thuận, huyện Bình Minh (nay thuộc xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân).

Bà con phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em vội vã bồng bế nhau xuống ghe, xuồng để chạy về vùng địch tạm chiếm. Nhưng 2 chiếc trực thăng cứ quần đảo trên đầu, bà con tin tưởng vào lệnh ngừng bắn của chính quyền Thiệu, vì là lệnh ngừng bắn trong những ngày tết là lệnh ngừng bắn đơn phương nên ngày giờ cũng như những quy định lệnh ngừng bắn giữa ta và địch mỗi bên khác nhau, bà con vùng địch tạm chiếm phải tuân theo lệnh ngừng bắn của chính quyền Sài Gòn, trên ghe xuồng có cắm cờ ba que (địch buộc phải làm như thế) nên bà con cứ cho máy chạy.

Bất ngờ, những loạt đạn đại liên từ 2 chiếc trực thăng thay phiên nhau nhã đạn vào những chiếc ghe, xuồng đang chạy, đang bơi trên sông mặc dù chúng vẫn biết đó là dân thường, những loạt đạn tội ác dã man đó đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội. Nhìn cảnh tượng đó, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi thương xót.

Khi 2 chiếc trực thăng quay về sân bay Vĩnh Long, chúng tôi tiếp tục lên đường mà lòng cứ nghĩ miên man không biết bao nhiêu người đã chết, trong số bà con chúng tôi vừa gặp sáng nay ai còn, ai mất.

Qua lộ 4 (nay Quốc lộ 1), trên đường đi về xã Phước Hậu, thì bộ đội ta cùng với quân dân Miền Nam đồng loạt tấn công vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn, lúc đó là 2 giờ 30 phút đêm 29 rạng 30 tháng 1 năm 1968 (tức đêm 30 rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân).

Tôi nhìn thấy ánh lửa sáng rực và những cột khói bốc cao trong màn đêm ở hướng sân bay Vĩnh Long và nghĩ rằng bộ đội ta đã tấn công vào sân bay Vĩnh Long. Chúng tôi tiếp tục theo đoàn ghe xuồng chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho mặt trận và những đoàn xuồng của bộ đội ta tiếp tục lên đường ra tiền tuyến.

Khi vừa đến ấp Phước Trinh, xã Phước Hậu thì trời sáng, chúng tôi dừng chân ở đó, những tin tức từ thị xã đưa về dồn dập, được biết Tiểu đoàn 857 (Tiểu đoàn 1) địa phương quân của tỉnh đánh chiếm sân bay Vĩnh Long, tiêu diệt số máy bay ở sân bay gồm có trực thăng các loại và máy bay trinh sát L19 cùng một số lính phi công, trong đó có phi công Mỹ và lính bảo vệ sân bay (chỉ biết như vậy thôi chưa nắm được cụ thể số máy và số lính bị ta tiêu diệt), nhưng trong số đó chắc chắn có 2 chiếc trực thăng vừa gây tội ác ở xã Mỹ Thuận hồi sáng 30 tết.

Bộ đội ta chiếm giữ và phòng ngự đánh địch phản công, Tiểu đoàn 306, Quân khu 9 đã vào được nội ô đánh chiếm Tòa Hành chính tỉnh, Ty Cảnh sát phối hợp Tiểu đoàn 308 của quân khu bao vây Dinh tỉnh trưởng và tiến vào khám lớn giải thoát tù chính trị.

Địch cố thủ Dinh tỉnh trưởng nên ta không chiếm được, chỉ bao vây uy hiếp kêu gọi tên Tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp đầu hàng nhưng tên tỉnh trưởng và thuộc hạ ngoan cố, ra lệnh bọn binh lính cố thủ, một mặt xin cấp trên ở Vùng IV chiến thuật cứu viện, nhưng nơi nào cũng bị ta tấn công, chiến trường bị căng kéo nên không có quân chi viện.

Lực lượng vũ trang ta bám trụ đánh địch suốt 6 ngày đêm (từ đêm 30 rạng mùng 1 tết đến đêm mùng 5) mới rút ra khỏi thị xã, bám trụ ở vùng ven đánh địch phản kích.

Chúng tôi cũng được lệnh rút về vùng căn cứ. Trong suốt 6 ngày đêm giữa ta và địch giằng co quyết liệt, ta chiếm giữ được nhiều nơi, đánh địch nhiều trận nhưng không thể nêu đầy đủ chi tiết trong bài viết này.

Để phục vụ cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân, ngoài lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể đều cử cán bộ đi phục vụ.

Ban Tuyên huấn tỉnh lúc bấy giờ cử một số cán bộ làm công tác tuyên truyền cùng với cán bộ các đoàn thể vào nội ô phối hợp với cán bộ ở thị xã tuyên truyền vận động quần chúng nổi dậy, phóng viên thông tấn, báo chí và nhiếp ảnh có nhiệm vụ ghi lại hình ảnh và viết tin, bài về cuộc chiến đấu của quân dân ta.

Riêng đài “minh ngữ” do Ban Tuyên huấn tỉnh quản lý thì theo sát thường trực ban và Thường trực Tỉnh ủy để kịp thời đưa tin, bài của phóng viên về Đài Phát thanh Giải Phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã (Thông tấn xã Giải Phóng và Thông tấn xã Việt Nam).

Gọi là đài “minh ngữ” vì tin, bài được phát đi bằng tín hiệu công khai không qua mật mã. Bộ phận in ấn do tôi làm tổ trưởng làm nhiệm vụ in Lời kêu gọi, Hiệu triệu và chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng để cho cán bộ ta mang đi tán phát ra dân.

Cán bộ của Ban Tuyên huấn tỉnh cử đi tham gia đợt tấn công đầu tiên đêm giao thừa, đồng chí Nguyễn Hậu Phước (Tư Hô) bị thương phải chuyển về tuyến sau, đồng chí Lương Hà Sơn (Ba Sơn), phóng viên nhiếp ảnh hy sinh.

Ở cánh khác, cán bộ của Tiểu ban Giáo dục là đồng chí Tám Đức và đồng chí Trần Sâm Quế (Sáu Quế) cũng tham gia ở thị trấn Tam Bình. Đồng chí Tám Đức hy sinh, đồng chí Sáu Quế bị địch bắt khi cùng với cán bộ của huyện phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Trong suốt 6 ngày đêm lực lượng vũ trang của ta chiếm giữ, quần nhau với địch ở nội ô thì cũng là 6 ngày đêm bộ phận in ấn của chúng tôi và đài “minh ngữ” bám ở ấp Phước Trinh, xã Phước Hậu, là nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Tiền phương, là bàn đạp của quân ta tấn công vào thị xã, cũng là con đường nối liền với vùng giải phóng theo tuyến đường sông- con đường chuyển quân, con đường tiếp tế lương thực, thực phẩm từ nông thôn ra, cũng là con đường chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau, tấp nập ngày đêm tiếng chèo khua, tiếng máy đuôi tôm ra vào rộn rịp hòa lẫn với tiếng súng tấn công địch khắp nơi- một cái tết không yên bình- nhưng cũng tạo nên niềm phấn khởi, hy vọng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta giành thắng lợi, giải phóng Miền Nam, đem hòa bình cho đất nước- một mùa xuân không thể nào quên được trong ký ức của mọi người.

Sau khi lực lượng vũ trang ta rút khỏi nội ô, địch phản công quyết liệt, bộ đội ta chặn đánh các cuộc càn quét vào vùng giải phóng, vừa đánh địch, vừa bổ sung, củng cố lực lượng cho những đợt tấn công tiếp theo.

Sài Gòn và các đô thị ở Miền Nam địch cơ bản đã giành lại được thế chủ động, tiến hành những cuộc hành quân phản công, bình định lấn chiếm đóng đồn bót dày đặc trên các tuyến sông, tuyến lộ ở vùng nông thôn giải phóng.

Tình hình ở Vĩnh Long ngày càng ác liệt, địch đánh phá liên tục, phát quang địa hình, trút bom đạn kể cả B52 rải thảm xuống vùng Mỹ Lộc (Tam Bình), Mỹ Thuận (Bình Minh), cơ quan phải di dời nhiều nơi nên tôi không có dịp gặp lại bà con ở vùng Mỹ Thuận, chỉ nghe các đồng chí trong cơ quan còn ở lại không đi phục vụ chiến dịch chứng kiến trận thảm sát hôm ấy kể lại là sau khi máy bay quay đi thì nhìn thấy một cảnh tượng hết sức thảm khốc, những chiếc ghe, xuồng lớp thì bị chìm, lớp trôi tấp vào bờ, lớp trôi theo dòng nước trên sông theo con nước ròng vì chủ nhân lớp chết, lớp bị thương không ai lèo lái, những vật dụng trên ghe, xuồng và những chiếc nón lá nổi lềnh bềnh trên sông, cũng không ai biết con số thương vong chính xác là bao nhiêu, chỉ dự đoán ít nhất cũng vài chục người.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp trở lại thăm số bà con quen biết ở nơi đó mới biết có rất nhiều người đã bị địch bắn chết trong vụ thảm sát ngày 30 Tết Mậu Thân.

Kể lại chuyện quá khứ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không phải xới lại những vết thương đau hay để khơi dậy lòng hận thù mà đó là một hồi ức về một kỷ niệm không quên trong đời tôi cho đến bây giờ vẫn còn nhớ mãi!

Xuân Mậu Tuất 2018

NGUYỄN THANH