Đến lớp vẽ ước mơ

Cập nhật, 15:40, Thứ Bảy, 17/02/2018 (GMT+7)

 

Những nét vẽ “nguệch ngoạc” đều có ý tưởng riêng, bé 4 tuổi biết cầm viết là có thể học vẽ.
Những nét vẽ “nguệch ngoạc” đều có ý tưởng riêng, bé 4 tuổi biết cầm viết là có thể học vẽ.

Ngày cuối tuần đẹp trời, chúng tôi đến thăm các lớp học vẽ ở TP Vĩnh Long. Khác với những lớp học văn hóa có vẻ nặng nề, lớp học vẽ có khi nghiêm túc cũng có khi ồn ào. Nhưng dễ thấy nhất là nụ cười hồn nhiên trên những đôi má phúng phính, đôi mắt trong veo. 

Những đôi bàn tay bé xíu tô tô vẽ vẽ trên tranh, những ánh mắt to tròn long lanh đang dán vào tác phẩm của mình. Vẽ giúp các em thỏa đam mê, sáng tạo, phát huy sở thích và được ước mơ. 

Những học trò “không giống cô”

Cô giáo, họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng có hơn 20 năm dạy vẽ, vừa hướng dẫn học trò nhí vẽ cây mai xong thì tiếp chuyện với chúng tôi. Cô cười: “Tôi hướng dẫn chung vậy chứ không thích học trò vẽ giống mình”.

Theo cô thì mỗi cây mai, mỗi con người đều có những nét khác biệt riêng và những nét đó tạo nên phong cách của từng người. Do đó, cô Ánh Hồng luôn cho các em thỏa sức sáng tạo “các con có thể tô màu tùy thích”.

Hàng chục cây mai thì cây mập, cây ốm, cây nhiều nhánh, cây ít nhánh và hoa mai thì cũng đủ số cánh khác nhau. Một cậu bé 4 tuổi ngồi ở đầu bàn, đôi bàn tay bé xíu đang tô lem luốc những bông hoa vàng trên thân cây màu nâu.

Cậu nhóc này không thích cái lá màu xanh lá cây đậm mà chỉ thích màu xanh đọt chuối. Lá xen hoa, hoa xen lá cộng với nét vẽ ngây thơ nguệch ngoạc đáng yêu như chính tác giả bức tranh.

Ngồi ở phía cuối phòng, một anh bạn 8 tuổi đang tẩn mẩn vẽ một cây mai to khỏe với những nhánh nhỏ xíu xiu.

Cô Ánh Hồng thỏ thẻ: “Bé học chữ chưa tốt nhưng vẽ tranh tốt lắm”. Những nét vẽ khỏe khoắn, dứt khoát như bức tranh được in trên tờ giấy trắng, cộng với mấy cánh mai bé bé, đôi bàn tay mong manh ấy đã làm đẹp bức tranh, ấm lòng cha mẹ cậu biết bao.

Cô Ánh Hồng cho biết đã tiếp nhận nhiều học sinh với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có những học sinh mới học vài tháng đã “biệt tăm”- đó là các em không thích vẽ; những học sinh có năng khiếu và say mê môn này có khi học cả chục năm, học đến “hết nghề của cô rồi tự ra trường”.

Đặc biệt, lớp học có những học sinh khuyết tật nhưng lại có khiếu vẽ và nhờ vẽ mà các em đã thể hiện được tâm tư, tình cảm của mình. Cô Hồng kể: “Có một học trò khuyết tật 20 tuổi, chỉ học vẽ khoảng 3 năm đã học hết nghề của cô và vẽ rất đẹp”- cô Hồng lại nhớ về cậu học trò khuyết tật, nay đã 25 tuổi: “Không biết nói nhưng em này vẽ tranh rất khéo và thể hiện suy nghĩ qua tranh rất tốt”.

Năng khiếu giống như viên ngọc tiềm ẩn trong con người mà không phải ai cũng có. Rèn năng khiếu là mài giũa cho viên ngọc kia thêm lung linh.

Chọn học vẽ- chọn tương lai

Lớp học vẽ của họa sĩ Tín Đức dường như có nhiều học trò lớn tuổi hơn nên không khí không “nhoi” bằng, mà có một màu sắc khác. Phòng tranh có rất nhiều bức tranh của thầy và cả những bức đạt giải của học trò.

Trong khi các em độ mười tuổi vẽ tranh về môi trường, về động vật thì các anh chị lớn hơn đang say mê vẽ đầu tượng. Lê Ánh Uyên đang là học sinh lớp 12 ở Chợ Lách (Bến Tre) cũng sang đây học vẽ.

Mặc kệ các em đang xôn xao nhờ thầy tư vấn cách chọn màu, pha màu, Ánh Uyên vẫn chăm chú nhìn tượng và dùng bút chì vẽ những nét thẳng, xéo,… làm nên một bức tranh đầu tượng sống động. Uyên chia sẻ: “Em định đăng ký thi môn vẽ để học ngành kiến trúc”.

Học vẽ là cách dạy cho các bé ước mơ.
Học vẽ là cách dạy cho các bé ước mơ.

Dễ thương nhất sau những bức tranh là giọt mồ hôi của cha mẹ, không ngại khó khuyến khích con em phát huy năng khiếu, sở trường.

Chị Nguyễn Thị Xuân Mai (Phường 8- TP Vĩnh Long) vừa đón bé Lê Vương Tâm Đoan từ lớp học vẽ để sang lớp học bơi. Chị nói bé chỉ mới 5 tuổi, chị không muốn ép con học nhiều, bé thích gì sẽ cho học môn đó.

Chị kể bé Đoan mê vẽ đến mức cầm bức tranh đã tô ở lớp về cạo đi lớp màu cũ và lại tô thêm lần nữa. “Thấy con có sở thích đặc biệt với màu sắc, rồi mỗi lần từ lớp vẽ về nhà luôn hoạt bát, vui vẻ, vậy cũng đủ làm chúng tôi hạnh phúc”.

Em Trần Lương Phương Mẫn ngồi chăm chút, nắn nót tô màu cho chú chim có bộ lông sặc sỡ. Em cho biết có niềm yêu thích mãnh liệt với thế giới động vật vì em thích nghiên cứu và ở mỗi loài lại có câu chuyện về nguồn gốc về cuộc sống rất đặc biệt.

Bé Tâm Đoan rất thích vẽ tranh nhiều màu sắc.
Bé Tâm Đoan rất thích vẽ tranh nhiều màu sắc.

Mới 12 tuổi nhưng Mẫn có 7 năm học vẽ. “Hồi mẫu giáo em đã thích vẽ. Từ lúc vẽ để giải trí lúc rảnh, đến bây giờ vẽ đã trở thành một phần trong cuộc sống của em. Mỗi khi ở lớp vẽ về, em sẽ thấy tinh thần thoải mái và thư giãn để tập trung tốt hơn cho việc học”.

Cứ thế, ngày này qua ngày khác, những bàn tay bé nhỏ vẽ nên những chiếc xe, ngôi nhà, những chú chim non háo hức trước bầu trời, con cá bơi tung tăng dưới nước,… hiện lên ngày càng sinh động. Nét vẽ thơ ngây và những ý tưởng ngộ nghĩnh của những họa sĩ nhí gửi gắm biết bao niềm tin và khát khao về cuộc sống tươi đẹp.

BOX: Theo họa sĩ Ánh Hồng, bé khoảng 4 tuổi cầm viết được thì có thể học vẽ. Với những nét vẽ “nguệch ngoạc” của con, phụ huynh không nên ngăn cản vì mỗi bé đều có ý tưởng riêng. Trẻ em vẽ khác nhau theo từng lứa tuổi: từ vẽ đơn giản đến luyện nghề.

“Giáo viên là người tôn trọng, hướng dẫn cho các em. Mỗi em có nét khác nhau, tôi tôn trọng nét riêng đó chứ không muốn học trò vẽ bức tranh giống hệt mình”- họa sĩ Ánh Hồng nói.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY