Xuân về trên làng mai Phước Định

Cập nhật, 05:29, Thứ Bảy, 13/01/2018 (GMT+7)

Qua phà Đình Khao, chạy dọc theo QL 57 rồi bon bon trên những nẻo đường đầy mai, chúng tôi đến thăm “thủ phủ” mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ). Ở đây, có những gia đình “yêu cây mai” truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Họ là những nghệ nhân, dùng tình yêu, sự cần mẫn, bền bỉ và đam mê để mỗi cây mai là một tác phẩm nghệ thuật, một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong ngày tết ở miền Nam.

Con đường làng mai với hàng rào “sang nhứt xứ” vì toàn bằng cây mai vàng.
Con đường làng mai với hàng rào “sang nhứt xứ” vì toàn bằng cây mai vàng.

Dành cả cuộc đời để “yêu mai”

Trở lại Phước Định sau 2 năm, diện mạo nơi đây hoàn toàn đổi khác từ khi con đường nhựa hoàn thành. Tên ngôi làng xưa nay trở thành một “thương hiệu” đầy tự hào trên cổng chào: làng mai Phước Định.

Nếu lần đầu đến đây thì mọi người sẽ không khỏi choáng ngợp vì người người, nhà nhà đều trồng mai đến không còn một khoảng trống. Mai tràn ra ngoài đường, trở thành hàng rào cây mai “độc nhất vô nhị” ở miền Tây này.

Thấy chúng tôi dừng lại ngắm nghía, mê mẩn những cây mai cổ thụ, anh Lê Thành Tín đang tỉa tót cây ở nhà bên cạnh cười chất phác: “Nhà có hơn 40 gốc mai, ông bà trồng mai nên con cháu cũng sống với mai”.

Mỗi ngôi nhà ở làng mai có ít nhất là 20 cây mai vàng.
Mỗi ngôi nhà ở làng mai có ít nhất là 20 cây mai vàng.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, không chỉ vun vén cho cây mai nhà trồng, mà hễ ai kêu là anh chạy sang để phụ “làm đẹp cây” đón tết. “Ngó dễ vậy chứ công phu lắm. Phải có khiếu, am hiểu dáng thế mới uốn cây, tỉa tót cho cây có hồn được”- anh Tín ngồi trên chiếc thang cao, vừa nói tay vừa thoăn thoắt uốn những nhánh nhỏ trên đọt.

Cũng đang tỉ mẩn chăm sóc cây bên hiên nhà, chú Lê Văn Tý (Sáu Móm)- Trưởng ban đại diện làng nghề mai Phước Định, đon đả mời chúng tôi vào thăm vườn. Tập tành chơi mai từ năm 20 tuổi, ông nói mình đã có 42 năm “tuổi nghề”.

“Ngày xưa ông nội tôi trồng mai chơi vì thấy đẹp chứ hổng có bán. Sau đó thấy có khách mua và lời hơn trồng cây ăn trái cả chục lần nên gia đình chuyển sang trồng mai”- chú Sáu nói thêm- “Bây giờ thì mỗi ngôi nhà ở 2 ấp Phước Định 1 và Phước Định 2 có từ 20 gốc mai trở lên.”

Dẫn chúng tôi tham quan vườn, sở hữu hơn 300 gốc mai nhưng chú Sáu nhớ như in chi tiết từng cây: “Lang thang thấy chỗ nào có mai đẹp là mua. Cây nào mua ở đâu, chỗ nào là tôi nhớ hết”.

Đến góc vườn chỗ mé sông, chú tặc lưỡi: “Hôm rồi, trộm vô chôm mất 4 cây, tiếc đứt ruột”. Nghề chơi cũng lắm công phu, hàng chục năm sống cùng mai, nghiệp trồng mai gắn bó như máu thịt và chú Sáu có rất nhiều kỷ niệm vui buồn:

“Thời tiết xấu là mai nở trước, lạnh quá thì nín không nở. Tết năm kìa, tụi tui còn trùm mũ, đốt bóng đèn “xông” cho mai nở. Mấy năm trước, có một cây giá khoảng 190 triệu đồng đang sung tự nhiên rụng lá chết ngọt vậy hà”.

Đặc trưng của làng mai Phước Định là người dân tìm mua mai y về chăm sóc, uốn tỉa tạo dáng, sau nhiều năm mới đem bán chứ không phải là mai tháp (mai ghép- PV).

Cây mai đẹp phải có bộ đế nở, thân uốn éo, chi tai đều, tán đều. Cây mai có giá trị là mai xù, mai đại có bề hoành từ 70- 80cm. Ông Tý cho hay: “Trong làng cũng còn vài chục cây mai đại giá từ 900 triệu đồng/cây trở lên”.

“Sao nối ngôi”

Mai vàng Phước Định được công nhận làng nghề từ tháng 7/2009. Đây là bước ngoặt và động lực để những người dân phát triển làng nghề.

Người yêu mai tìm đến làng nghề nhiều hơn: để mua mai, bán mai, để học hỏi cách uốn cây và có khi là thuê người trong làng mai về tạo dáng cho mai nhà mình.

Làm vườn “trầy da tróc vảy, sớm tối bơm nước, rải phân còn nơm nớp lo cây không ra trái, còn trồng mai thì khỏe hơn nhiều, nhẹ chăm sóc lắm. Rồi chú Sáu điểm danh những người không có nhiều đất vườn, chỉ nhờ trồng mai khin khít trước nhà mà có cuộc sống khấm khá hơn như: chú Thanh Đạm, cô Sáu Em, ông Thít,…”

Những người trẻ ở làng mai lớn lên, cũng học hỏi cha chú cách chơi mai và dù đi đâu, làm nghề gì cũng có ở nhà “vài chục gốc mai làm vốn”.

Chú Sáu Móm bên một gốc mai.
Chú Sáu Móm bên một gốc mai.

Chú Sáu Móm cười: “Mấy đứa nhỏ tấn lên chơi còn hơn tụi tui. Nhà tui có 4 đứa con đều trồng mai hết. Con gái út Lê Thị Thúy An mới 22 tuổi đã có mấy năm chơi mai và tự tay uốn nắn, tạo dáng cho mai tốt”.

Anh Tiêu Hoàng Thành (26 tuổi, con trai ông Tiêu Hùng Minh- Phó Chủ nhiệm Làng mai vàng Phước Định) cho biết: “Học hỏi từ cha và anh em trong xóm, rồi có lớp tập huấn là đi. Muốn uốn cây, tỉa cành thì ngoài khéo léo, có khiếu thẩm mỹ với óc sáng tạo cần nhất vẫn là cái tâm yêu cây vì phải kiên trì, uốn một cây mai trung thôi đã mất mấy ngày”.

Cũng nhờ thương hiệu làng mai, mà nhiều người yêu mai đến đây mua đất trồng mai, giá đất cũng vì vậy mà tăng lên đột biến. Một công đất vườn ở đây giờ có giá 600- 700 triệu đồng. Là 1 trong 6 người mới mua đất ở làng mai, anh Mai Quốc Phong (32 tuổi) cho biết: “Tôi mua đất ở đây gần năm nay, hơn 800m2, gần 700 triệu đồng”.

Anh Tiêu Hoàng Thành xem việc uốn mai là cả một nghệ thuật.
Anh Tiêu Hoàng Thành xem việc uốn mai là cả một nghệ thuật.

Anh Phong quê huyện Chợ Lách (Bến Tre), là nhân viên của một công ty thuốc thú y nhưng vì mê mai, mỗi khi đi công tác gặp mai đẹp là anh lại mua về rồi gửi trồng.

Anh Phong cười: “Nay thì gửi nhiều quá rồi, phải mua đất trồng. Đất ở đây tuy mắc nhưng có thương hiệu làng mai, mua bán trao đổi cũng thuận tiện hơn”.

Cũng từ cây mai mà trong làng đã xuất hiện một tổ hợp tác với 20- 30 tổ viên: người đi trồng cây, uốn, cắt tỉa,… mỗi người thu nhập 300.000- 350.000
đ/ngày, nếu đi xa thì mỗi ngày được 500.000đ.

Những cây mai gắn liền với gia đình, là cả đời sống tinh thần mà từ thời ông cha để lại cho đời con cháu. Một số gia đình có bề dày ở làng mai, dù có cả chục cây mai đại cũng không nở bán. Ông Tý nói: “Có những cây mai rất quý mà người trồng không nỡ bán, dù bán ra là bạc tỷ”.

Xây dựng một thương hiệu đã không dễ dàng, giữ gìn thương hiệu ấy còn vất vả gấp bội. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, những con người cần mẫn canh từng giọt sương, đợt gió, yêu mai như yêu một thành viên trong gia đình, thì cái nghiệp với cây mai sẽ còn bền bỉ và sắc thắm vàng cùng hương hoa từ làng mai Phước Định sẽ còn ngan ngát mãi với thời gian.

Làng nghề mai vàng Phước Định, gồm 2 ấp Phước Định 1 và Phước Định 2 có tổng cộng 157 hộ trồng mai với 32.500 cây trên diện tích 3ha. Có khoảng 580 cây mai đại (bề hoành- chu vi thân trên gốc khoảng 60cm), 10.800 cây mai trung (bề hoành 40- 50cm) và hơn 20.000 cây mai tiểu (bề hoành 30cm). Những hộ trong ấp không thuộc làng nghề cũng có từ 20 gốc mai trở lên.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY