Người giữ những "ngôi mộ liệt sĩ" chưa tìm được tên

Cập nhật, 20:00, Chủ Nhật, 14/01/2018 (GMT+7)

Trung tuần tháng 8/1966, chỉ qua một đêm thôi, tại nghĩa địa nhân dân (gò mả) ở phía sau vườn nhà ông Nguyễn Văn Tý (Tư Tý, ấp Hiếu Văn, xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Trà Vinh; nay là ấp Hiếu Hạnh, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) xuất hiện liền mấy ngôi mộ mới, được cho là mộ của những liệt sĩ chưa tìm được tên.

Đây là một trong những nghĩa địa có nhiều ngôi mộ lúc bấy giờ ở xã Hiếu Thành, với diện tích khoảng 3.000m2.

Và cũng từ cái hôm ấy, anh Phan Văn Sáu (Tư Thẹo) thuộc gia đình có truyền thống cách mạng ở lân cận với hộ nhà Tư Tý đã “tự nguyện” âm thầm chăm sóc những ngôi mộ này.

Với nhiều người dân địa phương khi đó, việc làm của anh Tư Thẹo được cho là có ý nghĩa nhân đạo hoặc hơn nữa là để tỏ lòng biết ơn những người có công với dân với nước.

Còn riêng về phần mình, anh Tư Thẹo hiểu rất rõ những gì bên trong các ngôi mộ ấy nên luôn luôn đề cao cảnh giác, kể cả người thân và bằng hữu để đảm bảo an toàn những phần mộ vô danh này bằng được.

Nghĩa địa nhân dân trên đây chỉ cách căn cứ tề xã Hựu Thành (Trà Ôn) khoảng 1km và cách Tỉnh lộ 36 (nay là Đường tỉnh 906) nên gần như luôn là vùng tranh chấp của ta và địch.

Do vậy, để tránh tai mắt bọn tay sai, anh Tư Thẹo chỉ công khai làm vệ sinh những ngôi mộ liệt sĩ này vào dịp Tết Nguyên đán hay ngày lễ Thanh minh mà thôi. Còn lại, anh hết sức bí mật khi đến kiểm tra.

Anh tâm sự: “Điều tôi lo ngại nhất về những ngôi mộ này là không chỉ có bọn giặc hay bom đạn bắn phá làm hư hại mà lỡ như có người ở địa phương qua đời được người thân đưa đến nghĩa địa này an táng mà họ chọn vị trí chôn cất cạnh những ngôi mộ liệt sĩ ấy”. Vì khi đó họ sẽ phát hiện điều bí mật mà tôi cố giữ”.

Cũng chính vì điều lo ngại này mà mỗi khi hay tin có người trong xóm qua đời, anh đều đến những gia đình này “chia buồn” và qua đó tìm hiểu ý định mai táng người thân của họ như thế nào.

Những lần biết được gia đình định đem người thân chôn cất ở nghĩa địa cạnh vườn ông Tư Tý thì anh Tư Thẹo liền lên tiếng gợi ý chọn chỗ chôn cất khác. Chính từ sự chủ động, linh hoạt ấy mà anh Tư Thẹo đã bảo đảm an toàn bí mật điều mình bấy lâu cố giữ.

Đầu tháng Giêng năm 1968, nhận chỉ thị trực tiếp của bà Nguyễn Thị Ráo (cô Ba Thi) Ủy viên BCH Trung ương Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam được Trung ương phân công về chỉ đạo tổng tấn công và nổi dậy ở Trà Vinh và Tỉnh đội Trà Vinh, anh Tư Thẹo hướng dẫn lực lượng của ta tiến hành “bốc cốt” số mộ liệt sĩ chưa tìm được họ tên này.

Dưới ánh nắng buổi sáng đẹp trời, từng bộ “hài cốt” lần lượt được đưa lên khỏi mặt đất và sau đó được mở các bao bảo hộ.

Anh Tư Thẹo và những người có mặt hết sức vui mừng vì những “hài cốt” ấy là chính những khẩu AK, P40,… và đạn dược các loại. Số lượng ở kho vũ khí bí mật này đủ trang bị cho hơn 1 tiểu đoàn bộ binh quân giải phóng.

Số lượng vũ khí ấy đã góp phần tạo thêm sức mạnh hỏa lực mặt trận tỉnh nhà để quân và dân Trà Vinh lập nên chiến thắng lịch sử “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968”. Thành tích ấy đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cho quân dân Trà Vinh 8 chữ vàng “Toàn dân đoàn kết nổi dậy lập công”.

TRỌNG DÂN

(Ghi theo lời kể của anh Phan Văn Sáu và một số cán bộ lão thành).