"Mang theo về một chút Kon Tum"(*)

Cập nhật, 06:58, Chủ Nhật, 03/12/2017 (GMT+7)

Một lần đến Kon Tum- một tỉnh của núi rừng Tây Nguyên đã làm tôi bồi hồi nhớ. Một chút Kon Tum còn vương vấn trong lòng bởi phố núi tuy không rộn ràng nhưng ấm áp; bởi những con đường chen núi đá, đá chen rừng… Thiên nhiên ban tặng cho Kon Tum một vẻ hoang sơ mà vương vấn lạ.

Một chút phố núi Kon Tum

Tôi là người có những suy nghĩ hơi lạ lẫm và thường không thích những nơi “hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng”. Có lẽ vì vậy mà ngay lần đầu đến với Kon Tum, tôi đã nhớ thương. Tôi nhớ cái vẻ đẹp bình dị của Kon Tum, cái chân tình của những người nơi phố núi.

Còn nhớ ánh mắt trầm trồ của những người con ĐBSCL lần đầu đến Kon Tum, bởi dòng sông Đăk Bla như dải lụa mềm uốn lượn, choàng ngang qua thành phố.

Càng tuyệt vời hơn khi khách sạn chúng tôi ở- khách sạn Indochine đối diện với dòng sông này. Dòng sông như một “bức họa đồ” hút hồn người, thật thích hợp cho những đôi tình nhân ngồi “nói chuyện thế gian” không biết chán.

Đêm về trên phố núi Kon Tum thật nhanh, đêm bắt đầu từ màu hoàng hôn đổ xuống không đều trên dòng Đăk Bla. Những gam màu đậm nhạt xen lẫn nhau như một bức tranh trừu tượng để cho người xem thỏa sức suy tư.

Bên ly cà phê thơm nồng của Indochine Coffe- một quán cà phê thuộc khách sạn Đông Dương, tôi thả hồn theo bài hát đậm chất núi rừng.

Lấy cảm hứng từ chiếc nơm cá úp ngược, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã cho ra đời một quán cà phê đặc trưng, nổi tiếng thế giới và lọt vào top 5 công trình của năm 2014 do Tạp chí Kiến trúc ArchDaily (Mỹ) bình chọn và đề cử.

Dòng sông Đăk Bla như dải lụa mềm uốn lượn, choàng ngang qua TP Kon Tum.
Dòng sông Đăk Bla như dải lụa mềm uốn lượn, choàng ngang qua TP Kon Tum.

Rời quán cà phê, theo thói quen của những người sống ở “vựa lúa”, chúng tôi đi tìm quán ăn nhẹ buổi tối.

Ánh mắt dò tìm và những băn khoăn vì không biết “có bị chém đẹp hay không” khiến chân muốn dừng mà cứ bước đi. Cuối cùng, chúng tôi cũng dừng chân ở một quán ăn ven đường.

Vừa mới bước vào, chị chủ quán liến thoắng giọng Bắc pha Nam: “Cháo còn nhưng gần hết thịt rồi các em nhé”! Một anh trong nhóm hỏi “Mỗi tô cháo vịt nhiêu tiền chị?”- cô chủ đáp “15.000đ”!

Thế là yên tâm ngồi ăn. Không ngờ tô cháo ấy không ít mà lại còn hơi nhiều so với những người có sức ăn vừa vừa như tôi. Còn nhớ cái vị thơm của rau tía tô, cái vị ấm của gừng xắt lát và lời chị chủ quán nói thêm: “Ở đây buôn bán thiệt tình, khách du lịch cũng như người địa phương, mấy em đừng sợ”.

Măng Đen có nhiều măng?

Thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, cách TP Kon Tum khoảng 60km. Tên gọi Măng Đen xuất phát từ tên T’măng Deeng của người dân tộc M’Nâm, có nghĩa là vùng đất bằng phẳng và rộng lớn. Không phải vì vùng đất này có nhiều cây măng mà gọi tên là Măng Đen.

Măng Đen đón chân khách bằng một rừng thông trải dài “xanh ngắt một màu”. Ở độ cao 1.100m so với mặt nước biển và nằm giữa đèo Măng Đen và đèo Violăk, với rừng nguyên sinh và ngàn thông, khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Chị hướng dẫn đoàn giới thiệu đây là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên.

Thị trấn Măng Đen khuất sau làn sương mù dày bịt mà tầm nhìn chỉ độ 20m, hôm chúng tôi đi là một ngày tháng 8, tức là không phải lạnh nhất ở thị trấn này, nhưng sương đã dày đặc, nếu giơ tay ra có thể bị ướt như mưa phùn.

Con suối Đăk Long bẻ ngoặt 2 nhánh hình chữ V, một đổ về Trường Sơn Đông và một về Trường Sơn Tây. Sương bao quanh một màu trắng sữa, đúng là “không thể nào mà xua tan mây”!

Ở đây, các khu nghỉ mát đang dần được hình thành, những căn biệt thự xinh xinh thấp thoáng dưới rừng thông. Những hàng cây mimosa lá trắng xanh ánh lên trong nắng, vài con ngựa quẩn quanh…

Khung cảnh yên bình rất Tây Nguyên. Tôi chợt nhớ mái nhà 3 gian, những hàng dừa, ruộng lúa và mấy con bò nhởn nhơ gặm cỏ rất đồng bằng.

Một phát hiện thú vị là tôi đã tìm ra được cây xà nu. Cây xà nu chính là… cây thông ba lá- một loại cây tự mọc rất nhiều ở đây.

Đến Măng Đen thì nên ghé thác Đa Sỹ. Tuy thác này không hùng vĩ như thác Dray Sáp ở tỉnh Đăk Nông nhưng lại mang không gian rất êm với tiếng thác nước rộn ràng, không ầm ầm chảy xiết.

Nếu có dịp, đừng quên tổ chức một buổi tiệc nhẹ trong rừng xà nu với một tấm bạt, mấy món đồ ăn cùng những người bạn.

Khí hậu mát mẻ dễ chịu và gần gũi giúp con người cũng cởi mở hơn. Chị hướng dẫn đoàn không quên giới thiệu: Đã đến Kon Tum rồi thì nên một lần đến Măng Đen, đi vào mùa hè hay mùa đông đều thú vị. Mùa hè được ngắm mây trời và mùa đông thì ngắm sương mù, đặc biệt nơi đây hiếm khi vượt quá 20 độ C.

Trên đường rời phố núi, chiếc xe như nhẹ tênh, bởi nó đang đổ đèo. Tôi nhớ một chút gì đó của Kon Tum ngay khi vừa rời khỏi!

(*)Một câu trong bài thơ Một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ.

Những điểm tham quan khác ở Kon Tum

Nhà rông Kon Klor tọa lạc tại một vị trí rất đẹp với con đường Trần Hưng Đạo, được xây dựng theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, tranh, lá và có những họa tiết, hoa văn trang trí rất công phu.

Cầu treo Kon Klor- cây cầu nối liền đôi bờ sông Đăk Bla huyền thoại cũng là một địa điểm không thể thiếu. Ngục Kon Tum là một di tích lịch sử nằm ở cuối con đường Trương Quang Trọng (phường Quyết Thắng).

Nhà thờ gỗ thật sự là một kiệt tác kiến trúc vô cùng độc đáo của du lịch Kon Tum mà chúng ta khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác. Chùa Bác Ái được khởi công xây dựng vào năm 1932, trên một ngọn đồi mà trước đây vốn là rừng già hoang vu.

Ngã ba Đông Dương huyền thoại là điểm tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là nơi người ta hay nói rằng, một con gà gáy cả 3 nước cùng nghe.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN