Tự hào ​​những người "chân đất" xây đời mới

Kỳ cuối: Đất không phụ lòng người

Cập nhật, 14:22, Thứ Sáu, 13/10/2017 (GMT+7)

Vượt qua những khó khăn về "giải cứu" nông sản, điệp khúc "trúng mùa rớt giá", cùng những tác động khó lường của thời tiết do biến đổi khí hậu, nhiều nông dân (ND) đã và đang noi gương Bác Hồ về tinh thần không ngừng tìm tòi sáng tạo, vươn lên làm giàu; xứng đáng là những ND thời kỳ đổi mới.

 “Bí quyết” để ông A thành công là dành nhiều thời gian, công sức để chăm bón rau màu.
“Bí quyết” để ông A thành công là dành nhiều thời gian, công sức để chăm bón rau màu.

Thành quả từ sự chăm chút cho cây

Đến thăm gia đình ông Ngô Văn A- ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ, Mang Thít, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay của gia đình ông. Từ một hộ nghèo "xơ xác", sống trong căn nhà xập xệ, hơn 1 công ruộng không đủ lo cho gia đình 5 miệng ăn  nay gia đình ông đã hoàn toàn thay đổi.

Đắn đo suy nghĩ mãi, ông A quyết định đi ghe mua bán gạch để “đổi vận”... Tích cóp được là ông mua thêm đất, kết quả được 23 công. Cách nay 10 năm, ông lại quyết định trồng màu trên đất ruộng.

Từ trong lao động sản xuất, tình yêu đối với cây trồng cũng được nuôi lớn dần theo năm tháng. Đất không phụ lòng người, ngày qua ngày, ông A “gieo” tình yêu trên mảnh đất phù sa màu mỡ, thành quả mang lại là rau màu phát triển với năng suất, chất lượng vượt trội. Cũng nhờ đó mà kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Đưa chúng tôi ra rẫy trồng củ cải trắng với củ no trò, núc ních bên dưới, phía trên là màu xanh lá cải. Phóng tầm mắt ra xa nhìn màu xanh ngút ngàn mới cảm nhận sự trù phú của vùng nông thôn.

Tại Vĩnh Long, củ cải trắng được trồng nhiều nhất ở xã Long Mỹ. Đây là một trong những cây trồng chính trong chuyển đổi màu trên đất ruộng cho thu nhập cao, giúp nhiều ND vươn lên khá giàu.

Trồng củ cải trắng sau 42 ngày là cho thu hoạch, nếu để lâu dễ bị "bợp ruột, vàng đầu". Nhiều ND ở xã đã trồng loại củ này để tận dụng vòng quay của đất (4 vụ/năm), sau đó thì chuyển sang các loại màu khác để đổi bộ rễ.

Điều đặc biệt là củ cải trắng cũng khá “đỏng đảnh”, chỉ thích hợp trong mùa nắng và vùng đất có độ tơi xốp như Long Mỹ. Cây cho củ to tròn, năng suất 2- 3 tấn/công. Hiện giá bán 10.000- 12.000 đ/kg, lãi khoảng 20 triệu đồng/công. Mỗi đợt thu hoạch còn tạo việc làm cho 30 lao động và cả những hộ mua bán lân cận.

Theo ông A, trồng củ cải trắng mùa này sẽ có giá cao vì một số tỉnh bạn đang bị ảnh hưởng bởi mùa nước nổi. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường, việc chăm sóc cải cũng khá vất vả. Chỉ tay xuống ruộng, ông A nói: "Đêm qua mưa lớn hết biết, hai cha con tui thức trắng bơm nước để cứu củ cải đó. Hỏng trở tay kịp thì sẽ bị úng nước, thúi củ hết".

Giữa ruộng củ cải, ông A cất nhà tiền chế lợp tôn, tráng xi măng để làm nơi sơ chế củ cải và là chỗ cho mọi người ăn cơm, tránh nắng trưa oi bức.

Chủ tịch Hội ND xã- Võ Hiếu Nghĩa xuýt xoa: "Cái chòi bê tông của ông A là điểm văn nghệ lý tưởng sau mỗi vụ mùa, tha hồ ca hát giữa ruộng đồng”. Anh Chín- một nhân công khoe: "Tối mai mọi người tụ họp nè, hùn tiền hết rồi, đem loa, bật 4G là hát vô tư".

Với suy nghĩ "cây màu làm giàu nông hộ", ông A đã mạnh dạn chuyển đất trồng lúa sang trồng các màu như khoai mỡ, củ cải, dưa hoàng kim… Ông cho biết, sau khi chia cho các con, hiện tui còn 12 công đất trồng màu luân canh, thu từ 400- 650 triệu đồng/năm, lãi trên 70%.

Học theo Bác từ sự tận tâm

Theo ông Võ Hiếu Nghĩa, điểm khác biệt của ông A so với nhiều ND khác là luôn ghi nhật ký gieo trồng, sử dụng phân thuốc đúng liều lượng và canh thời điểm nào có giá mới xuống giống.

Điều đặc biệt là ông A trồng màu không bao giờ lỗ. Bà con tới hỏi thì ông luôn tận tình chỉ dẫn. Ông là 1 trong 24 hộ ND trong xã đang áp dụng quy trình trồng củ cải trắng theo chuẩn VietGAP và sử dụng phân hữu cơ vi sinh, từng bước sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ông cũng rất tích cực xắn tay tham gia các phần việc do địa phương phát động.

Học theo Bác Hồ, ông A luôn học hỏi, tìm những cách làm mới, trồng những cây màu được thị trường ưa chuộng để dễ tiêu thụ.
Học theo Bác Hồ, ông A luôn học hỏi, tìm những cách làm mới, trồng những cây màu được thị trường ưa chuộng để dễ tiêu thụ.

Học theo Bác về tinh thần cầu tiến, ông A luôn học hỏi, tìm những cách làm mới, trồng những cây màu được thị trường ưa chuộng để dễ tiêu thụ. Ông A cho biết, thu hoạch xong vụ củ cải này, ông sẽ trồng dưa hoàng kim để bán tết.

Chia tay ông, chúng tôi hứa sẽ quay về khi ruộng hoàng kim cho trái no trò và ánh lên màu vàng tươi tốt của sự trù phú, giàu có.

Ông A cũng như nhiều ND khác đã để lại cho chúng tôi ấn tượng đẹp về tình yêu dành cho mảnh đất phù sa quê nhà.

Dù còn đó những khó khăn mà người dân phải đối mặt về diễn biến thời tiết thất thường, giá cả đầu ra chưa ổn định, nhưng chúng tôi vẫn đọng mãi lời nói của ông A:

“Dù rau màu có rớt giá, tui vẫn không nản, vẫn chăm chút trong điều kiện tốt nhất, mình cố gắng làm để có năng suất cao nhất, vì ít ra sản lượng tăng sẽ kéo theo một phần lợi nhuận”. Hỏi về dự định sắp tới, ông A nói: “Tôi yêu đám rẫy của mình lắm, nên còn sức tui sẽ tiếp tục làm”.

Có thể nói, trong lúc ND còn nhiều trăn trở về cái nghề quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà thành quả thu về không như mong đợi.

Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, người ND cũng nên tự trang bị cho mình kiến thức về khoa học kỹ thuật, không chỉ làm nâng cao sản lượng mà còn chú trọng đến chất lượng, sản xuất theo quy trình để đảm bảo an toàn cho cả bản thân và người tiêu thụ.

Hơn bao giờ hết, nếu chúng ta làm việc với tình yêu và sự nhiệt tâm thì mảnh đất chúng tay đang cày xới, vun trồng sẽ không phụ lòng ta. Để từ đó, chúng ta thêm tự hào về nghề nông của mình.

 

 

Ông Nguyễn Thanh Trang- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh (ảnh), phong trào ND thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng

 

NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội; đã được triển khai sôi nổi, sâu rộng và có hiệu quả thiết thực; góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả lao động, đất đai trên cùng diện tích canh tác.

 

Nhiều ND cũng đã ý thức được lợi ích sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng hàng hóa với lợi nhuận cao. Qua phong trào đã xuất nhiều gương sáng, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, năng động và nghĩa tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để giúp nhau “giàu thêm” như lời dạy của Bác Hồ. 


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN