Những lớp học tình thương nơi biên giới

Cập nhật, 06:04, Thứ Bảy, 09/09/2017 (GMT+7)

Lớp học mượn điểm cũng là các trường tiểu học nhưng dạy vào ban đêm, học sinh 7 tuổi có, 14- 15 tuổi có… cùng ngồi học chung kiến thức từ lớp 1- 4. Thầy giáo là các anh bộ đội, ngày làm nhiệm vụ, tối tối lại đến gieo chữ cho con em “Việt kiều” Campuchia về đây sinh sống.

Thầy dạy em từng con chữ…
Thầy dạy em từng con chữ…

Đó là những lớp học tình thương mà khi đến, khi đi chúng tôi đều cảm thấy nao lòng. Bởi cái các em cần, điều thầy mong là ước mơ được học chính quy còn xa xôi lắm!

Thầy giáo quân hàm xanh

Trong khi mọi trẻ em Việt Nam đều được đến trường, thì các em “Việt kiều” Campuchia từ biển Hồ trôi dạt về vùng biên giới tỉnh Long An này không có được một loại giấy tờ nào: không khai sinh, không chứng minh, không hộ khẩu, không biết nguồn gốc ông bà… và không thể đến trường bình thường như những trẻ em khác.

Đó là lý do mà lớp học tình thương được các đồn biên phòng mở và chiến sĩ trở thành thầy giáo quân hàm xanh.

Thâm niên hơn 10 năm ở đồn Bến Phố, Thiếu tá- Chính trị viên Đồn biên phòng Hoàng Văn Dũng cũng từng là một trong những thầy giáo quân hàm xanh.

Thầy nhớ những ngày vận động con em “Việt kiều” đi học, gia đình bắt thầy cam kết “đủ thứ” vì ý thức cho con đi học chưa cao.

Rồi những lớp học trò đầu tiên năm 2012 nói tiếng Việt không rành, giao tiếp còn khó khăn, có những học trò chỉ kém thầy một tuổi…

Trung tá Hoàng Văn Dũng cho biết việc mở lớp khó khăn, nhưng “không thể chờ đến khi có thể nhập tịch, nhập khẩu, có giấy khai sinh để đi học, những đứa trẻ này cần biết chữ”.

Còn Đồn biên phòng Tuyên Bình mở lớp học tình thương từ năm 2012 đến nay. Thượng úy Đào Đình Luyện dạy học cho các em từ những ngày đầu được chuyển vào đây công tác.

Ấn tượng đầu tiên của thầy giáo quân hàm xanh là những vất vả của học trò “ngày đi bán vé số, phơi lục bình, tối đi học”- nên thầy Luyện “càng thương các em nhiều hơn và cố gắng dạy tốt hơn”.

Anh binh nhì Nguyễn Hoàng Khang- thầy giáo đã dạy 8 tháng cho lớp học này- cũng chạnh lòng trước những ánh mắt ngây thơ.

Cũng có những lúc bực mình vì các em quá chậm tiếp thu, tôi lại trấn an bản thân “vì các em còn thiếu nhiều thứ quá, các em lớn rồi mới được đến trường…”

Lớp học tình thương nơi biên giới.
Lớp học tình thương nơi biên giới.

Rồi thầy Khang lại thấy thương các em hơn nữa vì “các em chỉ học ở đây cho biết chữ đến hết tiểu học, chứ không thể đến trường học tiếp lên những lớp sau”.

Niềm vui của các thầy giáo quân hàm xanh là sự tiến bộ của học trò, các em chẳng những biết chữ mà nhiều em còn ham học và học giỏi.

Trung tá Hoàng Văn Dũng cười thật tươi: “Vừa rồi, tôi gặp lại cậu học trò, cậu ấy mời tôi hát karaoke và khoe với tôi nhờ thầy mà em biết chữ”.

Nhen niềm hy vọng qua con chữ

Trời nhá nhem tối, những học sinh của lớp học tình thương lần lượt đến trường. Đa phần các em tự đi bộ hoặc đi xe đạp. Có những em cuốc bộ hơn 3km để đến trường.

Học sinh các lớp này thường đi học sớm, vì các em còn tự làm vệ sinh lớp học sân trường và đi học sớm cũng là dịp các em vui chơi với nhau sau một ngày lao động.

Lương Thị Thảo- học sinh được các thầy giới thiệu là chăm ngoan nhất lớp, bẽn lẽn cười, nói nhỏ: “Con đang học lớp 4. Con thích đi học lắm, khi nào bệnh nhiều con mới nghỉ”.

Thảo cũng như nhiều học sinh lớp này, gầy ốm và đen. 14 tuổi, Thảo mới nặng gần 30kg, ban ngày em cắt lục bình phơi để bán, tối tối đến lớp học.

Cha mẹ Thảo làm nghề chài lưới kiếm sống qua ngày. Thảo cười khoe: “Cả nhà em chỉ mình em biết chữ!”

Trên trang vở chi chít chữ ngay ngắn, em Đỗ Văn Châu (12 tuổi) đang chép bài chính tả lớp 2. Mỗi ngày, em đi xe đò ra chợ Mộc Hóa bán vé số, khi nào bán hết lại đón xe từ Mộc Hóa về huyện Vĩnh Hưng này.

Châu đi học với đôi chân trần, đầu tóc cháy nắng nhưng nụ cười vẫn nở trên môi: “Ba má khoái con đi học lắm, anh chị con đã không biết chữ rồi. Giờ con viết được tên cả nhà, đánh vần đọc sách được”.

Hầu hết trẻ em “Việt kiều” đều được đến với lớp học tình thương. Nhưng một điều khá buồn lòng là ý thức của nhiều gia đình “Việt kiều” còn chưa tốt. Mọi việc học tập phải nhờ các thầy giáo quân hàm xanh nhắc nhở, chăm lo.

Thầy cho sách vở, cho tập, thầy động viên nhắc nhở đi học, thầy lo chuyện đi lại… Bởi vì, các thầy nhận lớp tình thương bằng cả trái tim, tinh thần trách nhiệm của người thầy dạy cho các em về văn hóa, lễ nghĩa ở đời. Thầy giáo cũng là chiến sĩ bảo vệ các em.

Ra về, những ánh mắt đen lay láy cứ níu chân chúng tôi với lớp học này. Các em còn cần nhiều hơn những lớp học tình thương.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng cho biết: “Hầu hết gia đình các em không nhập tịch được vì không có đủ các giấy tờ theo quy định pháp luật”.

Tuy vậy, hiện nay một số học sinh đã được cấp giấy khai sinh. Thầy giáo, học sinh và tất cả bà con “Việt kiều” nơi đây vẫn mong có một chính sách mới cho con em của mình được đến trường chính quy, được học hành đến nơi, đến chốn.

Đến nay, Đồn biên phòng Bến Phố vẫn duy trì lớp học tình thương với 19 học sinh. Đồn biên phòng Tuyên Bình sau 5 năm thành lập, học viên cũng tăng từ 29 lên 48 em. 

Trung tá Đỗ Văn Long- Chính trị viên Đồn Tuyên Bình- cho biết: “Đến nay, có cả thảy là 4 lớp, từ lớp 1- 4. Lớp học mở vào các buổi tối trong tuần, học từ 18 giờ 30- 20 giờ 30 và “chỉ nghỉ 3 ngày tết!”

Bài, ảnh: NHÓM PV VĂN HÓA- XÃ HỘI