Dọc miền phên giậu Tây Nam Tổ quốc

Cập nhật, 07:27, Thứ Bảy, 23/09/2017 (GMT+7)

Hành trình dọc miền biên giới Tây Nam Tổ quốc, bắt đầu từ cửa khẩu Bình Hiệp (Long An), qua các địa bàn tỉnh Đồng Tháp, An Giang cho tới cột mốc cuối cùng trên đất liền của đất nước- cột mốc 314 thân thương, thuộc địa bàn ấp Xà Xía (xã Mỹ Đức, TX Hà Tiên- Kiên Giang).

Từ đây, là hành trình trên biển ra thăm quần đảo Hải Tặc, thuộc xã đảo Tiên Hải (TX Hà Tiên)- một vùng nước lịch sử do chưa phân định ranh giới, nên được khai thác chung giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.

Một hành trình để lại những khoảnh khắc khó quên, với hình ảnh những người lính biên phòng lặng lẽ ngày đêm, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và sự bình yên của người dân vùng biên giới.

Hơn thế nữa, đó là nhiệm vụ xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo sự gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau giữa chính quyền địa phương và nhân dân 2 nước.

Kỳ 1: Tình quân dân vùng biên

Bộ đội Đồn Biên phòng Long Khốt giúp dân cứu lúa.
Bộ đội Đồn Biên phòng Long Khốt giúp dân cứu lúa.

Trong thời gian ngắn ngủi “cùng ăn, cùng ở” với bộ đội, chúng tôi cảm nhận nhiều điều, nhưng sâu sắc nhất là mối quan hệ gắn bó, gần gũi như máu thịt giữa bộ đội biên phòng và người dân nơi đây.

Đó chính là mối quan tâm, lo lắng, tình cảm chân thật từ sâu thẳm trái tim người lính, đã bao trùm lên mọi công tác, nhiệm vụ. Bộ đội giúp dân học chữ, giúp dân mưu sinh, giúp dân chữa bệnh, giúp dân cứu lúa,…

Tình cảm ấy được khơi dậy, lan tỏa qua tận bên kia biên giới. Ngược lại, người dân chính là “tai mắt” cho bộ đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn, nặng nề của mình, là từng phút, từng giây giữ vững sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Quân với dân như cá với nước

Chúng tôi về vùng biên giới Long An, giữa những ngày mưa bão liên miên “dắt dây” từ tháng 7 sang đến những ngày đầu tháng 8, xen kẽ là những ngày nắng gay gắt như thiêu đốt nơi vùng biên viễn xa xôi. Giữa lúc công tác bận rộn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An vẫn thu xếp, phân công lịch tiếp chúng tôi chu đáo.

Thật ngắn gọn, chúng tôi trình bày về chuyến công tác thực tế tại vùng biên giới này, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An- Đại tá Nguyễn Văn Quan nhắc ngay: Mùa nước về sớm, một số diện tích lúa có nguy cơ mất trắng, bộ đội biên phòng đang giúp dân cắt lúa chạy lũ mấy ngày nay.

Nhà báo hãy trực tiếp vào trong Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng) ngay đi. Vậy là chúng tôi tức tốc lên đường, hướng về phía cửa khẩu Bình Hiệp, chạy dọc theo con đường tuần tra cắt qua những cánh đồng lúa mênh mông.

Đây là khu vực đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc, lâu lâu mới thấy xuất hiện những xóm nhà xa xa bên kia biên giới, còn ruộng lúa 2 bên cột mốc thì như canh tác đồng thời, liền mí và “chín đều” như nhau.

Người dân quanh khu vực biên giới vẫn qua lại hàng ngày thăm thân nhân, trao đổi hàng hóa, mỗi sáng sớm nhiều người dân bên nước bạn Campuchia còn sang đây khám chữa bệnh. Cảm giác như “hàng xóm”, thân thuộc láng giềng.

Hết đoạn đường xe ra ngoài hệ thống đê bao, chúng tôi ngồi tắc ráng một đỗi, trước mắt hiện ra đồng nước nổi mênh mông trắng xóa. Quá 12 giờ trưa vẫn còn hàng chục anh bộ đội đang trầm mình cắt lúa, nhóm thì ôm lúa lên bờ, thay phiên những người đang ngồi bệt ngoài sân dùng vội chén cơm trưa giữa trời chang chang nắng.

Đại úy, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Long Khốt- Phạm Khắc Thụ cho biết: “Năm nay, con nước về sớm quá nên mấy chục hecta lúa của bà con nằm ngoài đê không kịp trở tay. Ngay khi được tin dân báo, chúng tôi đã phân công 150 đồng chí đến đây hỗ trợ. Hôm nay là ngày thứ tư, cũng là ngày cắt lúa xong. Chiều nay chúng tôi sẽ tuốt lúa cho bà con”.

Đồn biên phòng là điểm đến của người dân mỗi khi cần cứu trợ khẩn cấp, bộ đội như “điểm tựa” từ những chuyện giãi bày tâm tư tình cảm gia đình, cho đến việc mưu sinh, phát triển kinh tế.

Không khó để nhận ra những trăn trở, suy tư từ các cán bộ sĩ quan, đến những người lính khi thấy bà con Việt kiều từ Campuchia về có cuộc sống khó khăn, không giấy tờ hợp lệ, con cái không được đến trường.

Ngôi làng di dân tự do từ bên biển Hồ về, mà mọi người thường gọi làng “Việt kiều” nằm trên khu dân cư vượt lũ với những căn nhà nhỏ xíu tạm bợ, mái lá thấp lè tè làm cho cái nắng biên giới càng thêm oi bức, hầm hập.

Trong những căn nhà không đầy 30m2 ấy là gia đình có khi đến cả chục người. Trung tá Đỗ Văn Long- Chính trị viên đồn Tuyên Bình (Long An) cho biết: “Làng “Việt kiều” ở đây có 32 hộ dân với 168 nhân khẩu. Khó khăn lớn nhất của bà con là không chứng minh được nguồn gốc để nhập tịch, nên con em họ không được đến trường”.

Thương những em nhỏ, không nỡ để thêm một thế hệ tương lai mờ mịt như cha mẹ, ông bà chúng, năm 2012, bộ đội các đồn biên phòng Long An mở lớp học tình thương miễn phí mỗi tối cho trẻ em trong làng.

Tầm 6 giờ tối, học sinh đã có mặt đông đủ ở lớp học tình thương. Những gương mặt ngây thơ đen đúa vì nắng. “Mỗi ngày con đi bán 60 tờ vé số, xong mới về nhà”- em Dương Văn Nhiều (9 tuổi) đang học lớp 1 khoanh tay lễ phép, nói nhỏ.

Cũng như Nhiều, những trẻ em ở làng “Việt kiều” phải mưu sinh từ sớm. Nhiều em mê đi học nên khó khăn cũng không chịu nghỉ. “Có khi con bán vé số tới xổ mới hết, chạy vọt về nhà ăn cơm là đi học liền”- Nhiều nói như khoe.

Mọi sinh hoạt của bà con Việt kiều như gắn liền với bộ đội. Từ chuyện con cái đi học lớp tình thương, rồi làm giấy khai sinh cho những bé sinh ở Việt Nam… đều do bộ đội biên phòng giúp đỡ.

Chị Hồ Thị Thúy (27 tuổi) đã có 3 con, bé lớn nhất 7 tuổi đã đi học lớp tình thương và 2 bé nhỏ lần lượt là 4 tuổi và 3 tháng tuổi. Chị Thúy cùng gia đình về vùng đất này từ những năm 2012, không hề có một tờ giấy lận lưng, cũng không rõ nguồn gốc, ông bà, quê quán.

Khi được hỏi chị về việc học của các con, chị cười tin tưởng: “Khi nào mấy chú kêu thì tui cho con đi học liền”. Từ ngày được đi học, các em ngoan hơn, biết khoanh tay “dạ, thưa” với thầy giáo, người lớn và đây là cái được lớn nhất ngoài chuyện mang lại chữ nghĩa cho các em”.

Biên giới là quê hương

Ở Đồn Biên phòng Bến Phố (Long An), lớp đầu tiên được mở khá sớm từ năm 1995, ở Ấp 1 (xã Hưng Điền A) gồm 21 học sinh. Học trò của các thầy giáo quân hàm xanh rất đặc biệt, có những em còn nhỏ xíu, nhưng cũng có những học sinh 17- 18 tuổi, có người tóc đã hoa râm.

Lớp học thường bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc lúc 21 giờ, do ban ngày học sinh phải ra đồng phụ giúp gia đình.

Thầy giáo quân hàm xanh, tình nguyện vì học trò.
Thầy giáo quân hàm xanh, tình nguyện vì học trò.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng- Chính trị viên Đồn biên phòng Bến Phố nhớ lại: “Hồi đó, địa bàn đồn quản lý rất heo hút, nước ngập trắng đồng, đường sá lầy lội, đi lại chủ yếu bằng xuồng. Hàng ngày cứ đến 17 giờ là đơn vị lại “đặc cách” cho cán bộ đứng lớp ăn cơm sớm để còn... bơi xuồng đi đón học sinh kịp giờ lên lớp”.

Đến hết năm 1998, đơn vị hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học cho nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, đồn đang duy trì 1 lớp học tình thương ở Trường Tiểu học Ấp 2, xã Hưng Điền A, với 7 học sinh, chủ yếu là con em Việt kiều về nước”.

Trên địa bàn ấp Ô Mái Dầm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng), Đồn Biên phòng Bến Phố có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới (với Campuchia) gồm 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A, với hơn 2.200 hộ dân.

Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, một số ít làm nghề đánh bắt cá trên sông nước.

Câu chuyện xoay sang hướng... riêng tư chút, khi chúng tôi muốn biết duyên cớ nào, anh bộ đội gốc Hà Nội mới ra trường được phân công về vùng đất heo hút này hồi 20 năm trước, cứ ngỡ phải chia tay người yêu đang là sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội. Vậy mà, gia đình nhỏ hạnh phúc ấy đã gắn bó với nơi đây như quê hương thứ hai bao nhiêu năm nay!

Câu chuyện trở về với những năm 1990, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng bồi hồi nhớ lại: “Đó là mùa nước nổi hơn 20 năm trước, đồng trắng xóa một màu nước. Tôi và những đồng chí khác từ đường lộ huyện lên ghe chạy vào đồn hết 2 giờ mới tới”.

Chàng thanh niên Hà Nội lần đầu tiên biết thế nào là mùa nước nổi miền Tây, cái thời còn quá hoang sơ vắng vẻ, đâu được đông đúc người dân như bây giờ.

Trong bức thư đầu tiên chàng thanh niên gửi cho người yêu là lời nhắn “Vì yêu em… nên anh phải bỏ em”.

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng tâm sự: “Người yêu của tôi là một cô gái Hà Nội đang là sinh viên sư phạm, tôi không thể để cô ấy chờ đợi và cũng không dám trông mong cô ấy về sống ở vùng đất heo hút, lại thêm mùa nước nổi chơi vơi trời nước này”.

Rồi anh vui vẻ đọc bài thơ tự trào của cái thuở ban đầu chạm mặt với đồng nước miền Tây: “Bến Phố mà chẳng thấy phố đâu/ Lục bình trôi nổi kiếp nông sâu…”

Chuyện tình ấy ngỡ đã kết thúc, nhưng không ngờ sức mạnh tình yêu thôi thúc cô gái Hà thành đã vào tận Đồn Biên phòng Bến Phố để thăm người yêu và chứng kiến những khó khăn nơi đồn biên giới xa xôi, heo hút.

Đó là những bận hành quân phải lột quần vắt vai vì đường bùn sình lầy lội. Đó là những bữa cơm mà rau cải được mua từ vài hôm trước vì mỗi lần muốn mua thức ăn phải ra chợ huyện mà con đường ra chợ phải mất mấy tiếng ngồi đò.

Chỉ tay ra ngoài trời, Thiếu tá Hoàng Văn Dũng nói thêm: “Tầm 6- 7 giờ tối là không thấy đường, vơ tay vớt một cái là được một nắm muỗi”. Tình yêu ấy đã biến Bến Phố thành quê hương thứ hai của đôi vợ chồng trẻ. Cô sinh viên đất Hà thành- Nguyễn Thị Thùy Linh quyết định về đây lập nghiệp.

Câu chuyện hạnh phúc riêng tư của Thiếu tá Hoàng Văn Dũng như chính là biểu tượng đẹp của tình yêu người lính đối với vùng đất biên giới xa xôi này; cùng với nhiệm vụ nặng nề của người lính biên phòng, chính là tấm lòng, sự gắn bó thân thiết với từng phận người, từng gia đình trong cộng đồng đặc biệt này.

Có những chuyến công tác dân vận hàng tháng trời, bám sát địa bàn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân, càng làm cho mối quan hệ quân- dân trở nên gần gũi, máu thịt và một khi “đất bỗng hóa tâm hồn”, thì biên giới trở thành quê hương của những người lính mang quân hàm xanh.

 

Điểm sáng của các đồn biên phòng Long An ngoài công tác tuyên truyền nhân dân không tham gia buôn lậu, Bộ đội biên phòng còn tham gia phát triển kinh tế văn hóa, phổ cập giáo dục… Qua đó, xuất hiện những thầy thuốc quân hàm xanh, mô hình tiếng kẻng vùng biên, lớp học tình thương.

Tuy nhiên, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp vẫn chưa phát triển được du lịch vì không liên vận được, rất cần sự vào cuộc thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của 2 nước Việt Nam- Campuchia.

 

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN- KHÁNH DUY