Nặng nghĩa tình một thời sơ tán

Cập nhật, 04:49, Thứ Bảy, 05/08/2017 (GMT+7)

Vài tháng nữa là tròn 45 năm ngày giặc Mỹ ném bom điên cuồng liên tục trong 12 ngày đêm xuống Thủ đô Hà Nội, cũng là kết thúc thất bại của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc kéo dài từ năm 1965 đến năm 1972.

Cùng với hơn nửa triệu dân Hà Nội, ngày ấy gia đình tôi sơ tán về Hà Bắc (thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành- Bắc Ninh ngày nay).

Chen lẫn giữa những ký ức tàn khốc, ác liệt của thứ chiến tranh hủy diệt từ các pháo đài bay B.52 rải thảm kinh hoàng xuống Thủ đô trong suốt 12 ngày đêm, 45 năm qua, tôi nuôi giữ những kỷ niệm với biết bao tình cảm yêu thương trong những tháng ngày gia đình tôi sơ tán về nhà mẹ Đọ ở thôn Liễu Khê (Hà Bắc).

Căn nhà và cái sân gạch ngày xưa vẫn được giữ nguyên vẹn, dù gia đình có xây dựng thêm nhà mới.
Căn nhà và cái sân gạch ngày xưa vẫn được giữ nguyên vẹn, dù gia đình có xây dựng thêm nhà mới.

45 năm trở lại vùng sơ tán Hà Bắc

Hàng xóm gọi là bác Đọ hay bà Đọ là gọi theo tên con gái lớn. Bà có 4 người con là: chị Đọ, chị Nhượng, chị Đô và anh Sỹ. Gia đình tôi có 8 người: ba tôi (BS Nguyễn Hồng Trung) và mẹ Huệ cùng đang công tác tại Trường Nguyễn Ái Quốc, phân hiệu III, với 5 anh em tôi và anh Việt- con của người cô thứ chín.

Lúc đó, tôi vừa 8 tuổi, Út Thiện mới 1 tuổi còn bế trên tay. Vậy đó, với “dân số” áp đảo, gia đình tôi được ưu tiên những chỗ ngủ, điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong căn nhà 3 gian cất theo kiểu xưa truyền thống Bắc Bộ.

Ngoài ra, có một dãy nhà phụ cất thành hình chữ “L”, phía trước là khoảng sân gạch rộng thênh thang, thỉnh thoảng là nơi tụ họp pha trà, ăn uống chung của 2 gia đình vào những đêm trăng sáng.

Trong những cán bộ thuộc Trường Nguyễn Ái Quốc sơ tán về Liễu Khê, được phân về các nhà dân thì gia đình tôi được ở nơi “tốt nhất” mà mọi người hay “tỵ”: “Gia đình ông Trung sướng thế, được ở nhà bà Đọ”.

Đây cũng là gia đình đã nuôi chứa, bảo vệ Đại tướng Văn Tiến Dũng trong thời gian dài. Có lẽ do ba tôi là bác sĩ, còn mẹ tôi thì phụ trách tài mậu giữ tiền bạc của cơ quan, nên được ưu tiên chỗ ở tốt vậy thôi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả gia đình tôi trở về quê hương Vĩnh Long. Sau bao nhiêu lần đổi thay, chia tách các đơn vị hành chính huyện, tỉnh trong cả nước, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với nhau, nhưng trong lòng vẫn đau đáu không nguôi nhớ về nơi chốn ấy.

Rất cảm ơn cô tổng đài viên của tỉnh Bắc Ninh đã tự lần dò, thăm hỏi giúp, cho tới một ngày tôi được nghe giọng nói của anh Sỹ qua điện thoại, để rồi đúng 45 năm trôi qua, tôi được đặt chân trở lại cái sân gạch ngày xưa, những đứa trẻ của một thời sơ tán giờ đã bạc tóc hết rồi.

“Gia đình thứ hai của tôi”

Sơ tán không phải là “chạy giặc”, không phải là “tản cư” như ở Nam Bộ, đó chính là một phần đặc biệt trong toàn bộ chiến lược đặc biệt mà Đảng ta, quân đội ta, nhân dân ta ứng phó với chiến tranh hủy diệt của giặc Mỹ.

Nếu “tản cư” là sự né tránh vùng bom đạn, giặc giã một cách thụ động và tự phát, thì sơ tán là một sự ứng phó linh hoạt, sáng tạo tuyệt vời để hạn chế thiệt hại về người và của, nhưng vẫn đảm bảo mọi sinh hoạt của người dân, cũng như hoạt động của các cơ quan, đơn vị tiếp tục hoạt động, bên cạnh sự chiến đấu của quân đội.

So với tiêu thổ kháng chiến, thì nó vượt trội hơn hẳn, trong tình huống đặc biệt khi mà hậu phương lớn miền Bắc phải luôn đảm bảo đủ sức chi viện cho cả chiến trường miền Nam.

Hồi nhỏ tôi không hiểu, nhưng có lẽ cái ý nghĩa to lớn, thiêng liêng đó đã được lan tỏa, thấm sâu vào từng gia đình, từng người dân đã giúp cho cuộc sơ tán được tiến hành một cách trọn vẹn nhất, thành công nhất và với riêng tôi, sơ tán là một miền ký ức tuổi thơ rất lạ lùng, nó như dòng suối nhỏ êm đềm với biết bao kỷ niệm thân thương, lặng lẽ, an nhiên trôi qua giữa những ngày đạn bom ác liệt ấy.

Tôi cũng thực sự bất ngờ với tình cảm mà cả gia đình bà Đọ đã dành cho chúng tôi trong những ngày tháng ấy và nó vẫn luôn được mọi người trân trọng gìn giữ tròn đầy trong suốt gần nửa thế kỷ qua.

Không thể nào quên cái khoảnh khắc tôi và chị Đọ gặp nhau giữa phố cổ Hà Nội, khi chị đánh ôtô lên đón. Chúng tôi nhận ngay ra nhau dù chị đã 65 tuổi rồi, tóc đã bạc nhiều.

Chúng tôi ôm nhau ríu rít như những đứa trẻ ngày nào, mà nước mắt cứ rưng rưng. Cũng như cảm xúc trào dâng khi bước chân vào cái sân gạch ngày xưa, bao nhiêu kỷ niệm ùa về nghe như có mùi ổi chín bên nhà, cây ổi mà ngày ấy anh Sỹ hay trèo hái nhường hết cho anh em chúng tôi ăn.

Bà Đọ đã 90 tuổi, vẫn nhớ và thăm hỏi từng người trong ấy, cả nhà quây quần, chỉ thiếu gia đình chị Đô đã theo chồng vào Nam lập nghiệp.

Trên bàn trà giữa nhà, có chiếc lọ thủy tinh sẫm màu trông... quen quen, anh Sỹ nhắc: “Đó là cái lọ ông Trung tặng ngày xưa, vẫn đựng chè tốt cho đến giờ đó”...

Hồi ấy, nhà bà Đọ chỉ có mấy sào ruộng trồng đậu phộng và khoai tây, dưới chái có cái gác bếp để dành khoai tây trên đó. Cả 2 gia đình nấu cơm riêng, nhưng bao giờ chúng tôi cũng sẻ nửa đồ ăn cho nhau.

Thỉnh thoảng, bà Đọ hay làm bánh đúc và mọi người ra sân quây quần ăn vào những đêm trăng sáng. Ngon nhất, vẫn là những vại cà pháo, cà bát do chính tay bà Đọ làm để dành ăn quanh năm.

Quyến luyến chia tay nơi đầu ngõ.
Quyến luyến chia tay nơi đầu ngõ.

Anh Sỹ nhắc về những đứa trẻ ngày ấy. Thật lạ lùng, khi còi báo động hú vang trời, người lớn hò hét lo xuống hầm thì chúng cứ thích chạy ra xem pháo cao xạ giăng lưới lên bầu trời, thích ngắm pháo sáng, sướng nhất là đếm coi có bao nhiêu máy bay giặc bị bắn rơi.

“Những chiếc máy bay rơi, cháy rực trên bầu trời... đẹp như những chùm pháo hoa vậy”- anh Sỹ nhắc lại những kỷ niệm đặc biệt của những đứa trẻ thời sơ tán. Những đứa trẻ tự biết đan mũ rơm, tự biết cách tránh bom và xem đó như là một phần rất... bình thường trong sinh hoạt hàng ngày.

Tiếc là tôi không được ngủ lại nhà bà Đọ để anh Sỹ có cơ hội tự đi bắt nhái về làm món “chả nhái” ngày xưa. Tiếc là ba mẹ tôi vì tuổi cao nên không có điều kiện ra thăm ngoài ấy.

Ba tôi nhắn nhủ một lời: “Dù có đi đâu, sống ở đâu thì nhà bà Đọ vẫn luôn là gia đình thứ hai của mình”. Vì lẽ đó, không cớ gì mà mai này anh em chúng tôi sẽ không tiếp tục có những chuyến đi về quê hương Hà Bắc, để sống lại với những ký ức của những tháng năm sơ tán ngày xưa.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CHÍ THÂN