Hà Giang- một lần đến

Cập nhật, 14:40, Thứ Ba, 22/08/2017 (GMT+7)

 

Cảm nhận tình yêu Tổ quốc dưới chân cột cờ Lũng Cú.
Cảm nhận tình yêu Tổ quốc dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Trong tâm thức người dân Việt, Lũng Cú đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào về chủ quyền thiêng liêng nơi cực Bắc của Tổ quốc; vì thế một lần trong đời đặt chân đến mảnh đất này, luôn là nỗi khát khao, niềm ao ước lớn.

Với riêng tôi, sự ngóng vọng như một chuyến hành hương còn tăng lên gấp bội, sau bao lần lỡ hẹn với Hà Giang.

Sau bao lần lỡ hẹn

Còn nhớ cách đây hơn 22 năm rồi, trong lần đầu tiên đặt chân lên vùng cao Tây Bắc, chúng tôi đặt mục tiêu “đi săn” chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) và đến thăm nhà Vua Mèo, thời đó đường sá khá tệ nên giao thông thật sự là nỗi kinh hoàng trên vùng rừng núi vô cùng hiểm trở này.

Sau những ngày lang thang lên thị trấn nhỏ Bắc Hà, “đu” xe tải của bộ đội hậu cần lên tận Xi Ma Cai, thời đó còn một chợ trâu thuộc loại lớn nhất nước.

Đường sá qua những cung đèo dựng ngược lại khá hẹp và thật... mong manh, cứ mỗi cơn mưa lớn là có thể xảy ra lở vách đá, bứt đường bất cứ lúc nào, do đó mà hành trình chỉ dừng lại ở Bắc Hà (Lào Cai). Sau đó, là thêm nhiều lần trở lại Tây Bắc, nhưng sao đường lên Hà Giang cứ như “lẩn tránh” mọi hành trình.

Những ngày cuối tháng 6, tin bão lũ liên tục, thời tiết hình như không chiều lòng người, mấy nhân viên của Sinh Tour (Hà Nội) còn khuyên chúng tôi không nên lên Hà Giang mùa này vì chưa thuận lắm, chưa phải mùa hoa tam giác mạch, chưa phải mùa ruộng bậc thang vào thời điểm đẹp nhất, mà trời âm u thế này cũng khó có được những khuôn hình đẹp...

Rất nhiều lý do để thay đổi hành trình, nhưng trong tôi chỉ có một lý do duy nhất: Phải đến được Hà Giang, đến được cột cờ Lũng Cú ít nhất một lần
trong đời.

Những năm gần đây, dân phượt cả Tây lẫn ta đua nhau đổ đường về Tây Bắc rất đông, bởi sự quyến rũ của vùng văn hóa độc đáo cùng với cảnh sắc núi rừng hùng vĩ là sức hút mãnh liệt.

Trong đó, Mã Pì Lèng được liệt vào một trong “tứ đại đèo”, đủ để thách thức mọi tay lái của các phượt thủ có máu đam mê mạo hiểm.

Có cách đi an toàn, tiện lợi hơn trong thời buổi giao thông phát triển tốt như ngày nay, từ Hà Nội chúng tôi leo xe giường nằm từ 10 giờ đêm, đánh một giấc là có mặt ở TP Hà Giang vào sáng sớm hôm sau.

Xe vừa vào bến của TP Hà Giang, dù trời mưa tầm tã, vẫn có rất đông taxi chực chờ bắt khách đi về Đồng Văn, Mèo Vạc. Chưa biết đường đi nước bước ra sao, chúng tôi tạm nghỉ lại thành phố này để rồi... tính tiếp, bởi taxi hét giá 2- 3 triệu đồng/ngày, làm chúng tôi phát hoảng.

Một trong hai hồ nước không bao giờ cạn, được gọi là “Mắt rồng” trên đỉnh Lũng Cú.
Một trong hai hồ nước không bao giờ cạn, được gọi là “Mắt rồng” trên đỉnh Lũng Cú.

Lặng ngắm Tổ quốc từ cột cờ Lũng Cú

Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu, dò hỏi chúng ta vẫn có thể thuê được xe dịch vụ trọn gói trong suốt hành trình 2 ngày với giá khá dễ chịu, tài xế có thể “kiêm” hướng dẫn viên về mọi điểm đến hấp dẫn cùng những món ăn Tây Bắc thật tuyệt vời.

Đây những cung đường xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn; ghé lại thung lũng bình yên thăm dinh thự nhà Vương giữa chiều mưa tầm tã rồi ngược đường lên dốc Lũng Cú để được “sờ chạm” vào cột cờ biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc.

Và rồi, có những khoảnh khắc ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đỉnh Mã Pì Lèng, như con ngựa hoang tung bờm giữa những vạt mây bềnh bồng huyền ảo, bỏ lại dưới vực thẳm lặng lẽ dòng Nho Quế như dải lụa mềm mại vắt ngang khe núi nhìn... rớt mắt.

Để cuối hành trình, khám phá hang động Lùng Khúy vẫn còn nguyên nét đẹp hoang sơ như còn chìm sâu trong giấc ngủ triệu năm của hệ thống đá vôi hình thành giữa chập chùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Mỗi chặng dừng chân là một khám phá mới mẻ về thiên nhiên và văn hóa đa sắc màu vùng cao. Tuy nhiên “điểm nhấn” vẫn là cột cờ Lũng Cú, nơi sẽ để lại trong lòng mọi người những cảm xúc đặc biệt với những phút giây lặng ngắm vùng biên viễn cực Bắc của Tổ quốc từ dưới chân biểu tượng thiêng liêng.

Vậy là sau những lần về thăm điểm cực Nam ở đất mũi Cà Mau và hành trình xuyên Việt ghé thăm mũi Kê Gà (Phú Yên) ở điểm cực Đông, giờ đây chúng tôi đã đến được cột cờ Lũng Cú.

Vẫn còn đó một ước mơ, như là một “món nợ” sau hai lần lỡ hẹn, sẽ có một ngày không xa được đặt chân đến điểm cực Tây của đất nước, tại cửa khẩu A Pa Chải- ngã ba biên giới Việt- Lào- Trung thuộc địa phận xã Sìn Thầu (Mường Nhé- Điện Biên).

 Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG