"Tôi yêu Tổ quốc tôi"- Hành trình lan tỏa tình yêu biển đảo

Cập nhật, 05:47, Chủ Nhật, 02/07/2017 (GMT+7)

Vĩnh Long không có biển, đảo thế nhưng tình yêu và lòng khát khao đến biển, đảo của đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh không vì thế giảm đi mà nó đã lớn dần lên qua chuyến hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đoàn khối tổ chức.

Thăm đường Hồ Chí Minh trên biển

Đoàn viên viếng Khu di tích Đoàn tàu không số và thắp nén hương tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân đã hy sinh trên tàu 235 năm nào.
Đoàn viên viếng Khu di tích Đoàn tàu không số và thắp nén hương tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân đã hy sinh trên tàu 235 năm nào.

Ngày đầu hành trình, chúng tôi đến thăm Di tích Đoàn tàu không số tại bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa- Khánh Hòa).

Di tích này gắn liền với gương chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng các cán bộ, chiến sĩ của tàu 235.

Cách đây hơn 50 năm, những chuyến tàu “không số” đã bí mật đạp sóng biển Đông, vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát nghiêm ngặt của quân thù để tiếp tế vũ khí, vật tư cho đồng bào miền Nam mở ra con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển Đông.

Và cũng trong số đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng với những con tàu đã ra đi mãi mãi không trở lại, như con tàu 235.

Kể cho chúng tôi nghe về con tàu 235, giọng của đồng chí Phạm Quốc Hùng- Trợ lý thanh niên Vùng 4 Hải quân có lúc chùng xuống: “Tối 29/2, rạng sáng 1/3/1968, tàu 235 vận chuyển vũ khí tiếp tế cho chiến trường khu V trên đường từ hải phận quốc tế vào vùng biển Hòn Hèo thì bị lộ.

Địch đã huy động lực lượng lớn với nhiều máy bay trực thăng, tàu chiến bao vây hòng bắt giữ tàu cùng toàn bộ thủy thủ đoàn.

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí ra lệnh thả vũ khí xuống biển rồi cho tàu chạy về vùng biển ở Ninh Vân.

Khi tàu bị địch bắn hỏng máy chính và nhiều chiến sĩ bị thương, biết không thể thoát được, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã ra lệnh cho các cán bộ, chiến sĩ rời tàu rồi cho nổ tàu để xóa dấu vết. Một mảnh lớn của thân tàu đã bị hất lên triền núi...

Tham quan chứng tích phần đuôi tàu 235 còn sót lại trên hòn Hèo.
Tham quan chứng tích phần đuôi tàu 235 còn sót lại trên hòn Hèo.

Trong trận chiến tại hòn Hèo, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 cán bộ, chiến sĩ của tàu 235 đã hy sinh”.

Câu chuyện về người anh hùng liệt sĩ, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh lâu lắm rồi nhưng chúng tôi- thế hệ sinh ra sau chiến tranh- sẽ không bao giờ quên được chiến công hào hùng của chiến sĩ trên chiếc tàu 235.

Các anh đã ra đi nhưng tên tuổi anh mãi gắn bó với non sông đất nước Việt Nam. Anh Lưu Phước Lộc- đoàn viên Chi đoàn Các cơ quan Khối Đảng sau khi thắp nén hương lên mộ các anh hùng liệt sĩ không giấu sự xúc động: “Tôi thật sự khâm phục các chiến sĩ đoàn tàu không số vì sự hy sinh anh dũng của các anh”.

Còn đối với anh Hà Quốc Thanh- Bí thư Chi đoàn Trường Chính trị Phạm Hùng- sau khi xem đuôi tàu không số còn sót lại, anh bùi ngùi: “Tôi sinh ra sau chiến tranh nên chỉ biết được qua lời kể, sách báo, giờ được đến xem tận mắt mới biết được sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ để bảo vệ Tổ quốc. Khi về, tôi sẽ là một tuyên truyền viên để mọi người càng yêu biển, đảo hơn”.

Lan tỏa tình yêu biển, đảo

Ngày thứ 2 của hành trình, chúng tôi đến thăm đảo Bình Ba- một đảo nhỏ thuộc xã Cam Bình, huyện Cam Ranh.

Các đoàn viên không khỏi cuốn hút bởi vẻ đẹp của biển.
Các đoàn viên không khỏi cuốn hút bởi vẻ đẹp của biển.

“Đảo này rất có ý nghĩa chiến lược vì tất cả tàu bè muốn vào vịnh Cam Ranh phải đi qua cửa ngõ đảo Bình Ba, tại đây có đặt Trạm rađa 570. Trạm này có khả năng quan sát mặt biển và trên không tầm thấp nhằm quan sát tàu thuyền đi vào khu vực gần bờ và ngoài khơi, từ đó đưa ra cảnh báo sớm đối với tàu và dẫn đường cho tàu của ta hoạt động trên biển”- Trung úy Cao Văn Tất- Phó trưởng Trạm 570 là người đi cùng với đoàn giới thiệu.

Trên chiếc ca nô Quốc Đạt 001 chạy “xé” những con sóng to làm cho thành viên đoàn chuyển từ thích thú đến… say sóng và sợ.

Đến trụ sở Trạm rađa 570, các chiến sĩ Hải quân đón tiếp chúng tôi như người thân ở quê lâu ngày không gặp.

Thời gian tuy ngắn nhưng qua chuyện trò cũng giúp chúng tôi hiểu thêm phần nào quá trình công tác cũng như những khó khăn gian khổ của các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc- đoàn viên Chi đoàn Tòa án bộc bạch: “Chuyến đi này với tôi thật có ý nghĩa. Không chỉ tận mắt nhìn thấy hình ảnh biển đảo đẹp đến dường nào mà bản thân tôi còn cảm nhận được những khó khăn gian khổ của các chiến sĩ Hải quân nơi đây để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Đồng cảm với Thanh Trúc, bạn Nguyễn Thị Tố Quyên- Chi đoàn Chi cục Quản lý thị trường tỉnh- cũng cho rằng chuyến đi này có ý nghĩa lớn, khi tận mắt thấy được sự hy sinh thầm lặng của các anh chiến sĩ Hải quân như xa gia đình, điều kiện sinh hoạt khó khăn, đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều thiếu thốn… nhưng các anh vẫn nỗ lực hết mình cho bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Còn với tôi, có đi, có đến, biết và hiểu được biển đảo của Tổ quốc ta bao la và đẹp đến nhường nào. Và chắc rằng tình yêu ấy không chỉ tôi mà còn có muôn triệu trái tim ngày đêm cùng hướng về biển đảo, dành tình yêu cho những người lính biển không ngại khó khăn ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước nhà…

Bài ảnh: PHAN TÂN