Theo lời bài hát "Vàm Cỏ Đông" đi tìm mộ liệt sĩ

Cập nhật, 07:19, Chủ Nhật, 16/07/2017 (GMT+7)

Nhạc sĩ Trương Quang Lục, sinh năm 1930 tại làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954 tập kết ra Bắc, học hết THPT tại trường học sinh miền Nam, sau đó vào học Khoa Hóa- ĐH Bách khoa khóa 1 Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH, Trương Quang Lục về công tác tại nhà máy Supe-phốt phát Lâm Thao (Phú Thọ).

Ông còn là một nhạc sĩ nổi tiếng với 2 ca khúc: “Trái đất này là của chúng mình” (phổ thơ Định Hải), được giải A Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức và ca khúc “Vàm cỏ Đông” phổ thơ Hoài Vũ.

Về bài hát “Vàm Cỏ Đông” tôi có một kỷ niệm: Vào đầu năm 1969, đứa cháu trai lớn- con anh cả tôi- là Lê Anh Dũng nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, làm anh giải phóng quân chiến đấu tại tỉnh Long An- tỉnh kết nghĩa với tỉnh Hưng Yên.

Cùng thời kỳ, Phú Yên kết nghĩa với Hải Dương trước khi sáp nhập 2 tỉnh. Vì vậy, từ năm 1969 đến tháng 4/1975, có hàng vạn con người Hưng Yên lên đường chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Long An trung dũng, bất khuất kiên cường này.

Trong số ấy có cháu tôi. Khi đặt chân tới Long An, cháu tôi viết thư về báo tin cho tôi, có đoạn: “...Hiện nay cháu đang chiến đấu ở miền Nam, cô chú nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam bài hát “Vàm Cỏ Đông”, đấy chính là địa danh sông nước, nơi đơn vị cháu đang chiến đấu...”.

Sau này, nhận giấy báo tử của đơn vị, tôi mới biết cháu tôi hy sinh vào cuối năm 1969, cũng tại mảnh đất Long An kiên cường.

Tháng 7/ 2009, nghĩa là sau 40 năm cháu mất, tôi mới có dịp vào Long An và dành một ngày vào nghĩa trang TP Tân An tìm mộ cháu, đọc hàng trăm bia mộ, nhưng không có ai tên Lê Anh Dũng- quê Xích Đằng, Lam Sơn- Hưng Yên cả.

Chắc rằng hài cốt cháu tôi được chôn cất ở một nơi nào đó hoặc chưa quy tụ về đây chăng? Sau gần một tuần tìm kiếm ở các vùng ngoại vi và phụ cận trong tỉnh Long An vẫn bặt vô âm tín. Sông Vàm Cỏ thì dài hàng trăm cây số, có thể xác cháu tôi đã từ sông ra biển trong một trận giao tranh với tàu chiến Mỹ?

Ít ngày sau, tôi rời Long An trở về Bắc tìm nguồn gốc ra đời bài hát “Vàm Cỏ Đông”, bởi vì từ năm 1969 đến nay, mỗi khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài này thì cả nhà tôi đều bật khóc vì nhớ cháu, nhớ con sông Vàm Cỏ.

Chị dâu cả tôi- thân sinh ra cháu Dũng- nay đã 83 tuổi cũng nức nở. May thay trong tủ sách gia đình tôi có cuốn Tạp chí Âm nhạc số 2 năm 2000 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục tâm sự trong cuốn tạp chí này: “Vào một đêm khuya mùa hè năm 1966, thời kỳ không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, từ nhà máy trở về nhà, tôi chợt nghe trong buổi tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ “Vàm Cỏ Đông” của nhà thơ Hoài Vũ từ miền Nam gửi ra.

Tôi vô cùng xúc động, liền giở tờ Tạp chí Văn Nghệ vừa nhận lúc chiều có in bài thơ này. Tôi đọc đi đọc lại thuộc cả bài thơ, để rồi chọn những đoạn thích hợp nhất để phổ nhạc. Với niềm cảm xúc dâng trào, chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, ca khúc “Vàm Cỏ Đông” ra đời”.

Với nhạc sĩ Trương Quang Lục, đây có lẽ là một “món nợ” ông đã mang từ hơn 10 năm kể từ ngày xa miền Nam (tháng 7/1954). Mặc dù cảnh vật vùng trung du rừng cọ, đồi chè Phú Thọ này thật thơ mộng, nhưng chưa lúc nào ông thôi nhớ về miền Nam. Có lẽ hơn 10 năm thai nghén, nên chỉ hơn một giờ đồng hồ, ca khúc “Vàm Cỏ Đông” đã ra đời theo đúng ý nguyện của ông.

Sáng hôm sau, nhạc sĩ chép sạch bài hát này, đạp xe ra bưu điện huyện Lâm Thao gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam. Khoảng 10 ngày sau, bài hát “Vàm Cỏ Đông” được giới thiệu lần đầu tiên trên làn sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của ca sĩ Trần Thụ, Tuyết Nhung và tốp ca nữ với phần đệm của dàn nhạc dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau đó ít ngày, nhạc sĩ Trương Quang Lục tìm địa chỉ gửi thư kèm theo bản nhạc vào Nam cho nhà thơ Hoài Vũ. Nhưng một năm sau Trương Quang Lục mới nhận được hồi âm lại của Hoài Vũ từ Long An gửi ra. Thư có đoạn: “...

Bà con ở đây rất thích bài hát này. Tôi nghĩ, sau này về Long An, về với sông Vàm Cỏ, dù là lần đầu, anh sẽ nhận được biết bao tình cảm trìu mến. Long An đang trải qua những cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt.

Mặt sông Vàm Cỏ thường xuyên bắn lên những cột nước, ùn lên những vầng khói và rặng dừa nước ven sông quặt quẹo, nám đen sau những trận mưa B52, pháo bầy, anh à! Không như xưa, nhưng cái chất, cái tình, cái khát khao của dòng sông vẫn như xưa, nên bài “Vàm Cỏ Đông” vẫn quện tỏa êm ả và tươi mát...”.

Sau thống nhất đất nước (1975), đến năm 1977, nhạc sĩ Trương Quang Lục chuyển cả gia đình vào sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Việc đầu tiên là ông phải tìm gặp được nhà thơ Hoài Vũ.

Gặp nhau, cả hai đã không giấu được niềm xúc động. Họ đã luôn đứng bên nhau trong ca từ và giai điệu, nhưng đây là lần đầu tiên họ được đứng bên nhau bằng da bằng thịt. Niềm vui ấy lại được nhân đôi khi nhạc sĩ Trương Quang Lục được biết nhạc bài hát “Vàm Cỏ Đông” được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh- Truyền hình tỉnh Long An.

Trong những ngày ở thăm Long An, tôi thường xuyên được nghe bài hát “Vàm Cỏ Đông” trên Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Long An, với giai điệu và ca từ tha thiết, xao xuyến xen lẫn tự hào “Ở tận sông Hồng em có biết/Quê hương anh cũng có dòng sông/Anh mãi gọi với lòng tha thiết/Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông...”

Không phải bây giờ, mà đã từ lâu lắm rồi, tôi cùng những người thân của mình ở tận sông Hồng này đã nghe thấy tiếng gọi của sông Vàm Cỏ và cả tiếng gọi của cháu tôi nữa.

Vì lẽ đó mà gia đình tôi đã tìm đến con sông này cũng như sau này, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hàng vạn người dân Hưng Yên, Hải Dương vào xây dựng kinh tế, khai hoang lập nghiệp ở Long An- bên dòng sông Vàm Cỏ Đông và nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của họ.

Con sông Vàm Cỏ xanh mướt, êm ả, tươi mát và thanh bình. Đâu đó văng vẳng bên tai tiếng của cháu tôi: “... Địa danh, sông nước trong bài hát Vàm Cỏ Đông là nơi cháu đang chiến đấu...”. Những âm hưởng điệp khúc trong bài hát “Vàm Cỏ Đông” lại vang lên trong tôi:

Vàm Cỏ Đông đây! Ta quyết giữ

Từng mái nhà nép dưới rặng dừa...

Nhẩm theo lời bài hát, tôi bỗng thấy lòng mình dịu lại. Ôi tiếng gọi của sông hay tiếng gọi của người thân?

  • LÊ HỒNG THIỆN