Tháng 7 ở cõi thiêng Đồng Lộc

Cập nhật, 16:55, Chủ Nhật, 23/07/2017 (GMT+7)

Những ngày tháng 7 này, đến với Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cảm nhận xuyên suốt là sự lan tỏa một mùa tri ân, về nguồn.

Hàng vạn du khách thập phương, đủ mọi thành phần, lứa tuổi đến từ khắp nơi trong cả nước, đều thành tâm hướng về nơi 10 liệt nữ thanh niên xung phong (TNXP) đã ngã xuống để làm nên một địa danh lịch sử huyền thoại.

Những ngày tháng 7, chúng tôi đến với Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, khi có hàng nghìn du khách đang tấp nập đang hành hương về nguồn, kính cẩn dâng lên anh linh 10 nữ TNXP và các liệt sĩ TNXP những nén tâm nhang thành kính. Ngã ba Đồng Lộc, nơi mà cách đây 49 năm về trước, vào ngày 24/7/1968, 10 nữ TNXP Tiểu đội Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội TNXP 55 trong lúc đang tránh trú bom dưới hầm, đã bị trận bom thứ 15 trong ngày trút xuống, vùi lấp cả 10 chị.

Các chị đã nằm vĩnh viễn ngủ yên dưới lòng đất mẹ. Suốt 49 năm qua, các chị được những anh chị em của Ban quản lý Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (trực thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh) trực tiếp chăm sóc từng ngày. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, kiều bào và nhân dân cả nước tôn vinh bằng những công trình mọc lên tại Khu di tích tri ân này.

 Các cựu chiến binh thắp hương tại khu mộ của 10 nữ thanh niên xung phong.
Các cựu chiến binh thắp hương tại khu mộ của 10 nữ thanh niên xung phong.

Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, trong đó có địa danh Ngã ba Đồng Lộc. Từ một “túi bom” trên quốc lộ 15A trong chiến tranh, ngày nay Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc.

Tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người, thuộc những thế hệ khác nhau, đến với Khu di tích đặc biệt này bằng tấm lòng thành kính phân ưu.

Ông Nguyễn Văn Mùi (76 tuổi), cựu TNXP Đoàn 559 đóng quân tại Thừa Thiên - Huế, hiện sống tại Khu 2, phường Đại Phúc (TP Bắc Ninh) lần đầu tiên đến được với Ngã ba Đồng Lộc. Ông nhất quyết tìm gặp cho được Trưởng ban Trần Đình Ước chỉ để trao tận tay cho anh này 2 bài thơ ông viết dành tặng những người đồng đội đã hi sinh.

“Chúng tôi được sống và trở về cho đến hôm nay là sự may mắn lớn nhất của đời người. Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ viết được 2 bài thơ này, ấp ủ giấc mơ được vào Ngã ba Đồng Lộc trao cho các anh để được đăng lên website của Ban quản lý di tích, như một sự tri ân, là nén tâm nhang gửi đến anh linh các chị”, ông Mùi rưng rưng chia sẻ.

Tấm lòng, tâm trạng của cựu binh Nguyễn Văn Mùi cũng là nỗi lòng của hàng vạn du khách khi đến với Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Đó là sự tri ân khi thăm lại chiến trường xưa của những người cựu binh già; là lòng ngưỡng mộ trong hành trình hành hương về nguồn của các cơ quan, đoàn thể và cũng là sự giáo dục truyền thống yêu nước của một bộ phận lớp trẻ hôm nay.

Cũng tại Khu di tích đặc biệt này, chúng tôi gặp lại những con người được ví như dấu gạch nối giữa hai thế hệ quá khứ và hiện tại, là chị Vương Thị Thương và chị Đặng Thị Yến.

Chị Thương là nhân viên của Ban quản lý khu di tích, là con gái của dũng sĩ phá bom, Anh hùng LLVTND Vương Đình Nhỏ, hiện tiếp tục công việc thuyết minh tại bảo tàng, để giới thiệu cho khách tham quan những kỷ vật được trưng bày.

Cha cô, Anh hùng Vương Đình Nhỏ, người được ví là “Vua phá bom” trong kháng chiến chống Mỹ nhưng lại tử nạn cũng bởi bom mìn giữa thời bình khi vất vả mưu sinh ở Lao Bảo (Quảng Trị).

Còn với chị Yến, trọn 30 năm găn bó với mảnh đất này, chị đã lăn lội ngược xuôi để tìm kiếm các kỷ vật đưa về trưng bày, gắn bó đến nỗi đã có quyết định nghỉ hưu từ nhiều năm trước, nhưng chị vẫn xin ở lại, từ vị trí Phó trưởng ban, chị sẵn sàng làm không lương để gắn bó với mảnh đất thiêng này, gắn với huyền thoại về 10 nữ TNXP.

Ngày ngày, chị Yến vẫn miệt mài với việc sưu tầm các tư liệu, hiện vật để trưng bày tại bảo tàng, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về một Ngã ba Đồng Lộc bất tử giữa thời bình.

Ông Đào Anh Tuân, Phó Trưởng ban Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc cho biết: 6 tháng đầu năm 2017, đã có 4.018 đoàn với 134.306 lượt khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế về Khu di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc để dâng hương, dâng hoa tri ân đối với các Anh hùng liệt sỹ. Riêng trong tháng 7 tri ân này, mỗi ngày có trên 1.000 lượt khách tham quan về với Đồng Lộc, thậm chí có những ngày cao điểm, có trên 5.000 – 7.000 lượt khách tham quan.

Cũng trong tháng 7, tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa như phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngã ba Đồng Lộc – Cõi thiêng bất tử” vào tối 23-7; Lễ giỗ 10 liệt nữ TNXP và thắp nến tri ân; Đại lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của gần 10.000 tăng ni, phật tử đến từ khắp nơi trong cả nước.

Theo kế hoạch, chương trình sẽ diễn ra liên tục trong 4 ngày, bắt đầu từ ngày 28-7 với các hoạt động như lễ rước chân linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các hoạt động cầu siêu. Cùng với đó, nhiều hoạt động tri ân đã được Ban quản lý di tích thực hiện như tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình anh hùng, liệt sỹ và gia đình, thân nhân của 10 cô gái TNXP đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Theo ông Đào Anh Tuân, mặc dù lượng du khách về với Ngã ba Đồng Lộc có thời điểm lên đến hàng nghìn lượt người nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền và tăng cường phối hợp với Công an các xã, Công an huyện Can Lộc nên tình hình an ninh trật tự trong khuôn viên Khu di tích luôn được đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng lúc đông người móc túi, trộm cắp tài sản của du khách, chèo kéo khách bán hàng rong, xin tiền và làm tốt công tác vệ sinh môi trường để du khách yên tâm hơn khi đến với Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.

Theo  THIÊN THẢO(CAND)