Chú Chính thương binh vượt khó

Cập nhật, 07:56, Thứ Bảy, 15/07/2017 (GMT+7)

 

Ở tuổi 76, thương binh Trần Văn Chính vẫn cần cù lao động “phụ hợ cháu con”.
Ở tuổi 76, thương binh Trần Văn Chính vẫn cần cù lao động “phụ hợ cháu con”.

Đến ấp Tầm Vu, hỏi nhà chú Trần Văn Chính (biệt danh Chính Cào) thì dường như ai cũng biết. Ngôi nhà chú nằm cạnh Đường tỉnh 907, xanh mát bóng cây. Khi chúng tôi đến, chú đang lui cui bồi bùn cho đám cỏ ngoài vườn. Năm nay chú Chính đã 76 tuổi.

12 tuổi tham gia cách mạng

Chị cán bộ thương binh xã Trà Côn (Trà Ôn) dặn hờ chúng tôi: “Chú ở nhà làm lặt vặt hoài hà, có đi thì cũng vòng vòng trong xóm thôi vì chú là Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi ấp Tầm Vu”.

Tới nhà, cháu nội chú chạy ra sau vườn gọi ông bà nội có khách tới thăm. Chú Chính tay chân lấm lem bùn sình, còn vợ chú- cô Nguyễn Thị Đựng thì lụm cụm xắt chuối cây bằm cho vịt ăn. Chú cười móm mém: “Tranh thủ lúc quỡn bồi bùn trồng cỏ cho bò ăn đó con ơi. Vợ chồng già còn sức thì túc tắc mần phụ hợ con cháu”.

Bên ly trà ấm, chú Chính và cô Đựng (cùng sinh năm 1941) kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về một thời đấu tranh gian khó. 12 tuổi, chú Chính tham gia cách mạng bằng việc canh gác cho cán bộ họp.

Chú cười sảng khoái: “Lúc đó tui xách nạng thun, đi tới đi lui như bắt rắn mối. Thấy lính thì giả bộ xụ chó đi ruồng chuột- cho mấy chú hay, mấy chú rút an toàn”. Lớn lên chút nữa thì chú Chính làm giao liên, rải truyền đơn rồi làm du kích xã.

Chú Chính đưa chúng tôi theo hồi ức mấy chục năm về trước của chú, rành rọt những chi tiết nhỏ như đi thư và chuyện lớn như các thời kỳ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ…

“Chiến tranh ác liệt lắm con ơi, thấy đó chết đó. 2 con tui, đứa 9 tuổi, đứa 5 tuổi, bị trúng đạn chết liền dưới ghe, chết trước mặt vợ chồng tui. Ôm xác con còn nóng hổi, khóc hết nước mắt. Đau dữ lắm”.

Những năm đầu cách mạng khó khăn, cả xã Trà Côn chỉ có 2 cây trường bá đỏ để đánh địch. Những khi “đưa thơ” thì bỏ vào hũ sành nhỏ chôn dưới đất ở những nút giao liên, để người đưa và nhận tin không cần gặp mặt vẫn truyền được tin. Rồi những tối đi công tác “phải ngụy trang, choàng hầu thật kín, chỉ ló ra 2 con mắt”.

Chú cho biết: “Tụi tui nhận nhau bằng ám hiệu chứ có biết mặt mũi gì đâu, chẳng hạn, đến điểm hẹn mình nói anh hai thì người kia đáp lại anh ba là đúng rồi”. Ở các khúc sông quanh Trà Côn này, những chốt đưa du kích, bộ đội qua sông chỉ có người đưa rước khi nói trúng ám hiệu và không có địch.

Chú Chính nói: “Tui lượm 2 cục đất, chọi qua bên kia 2 lần rồi bên kia chọi lại 3 lần là yên tâm chờ rước. Nếu không chọi lại là có động phải về ngay”.

Câu chuyện như dài bất tận với anh du kích xã năm nào “bị thương ở đùi cũng cố chạy theo đồng đội, tay cầm chắc súng để chiến đấu tới cùng”. Hay những năm làm giao liên chỉ có 1 trái lựu đạn phòng thân mà chú Chính nói vui là “để dành chết chung với giặc”.

Hòa bình, chú Chính tham gia công tác địa phương rồi nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình. Sau này, công việc thư thả chú lại tham gia Hội Người cao tuổi ấp. Hôm chúng tôi ghé, chú nhận được điện thoại hẹn chiều đến nhà hội viên từ trần để phụ việc ma chay.

Vợ chồng chú Chính còn giúp con trai nuôi bò.
Vợ chồng chú Chính còn giúp con trai nuôi bò.

Gia đình cách mạng

Quanh câu chuyện của chồng, cô Đựng chỉ ngồi mỉm cười. Người phụ nữ chịu thương chịu khó, thay chồng nuôi mười người con khôn lớn. Cô Đựng kể lúc mới về làm dâu, cô không hiểu sao nhà có mấy người mà nấu nồi cơm “bự chảng” bưng “khum xương sống”.

Thì ra trong nhà lúc nào cũng có nuôi chứa cán bộ, mà tới mấy năm sau cô mới được mẹ chồng tin tưởng cho biết chuyện. Rồi từ đó, chiếc giường ngủ của vợ chồng cô Đựng vào ban ngày cũng là chỗ ngủ của cán bộ nằm vùng.

Có chồng là cộng sản, cô thường hay bị giặc rầy rà: “Tụi nó đánh tui đến giờ trở trời vẫn còn đau nhức”.

Chú Chính nhìn người vợ cả một đời vất vả, nói như biết ơn: “Chồng đi kháng chiến, không cản mà còn động viên nhưng tui biết bên trong khóc thầm đó. Nhà 10 đứa con, một tay bà quán xuyến trong ngoài. Tui đi biền biệt có tháng về nhà ở có một đêm, mờ sáng là đi. Nhờ bà ấy, tui mới an tâm đánh giặc”.

Cô Đựng cười móm mém: “Tui nói với ổng, chiến tranh thấy đó chết đó, ông còn tui mừng dữ lắm. Giờ già đừng có rề rà nhe ông!”

Chú Chính sinh ra trong gia đình cách mạng với ông nội, cha, các chú và các anh đều tham gia kháng chiến. Chú nhìn lên bàn thờ: “Tôi tham gia cách mạng theo ông nội, theo cha để trả thù nhà nợ nước”.

Trên bàn thờ, nén nhang chúng tôi thắp còn nghi ngút khói, quyện quanh Bằng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nguy- mẹ chú Chính. Các anh của chú: liệt sĩ Trần Văn Thạnh và liệt sĩ Trần Văn Nol. Mẹ Nguy cùng chồng cũng là người có công nuôi chứa cán bộ.

Trong chiến tranh, gia đình và bản thân chú Chính đã đóng góp một phần máu xương góp phần làm nên chiến thắng dân tộc.

Trong thời bình, gia đình chú Chính từng gặp nhiều khó khăn do con đông, thiếu phương tiện làm ăn. Song, cô chú không nản mà cần cù chịu khó, động viên các con cùng chung tay lao động trên mảnh vườn thửa ruộng để cải thiện kinh tế gia đình.

Chú Chính vui vì các cháu chăm ngoan, học giỏi.
Chú Chính vui vì các cháu chăm ngoan, học giỏi.

Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, chú Chính còn được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ấp Tầm Vu.

Chú Chính cười hiền: “Dù tuổi già, tui vẫn còn lui cui mần phụ hợ thêm kinh tế cho con trai út. Giờ đất nước hòa bình, được sống yên ấm. Nhà nước đầu tư đường sá giao thông, đất nước phát triển mọi mặt, đời sống người dân được nâng lên như vậy là sung sướng lắm rồi”.

Phát huy truyền thống tự lực tự cường của bộ đội Cụ Hồ, chú Chính còn là tấm gương sáng, sẻ chia tình yêu lao động đến mọi người.

 

Chú Trần Văn Chính là 1 trong 10 người có công tại tỉnh Vĩnh Long được tham dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 26/7.


Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN