Xác định tầm nhìn mới cho khu vực Tây Nguyên

"Phát triển để ổn định"

Cập nhật, 06:40, Chủ Nhật, 02/04/2017 (GMT+7)

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần 4- 2017 vừa qua tại TP Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định: “Xác định tầm nhìn mới, một chiến lược mới cho sự đầu tư, phát triển vùng Tây nguyên. Và Tây Nguyên phải là điểm tựa cho sự phát triển của khu vực miền Trung, miền Đông và cả miền Tây Nam Bộ”.

Văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên là thế mạnh đặc thù về du lịch. Trong ảnh: Tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017.
Văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên là thế mạnh đặc thù về du lịch. Trong ảnh: Tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017.

Nhận diện thế mạnh đặc thù

Những năm gần đây, 5 tỉnh Tây Nguyên đã có sự phát triển và thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư; tuy nhiên, so với tiềm năng thế mạnh thì vẫn còn khá chậm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra một số vấn đề lớn về “mất rừng, mất nguồn nước nhất là nguồn nước ngầm đã bị sụt lở nghiêm trọng, việc ô nhiễm môi trường và các vấn đề ảnh hưởng đến đời sống người dân”.

Với vị trí địa lý đặc thù, Tây Nguyên trở thành thủ phủ của cây cà phê với sản lượng và xuất khẩu thứ 2 thế giới; nhưng cà phê đã qua chế biến chỉ đạt 5- 7%, nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt trên dưới 3,5 tỷ USD.

Giá cà phê nhân chỉ trong tầm 40.000- 92.000 đ/kg. Trong khi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam và hướng đến kỳ vọng trở thành thủ phủ cà phê Châu Á, nhưng chúng ta chưa có những thương hiệu cà phê có thể tham gia điều chỉnh thị trường cà phê thế giới.

Một số cây công nghiệp hết sức quan trọng như: hồ tiêu, cao su, trà, macca, ca cao... đều đứng ở top đầu nhưng chưa dẫn dắt được giá cả thế giới, mà phụ thuộc thị trường thế giới rất nhiều.

Nguyên nhân là phần lớn chỉ xuất sản phẩm thô, chưa phát triển mạnh công nghệ chế biến, chưa phát triển mạnh nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao.

Vấn đề bản sắc văn hóa độc đáo, cảnh quan thiên nhiên có nhiều lợi thế, Tây Nguyên là một xứ ôn đới nằm trong một đất nước nhiệt đới, nhưng chưa được khai thác tương xứng về du lịch, ngoài tỉnh Lâm Đồng có dấu hiệu khởi sắc trong mấy năm gần đây.

Môi trường đầu tư kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, liên kết giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác và khu vực “Tam giác phát triển” Việt Nam- Lào- Campuchia còn hạn chế...

Ông Naoki Kakioka- Giám đốc JICA Việt Nam- phân tích cụ thể tiềm năng và sự hạn chế của khu vực này: Tây Nguyên có thế mạnh, tiềm năng rất lớn về các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa phát triển tương xứng; thí dụ, giá trị sản xuất công nghiệp của vùng nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người là 947 USD, thấp hơn thu nhập bình quân cả nước là 152 USD.

Trong khi đó, Tây Nguyên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong “Tam giác phát triển” Việt Nam- Lào- Campuchia. Cũng cần nhắc lại sự nghiêm trọng của đợt hạn hán năm 2016 đã đẩy nông nghiệp vốn là thế mạnh bị ảnh hưởng tồi tệ.

Rất cần có những giải pháp mở những điểm nghẽn, khai thông thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của Tây Nguyên.

Dồn sức cho Tây Nguyên

Du lịch là thế mạnh của 5 tỉnh Tây Nguyên, nhưng chưa thực sự phát triển đồng đều. Trong ảnh: Cỡi voi ở Buôn Đôn (Đắk Lắk).
Du lịch là thế mạnh của 5 tỉnh Tây Nguyên, nhưng chưa thực sự phát triển đồng đều. Trong ảnh: Cỡi voi ở Buôn Đôn (Đắk Lắk).

Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần 4- 2017 vừa qua có sự tham gia của những tập đoàn kinh tế lớn của thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước cùng cam kết đầu tư mạnh mẽ vào khu vực này trong thời gian tới, với sự hỗ trợ nhiều chính sách, nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố xác định tầm nhìn chiến lược mới, cùng chủ trương là “Phát triển để ổn định” thay vì “Ổn định để phát triển” như trước đây. Bằng mọi giá người Tây Nguyên làm giàu từ chính những tiềm năng, lợi thế đặc thù của mình.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định tinh thần ủng hộ mạnh mẽ của toàn hệ thống ngân hàng dành cho khu vực Tây Nguyên, tập trung nguồn vốn lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội, cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt hướng đến những vùng sâu, vùng khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến cuối năm 2016, nguồn vốn huy động trên toàn địa bàn đạt trên 120.000 tỷ đồng và nợ tín dụng đạt trên 200.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị này, các ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ vốn cho 36 dự án trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng nguồn vốn hơn 29.000 tỷ đồng; UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, với tổng số vốn hơn 100.000 tỷ đồng.

Đây được xem là “cú hích” mạnh mẽ bật dậy cả khu vực Tây Nguyên, vùng đất được xem là có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của đất nước.

Định hướng đầu tư cho Tây Nguyên trong tương lai, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, song hành cùng nền công nghiệp chế biến, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ cho cây cà phê.

Hiện thực hóa giấc mơ biến Tây Nguyên trở thành “Thủ phủ cà phê của Châu Á”, là trung tâm sản xuất và có tầm dẫn dắt thị trường cà phê thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những năm qua Tây Nguyên đã được tập trung đầu tư mạnh mẽ dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông, như: đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các quốc lộ: 14, 20, 26, 27, 28, cùng với cụm hàng không: Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương đã tạo nên sự kết nối nội vùng và sự kết nối thuận lợi với các vùng khác, nhất là khu vực ven biển duyên hải miền Trung.

Tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thời gian gần đây, Tây Nguyên đã tạo sự quan tâm mạnh mẽ và sự đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài nước; đặc biệt quan tâm vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nhất là cây cà phê, cùng với ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Xác định vai trò, vị trí chiến lược và tầm quan trọng cũng như tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn, Thủ tướng đã nêu ra một số giải pháp cụ thể đối với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư cần có nhận thức sâu đậm hơn, khắc phục tốt hơn, để đầu tư mạnh mẽ cho vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Trong đó, có việc hài hòa mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cộng đồng dân cư, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, gắn bó hơn với người dân địa phương.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG