Giấc mơ "thủ phủ cà phê Châu Á"

Cập nhật, 06:00, Thứ Bảy, 11/03/2017 (GMT+7)

Tại lễ khai mạc Hội chợ- triển lãm chuyên đề cà phê (9/3), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Hải Ninh, khẳng định sẽ đưa “Đăk Lăk- nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam, tiến tới trở thành thủ phủ cà phê của Châu Á”.

Ông Inada Shoichi (bìa trái) đang thưởng thức cà phê tại hội chợ.
Ông Inada Shoichi (bìa trái) đang thưởng thức cà phê tại hội chợ.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã diễn ra nhiều năm nay và đây cũng được xem là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia quan trọng, nhằm dần đưa cây cà phê Tây Nguyên, cũng như cà phê Việt Nam có chỗ đứng, uy tín cao trên thị trường thế giới.

Nơi khai sinh cây cà phê Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà Đăk Lăk được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”, đó là câu chuyện lịch sử xuất hiện cây cà phê đầu tiên, cũng như vị trí đặc biệt của vùng đất có điều kiện lý tưởng phù hợp với loại cây đến từ quê hương Ethiopia xa xôi, mà quá trình phát triển của nó cũng là con đường đi kỳ thú khi từ Châu Phi, nó đổ bộ và chinh phục lục địa già, rồi tiến thẳng về Châu Á.

Ngày nay, cà phê là thức uống toàn cầu mà mỗi ngày người ta tiêu thụ hàng triệu triệu ly, từ những nhà hàng sang trọng, bình dân, vỉa hè cho đến tại nhà.

Thêm một điều đặc biệt nữa là có một loại cà phê đắt nhất thế giới- do cách chế biến, chớ không phải do giống quý- đó là cà phê chồn (Kopi Lowak), mà giá có thể lên đến cả ngàn USD/kg, thì chỉ có ở Việt Nam và Indonesia.

Đăk Lăk cũng chính là nơi hiếm hoi hiện nay ở Việt Nam có hẳn một doanh nghiệp chuyên sản xuất cà phê chồn bán ra thị trường trong và ngoài nước.

Với lý do đó, tôi quyết lên đường tìm về nguồn gốc cây cà phê Việt Nam, nơi đầu tiên mà người Pháp- trong quá trình xâm lược nước ta lần thứ 2 (1922), đã mang cây cà phê về với xứ sở này.

Đó là km 16 kéo dài đến km 47 trên Quốc lộ 26, thuộc địa bàn các huyện Krông Púk và Krông Pắk (Đăk Lăk). Có nghĩa là địa bàn cách TP Buôn Ma Thuột từ 16km đến 47km theo hướng về TP Nha Trang.

Anh Nam là người trực tiếp quản lý trại cà phê chồn của Công ty Huyền Thoại Núi, đưa tôi về thăm cơ sở sản xuất cà phê chồn ở km 49, trên đường trở về TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi cùng ghé vào xã Ea Yông (huyện Krông Pắk), ngay trên địa bàn của 1 xã này đã có đến khoảng hơn 15 công ty sản xuất, kinh doanh cà phê. Còn những rẫy cà phê ở đây cũng... đẹp hơn chỗ khác.

Đó không phải là cảm giác, mà thực tế những rẫy cà phê đang trổ hoa sớm bung đầy nụ bông trắng xóa trong chiều xiên nắng, bước xuống xe là cả không gian tẩm ướp mùi hương ngan ngát của hoa cà phê quyến rũ. Chúng tôi đang đứng tại nơi đầu tiên xuất hiện cây cà phê trên vùng đất cao nguyên này.

Đó chính là nơi ngày xưa, sau khi trở lại khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở nước ta, người Pháp đã cho thành lập đồn điền cà phê có tên là CADA (Compagnie Argicole D’ASIE), tức Công ty Nông nghiệp Á Châu với diện tích khoảng 2.000ha. Đó là một trong những đồn điền cà phê đầu tiên ở nước ta.

Cho đến nay, cả khu vực Tây Nguyên đã chiếm khoảng 90% cả về diện tích và sản lượng cà phê cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.

Về giá trị kinh tế, đây có thể xem là một loại “vàng đen”, khi nhu cầu về cà phê trên thế giới mỗi ngày một tăng.

Tuy nhiên, trong khi đó ở ngay tại “thủ phủ cà phê”, người nông dân vẫn còn gặp nhiều rủi ro do sự bấp bênh về giá cả, thị trường, cũng như nhiều vấn đề trong sản xuất như: hạn hán do biến đổi khí hậu, sâu bệnh, nguồn vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật,...

Nâng cao vị thế cà phê Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Hải Ninh cho rằng: “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong nhiều năm nay, luôn thu hút đông đảo các đơn vị, địa phương trong ngành sản xuất cà phê của Tây nguyên, trong nước và nước ngoài gặp gỡ”.

Chủ đề “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng” thể hiện một quyết tâm đưa “văn hóa cà phê” trở lại với đúng bản chất của nó của cái thời cà phê mộc, nó đã trải qua nhiều thập kỷ với nhiều cải biến nhằm đưa đến người thưởng thức những hương vị mới lạ của loại thức uống đặc biệt này.

Tuy nhiên, những ly cà phê “không cà phê” đã làm đảo lộn thị trường cà phê, cũng đã gây khó khăn cho những nhà sản xuất cà phê, nhất là những nông dân trực tiếp trồng cà phê từ bao đời nay.

Do đó, xây dựng và cam kết cho những tiêu chuẩn sản xuất cà phê sạch, cho đến quy trình sản xuất cà phê sạch là vô cùng quan trọng; trong đó xây dựng “văn hóa uống cà phê” là điều cốt lõi hơn cả.

Vì vậy, tại Hội chợ- triển lãm chuyên ngành cà phê 2017, với 234 doanh nghiệp trưng bày 735 gian hàng, trong đó có hàng trăm gian hàng trưng bày các loại sản phẩm, các thương hiệu cà phê đảm bảo tiêu chí sạch và mời khách tham quan thưởng thức trực tiếp, cũng như giới thiệu cách pha chế, cách thưởng thức... là một trong những hoạt động thu hút nhiều người quan tâm nhất.

Trước ngày khai mạc, đã có hàng ngàn người kéo về lễ hội để được đắm mình cùng hương vị cà phê, tạo nên một không gian thưởng thức cà phê vô cùng đặc biệt.

Ông Inada Shoichi- một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản- thay vì về Vĩnh Long công tác trong ngày 7/3, đã thay đổi chương trình để bay lên Buôn Ma Thuột thưởng thức cà phê ngay trong ngày hội tụ hiếm hoi này.

Bởi như giới thiệu, ông Inada là người sành sỏi thưởng lãm trà và cà phê, đặc biệt am hiểu về cà phê chồn.

Tại hội chợ sau khi thưởng thức hơn... 30 ly cà phê các loại, theo đề nghị pha chế công thức 50- 50, tức là 50% cà phê robusta pha với 50% cà phê arabica, Inada nhận xét: “Cà phê Việt Nam rất ngon, đặc biệt nếu pha chế theo 50- 50, vừa bớt vị đậm đà của robusta, vừa pha thêm vị chua thanh nhẹ nhàng, tinh tế của arabica đọng nơi đầu lưỡi, rất thú vị”.

Sau khi khệ nệ mua mấy ký lô cà phê các loại, Inada còn mua thêm một số sản phẩm cà phê chồn của Công ty Huyền Thoại Núi, mà giá lên tới 10- 14 triệu đồng/kg.

Cuộc hội tụ những thương hiệu cà phê tên tuổi lớn cho đến những cơ sở sản xuất cà phê nhỏ lẻ, truyền thống, mang đến cho du khách tham quan một cái nhìn tương đối toàn diện về chất lượng, độ quyến rũ của cà phê Việt Nam.

Với những ngày lễ hội cà phê như thế này, cùng với việc xúc tiến, quảng bá thương mại quốc gia, tạo nên mối liên kết và những sự cam kết hỗ trợ từ nhiều phía, với mong muốn và niềm tin, cây cà phê Việt Nam ngày càng “quyến rũ” hơn với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Hải Ninh

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu các công nghệ, kỹ thuật, máy móc, các sản phẩm hỗ trợ trong nuôi trồng, chế biến cà phê. Đặc biệt, tạo nên sự liên kết, cam kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý và nông dân, nhằm đưa vị thế cây cà phê Việt Nam lên vị thế mới.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG