Tản văn

Củi xưa

Cập nhật, 06:22, Thứ Bảy, 18/02/2017 (GMT+7)

Sau khi mấy người thợ làm xong cái lán chạy gạch kế bên nhà, những cây gỗ tràm, bạch đàn vươn vãi, và công việc của anh em chúng tôi là gom chúng lại, cưa từng khúc, rồi chất lên một khung vuông…

Cái khung vuông củi khoảng một thước ngang, cao bằng ấy người ta còn gọi là cự củi. Cái cự củi nằm bên chái nhà bếp sau nhà mà hàng ngày từ đó tiếng cơm sôi, mùi khói bốc lên thân quen đến ngọt ngào.

Ngày đó, bếp ga, bếp điện không phổ biến, nhiều gia đình khó khăn có khi còn không mua nổi một cự củi.

Muốn nấu cơm, làm bếp, người ta còn đi lượm củi- mà bọn trẻ chúng tôi còn hay gọi là đi “mót” củi ở các vườn bỏ hoang, những hàng dừa trên bờ ranh giáp đất. Cũng có người lấy củi làm nghề, đổi tiền, đổi gạo. Hồi đó, củi cũng từng đắt đỏ biết chừng nào…

Anh em chúng tôi thường dành những lúc rảnh rỗi sau giờ đi học, lang thang ở các vườn hoang để “mót” từng nhánh củi nhỏ, rụng rơi đâu đó, rồi bó thành từng bó nhỏ chất lên chiếc xe chuyên dùng trong nghề làm gạch.

Tuy không gọi là nhiều, nhưng mỗi lần chất củi đầy ngang ngang mặt xe là anh em chúng tôi vui mừng hớn hở về khoe với mẹ. Vậy là vài bữa nữa, nhà mình khỏi mua củi…!

Chúng tôi lớn lên trong một gia đình nông dân, cảm nhận về cây củi là một kỷ niệm đẹp của một thời thơ ấu. Có lần, mẹ lấy chiếc xuồng chở chúng tôi men theo bờ sông, nhặt những nhánh củi to, nhỏ trôi lập lờ theo con nước.

Mà bọn trẻ chúng tôi thì tay nhặt, chân bơi, thích thú “vọc” nước theo nhịp chèo của mẹ. Nào là bình bát, trâm bầu, cơm nguội hay những nhánh lưỡi mèo dừa… Chúng tôi ngụp lặn đưa chúng lên xuồng, phơi đầy ở sân nhà. Lượm củi, “mót” củi thấy vậy mà vui, những mùa mưa kéo dài nhà còn củi để mà đốt…

Giờ đây, giữa thời hiện đại, bếp ga, bếp điện đủ đầy. Tuy cự củi nhà tôi không còn đơn thuần theo đúng nguyên bản của nó, ít nghe tiếng cơm sôi, mùi khói bốc lên thân quen đến ngọt ngào, nhưng hiên nhà vẫn còn đống củi khô, gáo dừa héo quắc, đợi những lúc gia đình họp mặt, bên bếp củi cháy rừng rực, từng tiếng nổ lóc bóc chờ lúc nước cơm trào…

KHÁNH DUY