Chuyến đi "tìm dấu chân Người"

Cập nhật, 09:12, Thứ Hai, 09/01/2017 (GMT+7)

Tôi gặp chàng thanh niên Nguyễn Thành Thượng trong những ngày cuối năm 2016, khi thời tiết dần bắt đầu chuyển lạnh. Không giấu được sự hân hoan, Thượng say mê nói về cuộc hành trình đi khắp chiều dài Tổ quốc của mình…

Những chuyến đi kỷ niệm

Uống một hớp cà phê sáng sảng khoái, Thượng bắt đầu nói về cuộc hành trình của mình. Là một thanh niên trẻ với nhiều mong ước, hoài bão và một trong những mong ước của chàng thanh niên sinh năm 1987 này là được đặt chân đến tất cả các tỉnh- thành trên mảnh đất hình chữ S này. Đặc biệt là trải nghiệm dọc chiều dài Tổ quốc bằng xe máy, để cảm nhận tình quê hương.

Thượng cho biết, ở mỗi nơi đi qua anh đều ghi lại những khoảnh khắc, những nét đẹp đẽ đời thường, độc đáo của con người, xứ sở, sinh hoạt của từng vùng miền.

“Đó là nét sinh hoạt dân dã vùng đất mũi Cà Mau, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, hò dô kéo lưới của ngư dân biển miền Trung đến những nhộn nhịp phố phường ở các thành phố lớn… Tất cả đã trở thành động lực để thúc đẩy tôi có những chuyến đi, khám phá”.

Thành Thượng đến mũi Cà Mau thân thương- điểm cuối của dải đất hình chữ S.
Thành Thượng đến mũi Cà Mau thân thương- điểm cuối của dải đất hình chữ S.

Hiện đang công tác tại Trường Trung cấp y tế Vĩnh Long, thời gian rảnh không nhiều, nhưng mong ước xách ba lô lên và đi luôn thôi thúc trong lòng. “Có những lúc phải tìm mọi cách, tranh thủ mọi thời gian để được thỏa niềm đam mê, bởi như thế mới không phí thời gian của tuổi trẻ…”

Hiện, Thượng đã đi qua tất cả các tỉnh- thành trên cả nước, nhiều vùng biển, đảo quê hương cũng đã có dấu chân anh đến đó. Trong suốt cuộc hành trình, chàng thanh niên Thành Thượng đã có vô vàn những kỷ niệm, mà theo anh đó là những chất liệu của cuộc sống, là những gam màu khác nhau trong suốt hành trình tìm hiểu và tích lũy kiến thức.

Thượng kể, đi phượt bằng xe máy sẽ có vô vàn khó khăn và gặp nhiều rủi ro. “Trong một lần di chuyển trên QL14 lên vùng Tây Nguyên, do đường xấu nên xe bị hư liên tục, lại ít tiệm sửa xe, nên đành “cuốc bộ”.

May thay, có anh nông dân chạy máy cày, thấy mình vất vả dẫn bộ nên “quăng” chiếc xe mình lên xe ảnh và chạy thẳng đến tiệm sửa xe cách đó đến mấy cây số. Hay có lần, dạo quanh tượng đài Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, trời khuya lại lạc mất chìa khóa xe, cũng may là có một anh tốt bụng giúp mở khóa…”

Nói về những kỷ niệm đáng nhớ nhất, Thượng cho biết, những cung đường đèo thường rất ít nhà dân, trời nắng nóng, di chuyển liên tục nên không có thời gian giặt quần áo, vậy là nghĩ ra cách là “đi tới đâu, giặt tới đó và phơi đồ ven đường”.

 Thượng cũng có làm luôn bài thơ vui để nhớ kỷ niệm này: “Đi đèo mới thấy gian lao/ Thau thì không có làm sao giặt đồ/ Bỗng dưng gặp thấy cái hồ/ Thôi thì giặt đại rồi phơi ven đường”…

“Đó là chưa kể đến vô số những câu nói của những người mình gặp trên đường, những chuyến đi dường như không thể thực hiện được mục tiêu, hình ảnh dễ thương của cô bé bán nấm rừng ven QL,… Đó là những trải nghiệm vô cùng thú vị, mà tôi nghĩ, nếu thời gian còn nhiều, các bạn cũng hãy xách ba lô và đi, để khám phá đất nước mình…”- Thượng chia sẻ.

“Khám phá những vùng đất lưu dấu chân Người”

Đó là mục đích chính cho chuyến đi khắp chiều dài Tổ quốc, dù là nơi Bác đã đặt chân đến hay những nơi mà Bác chưa kịp in dấu chân- mà nay chỉ có đền thờ. Thượng cũng muốn được thử thách, trong cuộc sống, phải vượt qua những khó khăn để trang bị những điều mới mẻ cho mình.

“Vượt qua các con đường đèo, những con đường uốn lượn trên mây, ngẫm lại đó cũng chính là những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua trong cuộc sống. Và ai đã dám thách thức để vượt qua, họ sẽ đứng lên, đó là bài học, là hành trang cho những chặng đường trong cuộc đời của mỗi người”.

Không giấu nổi cảm xúc, Thượng hân hoan khi nhắc đến những địa danh mà Bác Hồ đã đặt chân đến.

 

Thành Thượng ở Lũng Cú- là nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc mến yêu.
Thành Thượng ở Lũng Cú- là nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc mến yêu.

Từ quê hương Nghệ An- nơi Bác được sinh ra đến hành trình tới bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, rồi Khu di tích Pắc Pó ở Cao Bằng, Di tích cây đa Tân Trào, ATK Định Hóa ở Thái Nguyên, căn nhà 48 phố Hàng Ngang- nơi Bác viết Bản Tuyên ngôn độc lập…

“Đến với mỗi nơi ở và làm việc của Bác, tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả mà Bác đã trải qua trong những năm tháng kháng chiến. Tôi càng nhủ lòng là phải sống và làm việc theo những gì mà Bác dạy…”- Thượng tâm niệm.

Sắp tới, Thượng có ý định là viết bài tập hợp về tất cả địa danh, nơi có in dấu chân của Bác suốt chiều dài lịch sử, cả những nơi mà Bác chưa từng đặt chân đến nhưng lại có đền thờ như ở Trà Vinh, Kiên Giang,… Đó không chỉ là để ôn lại những hành trình mình đã đi và trải nghiệm, mà còn là nguồn tư liệu riêng quý giá của bản thân.

Cuối buổi trò chuyện, Thượng cũng chia sẻ, các bạn tuổi trẻ, nhiều khát vọng, hãy tự tin khám phá những vùng đất mới, tự trang bị cho mình những kiến thức đúc kết từ thực tế. “Sẽ không dư thừa với những gì bạn nhìn thấy, tích cóp được trong cuộc sống, đó là những quà tặng cho cuộc đời thêm phần thú vị, ý nghĩa…”

  • ™Bài, ảnh: KHÁNH DUY