Tư duy đột phá cho nông thôn mới ĐBSCL

Kỳ cuối: Thế mạnh tiểu vùng và cách nghĩ mới

Cập nhật, 06:25, Thứ Năm, 13/10/2016 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên đất liền đã là một trọng trách nặng nề, thì ở những vùng biển, đảo xa xôi giữa mênh mông trời nước, nhiệm vụ này càng khó khăn gấp bội.

Xã Tân Lược (Bình Tân) thành công với mô hình xen canh: 1 vụ lúa- 2 vụ màu.
Xã Tân Lược (Bình Tân) thành công với mô hình xen canh: 1 vụ lúa- 2 vụ màu.

Chuyến công tác một vòng biển đảo Tây Nam và hành trình dọc theo các cửa biển vùng Cà Mau, Kiên Giang, giúp chúng tôi phần nào có cái nhìn bao quát về tiềm lực kinh tế vùng Tây Nam Bộ.

NTM đồng bằng đang rất cần khơi dậy mọi thế mạnh đặc thù “tiểu vùng”; đồng thời, cũng rất “khát” những lãnh đạo dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn đưa ra những sáng kiến từ thực tiễn địa phương mình.

Sức bật từ kinh tế biển, đảo

Dải đất liền ven biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau có thế mạnh lớn về tiềm lực kinh tế biển từ khai thác đánh bắt và là vùng nước nuôi trồng thủy, hải sản lý tưởng.

Vùng biển nông được thiên nhiên ưu đãi nằm trong vùng vịnh “khuất bão” lại được che chắn bởi hàng trăm đảo, hòn lớn nhỏ tạo thành một vòng cung giăng ngang ngoài khơi, tựa như hàng “phên giậu” tiền tiêu che chắn cho đất liền, vừa có chức năng như những “trạm dừng” trung gian, mà các ngư dân gọi là “hậu cần giữa khơi xa”.

Đặc biệt, điều kiện địa lý tự nhiên đã hình thành rất nhiều cửa biển lớn nhỏ, từ đây đã hình thành những làng cá, cảng biển, mà trong đó đã phát triển lên thành những thị tứ sầm uất, với những đội tàu đánh bắt lên đến hàng trăm chiếc.

Có một điểm chung, khi về thăm các cửa biển Khánh Hội, Sông Đốc ở Cà Mau, đối với những ngư dân cố cựu thường xuống biển khi còn rất trẻ, nhưng khi vừa bước qua tuổi 50 họ thường “lui” lên bờ chỉ huy là chính.

Đó là trường hợp của những chủ tàu thuộc hàng “đại gia” ở cửa biển Sông Đốc như: Tư Biểu, Hai Thành, Ba Lố, Út Bửu,... Có người sở hữu đội tàu trên chục chiếc, mà trị giá những chiếc tàu công suất lớn lên đến gần chục tỷ đồng.

Ông Tư Biểu (62 tuổi) là ngư dân sinh ra và lớn lên bên cửa biển này, 17 tuổi đã theo tàu đánh cá đi khắp các đảo, hòn của biển Tây rồi, chỉ cần nhìn con cá là biết nó được đánh bắt khu vực nào rồi.

Đến thăm nhà ông Tư Biểu, ông chia sẻ chân tình: “Giờ làm ăn hiện đại nhưng biển chật chội quá, khai thác ngày một nhiều nên đánh bắt càng khó khăn. Như hồi 30- 40 năm trước thôi, mấy ghe nhỏ đánh mực có khi kéo lên phải xả bớt ra, mỗi đêm kiếm vài tấn mực như chơi”.

Ông Tư Biểu có đội tàu lớn nhỏ 12 chiếc, trong đó có những chiếc từ 100 tấn trở lên, trị giá mỗi tàu không dưới 9 tỷ bạc, nên quản lý cũng không xuể.

Mỗi chuyến ra khơi chi phí sơ sơ cũng gần tỷ bạc; nhưng khi “thuận buồm xuôi gió” thì nguồn thu nhập không hề nhỏ, đồng thời tạo công ăn việc làm khá ổn định cho mấy chục hộ gia đình.

Còn ông Hai Thành thì chỉ mới 54 tuổi, nhưng đã lui lên bờ chục năm nay “không phải nghỉ hưu, mà lo cả núi việc trên bờ, đội tàu 7 chiếc toàn thuê mướn rồi mình điều khiển từ xa”- ông Thành giải thích, trong khi chiếc điện thoại cứ réo liên tục.

Chỉ riêng tỉnh Cà Mau đã có hàng chục cửa biển, có thể nói nếu được quản lý, tổ chức tốt và được đầu tư mạnh hơn từ các nguồn vốn vay ưu đãi, sẽ tạo thêm nhiều làng nghề mở ra những cánh cửa kinh tế biển, tạo sức bật mạnh mẽ nối liền với các đảo, hòn như “cánh tay nối dài” từ đất liền ra tận khơi xa.

Đó là cả vùng biển Tây nằm trong vùng vịnh khá “hiền hòa”, với ngư trường rộng lớn có nguồn hải sản phong phú.

Bà con ngoài đảo cùng với việc tham gia khai thác một ngư trường rộng lớn với nhiều loại hình khác nhau, giờ đây cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè đã tăng nhanh nguồn thu nhập.

Họ cũng chính là “tai, mắt” nối dài của bộ đội biên phòng, lực lượng chiến sĩ đảo, ngày đêm canh giữ trật tự an ninh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

“Trong cái bất lợi, khó khăn, thiếu thốn, thì người dân xã đảo lại cũng có những lợi thế riêng, đó chính là cái thế đứng như “kiềng ba chân”, luôn gắn bó mật thiết không rời nhau giữa người dân- bộ đội và chính quyền.

Chính ở nơi đầu sóng, ngọn gió này tình quân dân càng keo sơn gắn bó với nhau hơn”- Thượng tá Phạm Văn Duy- Chỉ huy phó đảo Thổ Chu khẳng định.

Đây chính là yếu tố quan trọng, để bà con yên tâm bám biển. Và từ đây, đã hình thành nên những xã đảo ngày càng phát triển từ việc đánh bắt, cũng như nuôi trồng thủy hải sản.

Ở các xã đảo: Thổ Châu, An Sơn, Nam Du, Hòn Đốc... những người làm nghề đi bạn thì thu nhập mỗi chuyến ra khơi cũng tầm trên 15 triệu đồng.

Huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) hàng năm đóng mới từ 7- 8 cặp tàu công suất lớn (400- 500CV), trung bình mỗi cặp tàu hàng chục tỷ đồng.

Từ khi ngư dân An Sơn hình thành những tổ hợp tác, có cả tàu hậu cần chuyên cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và chở sản phẩm từ tàu đánh bắt về bán cho thương lái, đã giảm được chi phí, lợi nhuận kinh tế tăng cao hơn, thời gian bám biển dài hơn.

“Dấu ấn” Bí thư Huyện ủy

Tư duy đột phá cho NTM đồng bằng không thể “từ trên trời rơi xuống”, mà chính là từ thực tiễn cuộc sống, từ các địa phương, từ nhân dân mà ra.

Nhưng, để khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo “đi thẳng” vào cuộc sống, rất cần những cán bộ cơ sở nhất là cán bộ lãnh đạo biết lắng nghe và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Câu chuyện NTM ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) là một thí dụ điển hình, từ những mô hình “nhỏ” ở địa phương nhưng góp phần “lớn” cho công tác sơ kết, tổng kết về mặt lý luận cho bộ tiêu chí riêng ở khu vực ĐBSCL.

Bí thư Huyện ủy Bình Tân Đặng Văn Chính, khẳng định ngắn gọn: “Cái gốc của xây dựng NTM chính là lo cho cái thu nhập của bà con nông dân.

Người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên khá, giàu thì nhiều tiêu chí khác cũng kéo theo”. Do đó, xác định rõ tiềm lực và những khó khăn riêng, Bình Tân quy hoạch theo hướng phát huy tối đa thế mạnh nông nghiệp; trong đó, quy hoạch xen canh: 1 vụ lúa- 2 vụ màu, đã đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho “vựa khoai” lớn của đồng bằng.

Tuy nhiên, để đạt được “ước mơ” này là cả một quá trình trăn trở cùng “củ khoai, hột lúa”, cùng “lo nỗi lo của bà con nông dân”, để cho ra đời nghị quyết về các chỉ tiêu NTM của huyện, trong đó nổi bật “dấu ấn” dám nghĩ, dám làm của đồng chí Bí thư Huyện ủy.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo huyện Bình Tân và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ông Lưu Quang Sang- Chủ tịch UBMTTQ huyện Bình Tân, khẳng định: “Nghị quyết đã tạo được bước đột phá khi đưa vùng khoai đặc sản Bình Tân thoát được cảnh “được mùa rớt giá”, chính là nhờ chủ trương rải vụ, giúp cho giá khoai từ đầu năm đến hết quý III/2016 luôn giữ mức cao.

Trong đó, việc ký kết hợp đồng bao tiêu 170.000 tấn khoai/năm với doanh nghiệp và việc đưa củ khoai Bình Tân xuất khẩu đi 3 nước: Đài Loan, Trung Quốc, Singapore là thành công lớn”.

Không dừng lại chuyện “làm giàu cho nông dân”, Bình Tân đã mạnh dạn đề xuất những mô hình mới với “tư duy tiết kiệm”, dám thẳng thắn dám từ chối những công trình đầu tư chưa hiệu quả, chưa cấp thiết trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn.

Đó là câu chuyện xây dựng cơ sở văn hóa ở ấp Tân Lộc (xã Tân Lược- Bình Tân), kết hợp với quán nước của ông Nguyễn Văn Thum làm điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hội họp, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cái hay là không chỉ tiết kiệm hàng tỷ đồng ngân sách, mà chính là thay đổi tác phong của cán bộ gần dân hơn, Bí thư Huyện ủy- Đặng Văn Chính giải thích: “Giờ giấc bà con nông dân thì theo thời vụ.

Nếu cán bộ mình cứ cứng nhắc mời họp theo giờ hành chính, vô hội trường nghe cán bộ phát biểu, người ta ngán lắm.

Sao cán bộ không mạnh dạn “họp ngoài giờ làm đồng” và cứ xuống thẳng quán nước vừa sinh hoạt đờn ca tài tử, vừa triển khai hội họp, nó hiệu quả mà nhẹ nhàng, dễ nắm bắt tâm tư và gần dân biết bao”.

Và chúng tôi thấy, người dân rất mừng, đồng tình ủng hộ, khi mà điểm sinh hoạt giải trí của một ấp vùng sâu lại được Bí thư Huyện ủy quan tâm, rồi đến cả Bí thư Tỉnh ủy cũng đến thăm và “tặng luôn cây đờn mấy triệu bạc”.

Đó không phải là những lời phát biểu “cho đẹp”, thực tế Bình Tân còn sắp lịch làm việc theo giờ làm đồng của bà con; khi mà nông dân xứ khoai giờ đây “tăng ca” làm đêm thì nếu cần cán bộ lãnh đạo huyện sẵn sàng ra ruộng gặp dân vào ban đêm.

Thực tế cho thấy, cách làm việc này không chỉ mang lại hiệu quả công việc, mà đã tạo thêm nhiều thiện cảm người dân đối với cán bộ, cũng từ đây mọi tâm tư tình cảm, mọi ý chí chính trị giữa Đảng và dân sẽ cùng “nhìn về một hướng”. Đó cũng chính là sự “gặp nhau” của “ý Đảng, lòng dân”.

Một chiều muộn, chúng tôi đến thăm điểm sinh hoạt văn hóa ấp Tân Lộc- tại quán nước ông Nguyễn Văn Thum, ban đầu chỉ có vài người ngồi chơi, chủ quán mang cây đờn “Bí thư Tỉnh ủy tặng” ra khoe rồi rao vài bản vắn.

Những người quen, bà con làm đồng về ngang qua cùng tạt vào một hồi rất “xôm tụ”, các anh cán bộ xã cũng đến góp vui.

Ông Thum tâm tình: “Mở ra điểm sinh hoạt này, nhà tui có lợi mà chính quyền cũng có lợi. Sinh hoạt, hội họp rất thoải mái, nhiều khi khuya dân và cán bộ cùng góp mấy món mồi, nấu nồi cháo lai rai vài xị đế vừa tâm tình, vừa nói chuyện làm ăn, rồi ca hát giao lưu vui quá trời!”

Mô hình này đang được triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện Bình Tân. “Cái gì dân “chịu” mà lại có lợi cho Nhà nước, thì cứ mạnh dạn làm!”- Bí thư Huyện ủy- Đặng Văn Chính khẳng định chắc nịch.

Xây dựng NTM ở ĐBSCL là “lo” cho gần 80% dân số của khu vực 18 triệu dân, mà trong đó có khoảng 7% dân số đồng bào Khmer ở vùng khó. Với địa hình đồng bằng đa dạng có nhiều đặc thù tiểu vùng, đồng bằng là sự đan xen quá nhiều thuận lợi và khó khăn riêng, chung.

Do đó, NTM ở từng nơi, từng giai đoạn cần được điều chỉnh, linh hoạt cho phù hợp. Điều này, vừa phát huy được thế mạnh, vừa mở được những “điểm nghẽn” lâu nay đã hạn chế rất nhiều đến quá trình xây dựng NTM ở từng địa phương.

Muốn đột phá, cần đủ bản lĩnh “vượt qua chính mình”, vượt qua lối mòn của tư duy bảo thủ tạo nên sự trì trệ cả về mặt nhận thức, lý luận và thực tiễn hành động của NTM đồng bằng.

Bí thư Huyện ủy Bình Tân Đặng Văn Chính đã mạnh dạn cho xây dựng mô hình xã hội hóa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong phạm vi huyện và không cần phải “đợi tiền đầu tư từ trên”.

Ở cấp ấp thì tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, nói rộng ra với trung tâm văn hóa cấp xã phải tốn hàng mấy tỷ đồng, nhưng đâu có mấy nơi là thu hút được sinh hoạt của người dân.

Và cũng... hiếm có địa phương nào dám mạnh dạn đề xuất “từ chối” những công trình đầu tư chưa cấp thiết ở một số vùng nông thôn hiện nay. NTM cần vượt qua cái “hình thức” mà đi vào “thực chất” hơn, thuyết phục người dân hơn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN