Láng sen (Long An)

Từ khu bảo tồn đất ngập nước đến Công ước Ramsar

Cập nhật, 04:50, Thứ Bảy, 22/10/2016 (GMT+7)
Khu Bảo tồn (KBT) đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng- tỉnh Long An) đã được công nhận thành Khu Ramsar thế giới. Đây là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam sau các Khu Ramsar Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau) và Vườn Quốc gia Côn Đảo…
Những con kinh thẳng tắp trong khu bảo tồn.
Những con kinh thẳng tắp trong khu bảo tồn.

Nghiêng mình trước vẻ hoang sơ

Men theo các dòng kinh nhỏ trong KBT với hương thơm dịu nhẹ từ những vạt rừng tràm hàng chục năm tuổi, những cánh đồng sen, súng, chúng tôi như lạc trong thế giới hoang dã- nơi hàng đàn chim, cò, vạc sinh sống.

Từng đàn chim, cò “cuốn vòi rồng” hoặc đậu san sát với nhau trên tán cây khiến chúng tôi không khỏi thích thú, trầm trồ.

Láng Sen nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười, khi đến đây sẽ cảm nhận được không khí trong trẻo, yên bình của vùng sông nước.

Chầm chậm bơi xuồng men theo từng con kinh nhỏ trong KBT, khung cảnh hoang sơ như khiến con người trở nên nhỏ bé, nép mình dưới thiên nhiên.

“Mỗi năm, vào mùa nước nổi, đây là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn cá thể chim. Mỗi mùa chim về làm tổ, chúng có thể đậu kín cả một vạt rừng. Nên có khi đang là những vạt rừng xanh tốt, nhưng chỉ sau 1 đến 2 mùa chim làm tổ, toàn bộ dần xơ xác rồi... chết luôn.

Không một cây nào là không có chim làm tổ. Từ cò trắng, cồng cộc, diệc xám, đôi khi là những loài chim quý hiếm có trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: điên điển, quắm đen, giang sen, thậm chí sếu đầu đỏ cũng tìm về hàng năm...”- Phó Giám đốc KBT Nguyễn Công Toại cho biết.

KBT đất ngập nước Láng Sen được thành lập vào tháng 1/2004, có diện tích tự nhiên hơn 5.000ha, lấy địa điểm Cái He làm trung tâm của vùng lõi.

KBT có một giới hạn tự nhiên khá đặc biệt, là cù lao rộng 1.500ha được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây với nhiều sinh cảnh thích hợp cho động thực vật ưa nước và nơi dễ khôi phục các hệ sinh thái đồng cỏ, bãi ăn của nhiều loài chim nước.

Sự duy trì thảm thực vật ven sông, đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa, đầm lầy và gia tăng diện tích tràm trồng đã làm phong phú thêm quần thể động thực vật cư trú nơi đây.

Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện Láng Sen có 149 loài thực vật, 176 loài động vật. Trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

“Hiện nay, KBT còn gìn giữ khoảng 200ha lúa ma- giống lúa thuần túy Việt Nam để bảo tồn nguồn gien. Đây có thể được coi là vùng đất duy nhất mà cây lúa ma còn tồn tại, sinh trưởng nhiều nhất”- ông Nguyễn Công Toại cho hay.

Bảo vệ Láng Sen: Bảo vệ cả vùng Đồng Tháp Mười

Mặc dù KBT vừa chính thức trở thành khu Ramsar của thế giới nhưng đến nay sự quan tâm đầu tư cho công tác bảo tồn vẫn còn một số hạn chế.

Vì chính những đặc điểm đặc trưng, cho nên, bảo vệ KBT không chỉ là bảo vệ vùng đất ngập nước Láng Sen mà còn phải bảo vệ cả đa dạng sinh học vùng đất Đồng Tháp Mười.

Theo Phó Giám đốc KBT Nguyễn Công Toại, hiện nay KBT Láng Sen có 3 phân khu gồm: khu rừng tràm, khu đa dạng sinh học và khu hệ sinh thái.

“Hàng năm, ban giám đốc đều ra chương trình bảo tồn đa dạng sinh học bằng những kế hoạch, nhất là bảo vệ loài, các dạng sinh học đặc trưng.

Thường xuyên kiểm tra số lượng chim nước, thu mẫu, xác định thủy sản,… để đánh giá tình hình loài, tái tạo lại các loài quý hiếm. Đặc biệt nhất là chất lượng nước luôn được đảm bảo để bảo tồn đa dạng sinh học một cách tốt nhất”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Toại, cả KBT chỉ có gần 50 cán bộ, nhân viên lại quản lý một diện tích quá lớn nên công tác tuyên truyền, vận động người dân không tận diệt các cá thể cũng còn hạn chế.

Hàng ngày, lực lượng bảo vệ vẫn thay nhau tuần tra 24/24, bảo đảm đóng quân trên 7 chốt nhưng vẫn không ngăn chặn hết. Mặt khác, phần lớn người dân đều ở vùng khác đến, lại tập trung đặt bẫy ngoài phạm vi quản lý của KBT...

Trong khi đó, thời gian tới, bờ bên kia Kênh 79 sẽ hình thành nên một khu du lịch sinh thái với diện tích cả trăm hecta.

Ông Nguyễn Công Toại cho biết: “Dẫu biết rằng khi hình thành nên khu du lịch, ít nhiều sẽ tác động đến môi trường sống của các loài động vật nơi đây; nhưng đây cũng là cách để người dân bản địa có thêm một hướng để cải thiện thu nhập và giảm dần sự tàn phá thiên nhiên.

Khi phát triển dự án, chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động của con người đến môi trường tự nhiên. Ngay như vị trí đặt khu du lịch, chúng tôi cũng nghiên cứu đề nghị phải làm phía bên kia bờ Kênh 79 để hạn chế tiếng ồn, mọi hoạt động chỉ diễn ra phía bên ngoài vùng lõi”.

Đánh giá công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở KBT đất ngập nước Láng Sen, ông Nguyễn Công Toại nhìn nhận: Hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn. Ông kiến nghị cần có định hướng chiến lược lâu dài để bảo tồn đa dạng sinh học đạt hiệu quả cao nhất; cần tăng cường cán bộ, tập huấn chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ,… Bên cạnh đó, xây dựng khu du lịch sinh thái cần có chiều sâu để tránh ảnh hưởng đến bảo vệ đa dạng sinh học của KBT.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY