Ghi chép

Biển đảo trong trái tim người lính

Cập nhật, 05:20, Thứ Hai, 08/08/2016 (GMT+7)

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày. Có trời. Có biển. Bờ biển ta dài. Tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

(Hồ Chủ tịch)

Nếu Phú Quốc được ví như một con cá lớn trên biển thì Gành Dầu chính là miệng con cá. Gành Dầu nằm ở phía Tây Bắc của Phú Quốc (Kiên Giang).

Gành Dầu cách Campuchia khoảng 3km đường biển. Những hôm trời trong, ta có thể nhìn thấy núi Tà Lơn của vương quốc bạn lồng lộng trên nền trời xanh trông thật thơ mộng. Trước đây, Gành Dầu còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, cỏ hoang cao quá đầu người. Những con đường mòn luôn có rắn rết rình rập.

Sau giải phóng 1975, khi củng cố xong lực lượng, Bộ Tư lệnh điều các chiến sĩ về Đồn biên phòng xã Hàm Ninh.

Đến tháng 12/1990, Đồn biên phòng được dời về ấp Gành Dầu và đổi tên là Đồn biên phòng 754, thuộc xã Cửa Cạn (huyện Kiên Giang).

Đến 1994, Gành Dầu tách ra thành xã Gành Dầu (huyện Phú Quốc). Đồn biên phòng 754 trực thuộc Ban Tiểu khu 55 tỉnh Kiên Giang.

Có thể nói trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, từ những ngày đầu vắng vẻ, không điện nước, không lương thực, cuộc sống nhiều cam go, thử thách nhưng các chiến sĩ vẫn bám đồn, bám dân, bám biển quyết không nản chí.

Một mặt xây dựng lòng tin với nhân dân, mặt khác giữ gìn an ninh trật tự nơi biên hải. Cùng nhân dân cải tạo, xây dựng Gành Dầu ngày càng phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội cũng như quốc phòng- an ninh.

Gành Dầu bây giờ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Phú Quốc, với bãi biển xanh trong uốn cong mềm mại như hình vầng trăng lưỡi liềm dài hơn nửa cây số, được bao bọc bởi hai vồ núi nhô ra như đôi cánh hải âu.

Tuần tra trên biển.
Tuần tra trên biển.

Từng mảng rừng xanh rì với những cây cổ thụ vút cao ăn lan ra tới tận mép biển. Cuối mũi Gành Dầu có một rạn đá trải rộng thật kỳ thú luôn kích thích trí tưởng tượng phong phú của du khách với nhiều tảng đá khuyết mòn, lồi lõm, bào ngang, cắt dọc, ăn sâu, khoét rỗng, biến ảo muôn hình vạn trạng.

Cát trắng mịn màng, sóng xanh êm ả, cảng biển sầm uất, tàu đánh cá nhộn nhịp vào ra, đặc sản tươi sống là tất cả những gì mà thiên nhiên ưu đãi cho Gành Dầu. Ngoài ra, bãi Dài là một bãi biển hoang sơ, tuyệt đẹp với khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl cùng với dự án đầu tư casino trong tương lai đang mời gọi du khách trong và ngoài nước.

Mấy năm gần đây, nhờ sự phối kết hợp giữa chính quyền, Đồn biên phòng và nhân dân mà từ Dương Đông đến Gành Dầu đã có đường nhựa thông thoáng. Đầu năm 2012, huy động làm được 1.327m đường.

Đến năm 2013, thêm 1.196m nữa. Có thể nói con đường nhựa hơn 2km với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 600 triệu đồng được hoàn chỉnh là nhờ sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân mà trong đó phải kể đến sự vận động tích cực của các chiến sĩ đồn biên phòng.

Hiện nay xe 4 bánh có thể chạy một mạch từ cảng Thạnh Thới về Gành Dầu mà không phải lo sợ đường mòn đất đỏ lối nhỏ khó đi như trước kia.

Từ khi có đường nhựa, kinh tế Gành Dầu phát triển nhanh trông thấy. Tất cả những gì Gành Dầu đang có được phải kể đến công sức không nhỏ của các chiến sĩ Đồn biên phòng Gành Dầu.

Gành Dầu là một xã đảo phức tạp hơn các xã đảo khác. Phức tạp vì Gành Dầu là một điểm du lịch đang được đầu tư và rộng mở với nhiều dự án quốc tế, ngoài ra Gành Dầu còn có lãnh hải sát bên nước bạn Campuchia. Các chiến sĩ vừa phải lo giữ trật tự, an toàn xã hội trên đảo vừa phải lo giữ an ninh trên vùng biển nên nhiệm vụ của các anh xem ra thật nặng nề.

Trên đảo, dân chúng đa số là dân tứ xứ đến lập nghiệp, vấn đề an ninh trật tự là một thách thức lớn. Các anh phải từng bước sâu sát, bám dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, sống cùng dân tạo cho họ có một niềm tin vững chắc.

Mỗi năm vào mùa gió bão, các anh thường bất kể mưa to, gió lớn cùng với ngư dân chằng chống xuồng ghe, nhà cửa, quần thảo với mưa lũ suốt đêm để giảm bớt thiệt hại cho ngư dân. Khi tan bão lại phải cùng nhau mò tìm xuồng ghe trôi chìm trong bão (có năm chìm đến mười mấy chiếc).

Bên cạnh việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận cũng như hướng phát triển Gành Dầu về mọi mặt kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, các chiến sĩ cũng phải tích cực tập luyện đêm ngày để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Tổ quốc thân yêu.

Giữ gìn an ninh trên biển là một cuộc đấu tranh đầy chông gai, thử thách. Một mặt phải bảo vệ an ninh trên biển, mặt khác phải làm tốt công tác đối ngoại.

Cứ 6 tháng một lần, đồn biên phòng và lực lượng biên phòng nước bạn lại có cuộc họp trao đổi về tình hình biển đảo; cử đoàn sang thăm, trao đổi công việc, cùng bồi đắp quan hệ hữu nghị giữa 2 nước cũng như đẩy mạnh việc trao đổi mua bán vận chuyển hàng hóa giữa 2 nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Đồn biên phòng còn tổ chức giao lưu 3 đêm ở Bắc Đảo, Rạch Tràm và Xà Lực- nơi tiếp giáp xã Ôn Chơ rây, huyện Pre rup, tỉnh Kampot- với đốt lửa trại và chơi các trò chơi dân gian, truyền thống làm ta và bạn đều rất phấn khởi.

Ngoài ra, 2 nước cũng cam kết hạn chế việc bắt bớ ngư dân nếu lỡ vô tình xâm phạm lãnh hải của nhau. Nhìn chung, công tác tuyên truyền, động viên, giáo dục của các chiến sĩ ở đồn biên phòng luôn có tác dụng rõ rệt.

Song, vẫn còn một số phần tử xấu luôn manh động tìm cách gây chia rẽ ta và bạn, luôn làm các anh ăn ngủ không yên. Vì là vùng biên hải nên tiêu cực vẫn xảy ra thường xuyên. Những phần tử phá hoại cách mạng vẫn ngấm ngầm hoạt động gây mất an ninh, mất đoàn kết trên biển.

Để tăng cường cảnh giác và ngăn chặn những kích động từ phía bên kia, từ năm 1992- 1993, Đồn biên phòng Gành Dầu đã gửi nhiều chiến sĩ lên TP Hồ Chí Minh tham dự các lớp tập huấn, học tiếng Khmer để có thể tiếp xúc, nắm bắt thông tin và dễ dàng trao đổi với nước bạn.

Ngoài ra, việc tuần tra đêm ngày trên vùng biển của ta nhằm ngăn chặn nạn vận chuyển gỗ trái phép, sử dụng kích điện đánh bắt cá làm tổn hại tài nguyên môi trường thiên nhiên, vận chuyển dầu trái phép cùng với việc một số người dân tìm cách vượt biên trái phép… và có nhiều trường hợp dẫn đến xô xát và nổ súng.

Có thể nói mặt trận trên biển ngày càng diễn biến khó lường nên các anh phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ vững chắc biên giới hải đảo quê hương.

*

* *

Đồn biên phòng Gành Dầu nằm trên một mỏm đất cao nhìn ra biển. Xa xa sóng biển rì rầm như những lời thì thầm tha thiết của người thân yêu nơi đất liền gởi tới các anh.

Khi màn đêm buông xuống, những ánh sáng nhấp nháy của tàu ghe hòa với muôn ngàn ánh sao đêm tạo nên một cảnh quan thật thơ mộng, các anh như thấy những ánh mắt yêu thương của người thân đang dõi theo từng bước các anh đi, động viên các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hậu phương sẽ luôn là điểm tựa vững chắc cho các anh.

Các anh vẫn thường xuyên tập luyện và chiến đấu trên khắp các mặt trận. Vừa giữ gìn sức khỏe, vừa tạo sự nhanh nhạy trong công việc cũng như đem đến sự phồn vinh, tươi đẹp cho xã đảo trong tương lai. Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Trung với nước. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Dù có gian khổ đến đâu, có hy sinh cả tính mạng các anh cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lấy đoàn kết làm sức mạnh để có thể vượt qua mọi cam go thử thách nơi biên hải.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Trong lòng mỗi chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, dù phải hy sinh tính mạng cũng không gì có thể chia cắt được tình yêu quê hương, biển đảo trong trái tim người lính.

™Bài, ảnh: GAN THỊ PHƯƠNG ÁNH