Chuyện kể ở một lớp mỹ thuật thiếu nhi

Cập nhật, 10:24, Chủ Nhật, 14/08/2016 (GMT+7)

Nằm khiêm tốn ở góc bên trái của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên (Tỉnh Đoàn Vĩnh Long), lớp Mỹ thuật Thiếu nhi do họa sĩ Tín Đức phụ trách từ nhiều năm nay ngày càng phát triển. Dịp hè 2016, lớp vẽ thiếu nhi này đã hoạt động xuyên suốt từ thứ hai đến chủ nhật, và có cả lớp dạy vào buổi tối.

Tranh của Lê Thị Ngọc Trinh được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam làm bìa vở tập vẽ lớp 3.
Tranh của Lê Thị Ngọc Trinh được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam làm bìa vở tập vẽ lớp 3.

Hiểu rõ sự lợi ích của việc vẽ và tô màu với trẻ con, các phụ huynh đã đưa con em tới đây khơi niềm đam mê mỹ thuật. Ngay từ khi còn nhỏ, nếu các cháu được tiếp xúc nhiều với thế giới sắc màu, những hình ảnh đẹp mắt và sinh động, những màu sắc tươi sáng, những bức tranh ấn tượng,… thì trẻ sẽ được phát huy trí thông minh, óc tưởng tượng phong phú và khả năng sáng tạo nhiều hơn.

Vậy nên lớp Mỹ thuật Thiếu nhi này đã nhận thu các cháu từ 4 tuổi trở lên. Việc các cháu làm quen với mỹ thuật ngay từ lúc mới chập chững vào mẫu giáo, trước tiên sẽ giúp cho các cháu điều khiển cây viết dễ dàng, thành thạo. Khi các cháu học chữ, học viết thì sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn khi phải rèn luyện kỹ năng cầm viết.

Còn tô màu sẽ giúp phát huy được nhiều kỹ năng bổ ích, có thể phân biệt được các màu sắc cơ bản khác nhau rõ ràng, qua đó sẽ tăng thêm cơ hội phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng một cách tối đa.

Đồng thời, trí thông minh của các cháu được phát huy vận dụng để phân biệt các màu sắc và tư duy sáng tạo logic cao hơn những cháu chưa từng làm quen với sắc màu!

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, các giáo viên của lớp học này đã áp dụng phương pháp “chơi mà học, học mà chơi” đối với các cháu thiếu nhi. Thông qua việc tham gia vào quá trình vẽ cũng như tô màu, các cháu sẽ có thêm thời gian chơi vui và bổ ích.

Nếu trẻ say mê vẽ và tô màu thì tất nhiên điều đó sẽ bổ ích hơn rất nhiều so với việc trẻ giải trí bằng cách chơi game hoặc dán mắt vào màn hình tivi. Các cháu sẽ nhận ra đâu là cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, đâu là sự hài hòa, tuyệt vời trong sắc màu.

Từ đó, nâng cao khả năng thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống cũng như thế giới chung quanh và thêm yêu cuộc sống, có thái độ sống tích cực!

Các cháu cũng sẽ phát triển khả năng tư duy trừu tượng, giúp trẻ hình dung và suy nghĩ về thế giới chung quanh bằng những hình ảnh và màu sắc mà các cháu đã tiếp xúc cũng như khi bắt buộc trẻ tưởng tượng và liên tưởng về một điều gì đó, thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều!

Nội dung chương trình dạy cho các cháu thiếu nhi gồm 2 phần: dạy sáng tác tranh và dạy trước chương trình sách giáo khoa của từng cấp lớp. Tùy theo độ tuổi và sở thích, các cháu sẽ được hướng dẫn sử dụng các loại màu sáp, màu pastel, màu nước, sơn dầu,…

Mỗi quý, các cháu sẽ được đi thực tế, tiếp cận với thiên nhiên, chẳng hạn như đã từng đến Khu du lịch sinh thái Xẻo Quýt (Cao Lãnh- Đồng Tháp), Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang (Tam Bình), thắng cảnh ở chùa Phước Hậu, Trà Ôn… để tạo cảm hứng sáng tác, theo đúng với tinh thần “chơi mà học, học mà chơi”.

Có một điều rất đặc biệt là hình như lớp Mỹ thuật Thiếu nhi này rất có duyên với các cháu cá biệt và tự kỷ, nên càng ngày phụ huynh càng tin tưởng đưa con em mắc hội chứng này đến lớp vẽ thiếu nhi càng đông!

Dù rằng dạy một trẻ như thế thường khó khăn rất nhiều so với một trẻ bình thường, nhưng với tấm lòng, các giáo viên phụ trách lớp chưa hề từ chối bất kỳ một trẻ cá biệt hay tự kỷ nào!

Trong số trẻ tự kỷ đến lớp vẽ này, có một số trẻ rất hiếu động, nhưng cũng có một số trẻ lại đờ đẫn, lầm lì.

Hiện nay, tuy bệnh tự kỷ chưa có thuốc chữa, nhưng nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ có thể phát triển tương đối bình thường. Và theo các nghiên cứu của các nhà khoa học, một trong số cách thức trị liệu cho trẻ tự kỷ là cho trẻ tiếp xúc với hội họa!

Còn đối với các cháu cá biệt thường sống nội tâm, rất dễ bị tổn thương, thường mắc một số tật xấu như ăn cắp vặt, đánh bạn, hay gây sự… thì với kinh nghiệm có được, các giáo viên phụ trách lớp học đã áp dụng phương pháp dạy cho các cháu biết cách tôn trọng bản thân mình và những người xung quanh!

Qua thời gian, từ lớp học này, có rất nhiều cháu đạt giải thưởng cấp quốc gia và cả quốc tế. Như cháu Lê Thị Ngọc Trinh là người khuyết tật khiếm thính đã từng vinh dự đạt giải thưởng cao nhất (Grand Prit) tại Nhật Bản với tác phẩm “Trung thu quê em”.

Bức tranh này miêu tả cảnh các em thiếu nhi nông thôn Nam Bộ đang rước đèn trung thu trên đường làng, hai bên vệ đường là những vạt cỏ dại cùng với những chiếc lồng đèn tự tạo bằng tre hay lon sữa phế thải đã gây ấn tượng và sự xúc động cho nhiều người!

Hay như các cháu Huỳnh Thị Phương Thủy, Văn Thiên Toàn, Nguyễn Ngọc Kim Ngân, Lê Ngọc Vân Anh,… đã từng đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia.

Với ước vọng là góp phần đào tạo lớp kế thừa cho thế hệ mai sau, các giáo viên phụ trách lớp đã đem hết tâm huyết của mình cho lớp Mỹ thuật Thiếu nhi tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Vĩnh Long.

HÀ NGUYÊN