Chuyện ghi ở "vương quốc" nhãn mới Châu Thành

Cập nhật, 06:45, Thứ Bảy, 06/08/2016 (GMT+7)

 

 Chú Sáu Rồi “khoe” vườn nhãn Ido sai trái.
Chú Sáu Rồi “khoe” vườn nhãn Ido sai trái.

Có một “vương quốc” nhãn mới nổi ở ĐBSCL- đó là xứ nhãn ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp)- ở phía bên kia sông Tiền mà theo cách nói vui của nhiều người là từ Vĩnh Long “có thể bơi qua sông là tới”.

Dường như vùng nhãn Châu Thành đã chiếm lấy “ngôi vương” một thời của “vương quốc nhãn cù lao An Bình” (bên đây sông Tiền, thuộc 4 xã cù lao huyện Long Hồ- Vĩnh Long), bị đánh mất do “bão” chổi rồng tấn công từ mấy năm nay.

Điều gì đã tạo nên tiếng tăm cho “vương quốc” nhãn mới Châu Thành, khi trở thành địa chỉ của nhiều doanh nghiệp tìm nguồn hàng xuất khẩu? Câu hỏi đó đã thôi thúc chúng tôi “vượt sông” đi tìm lời giải đáp.

Hành trình cây nhãn trên đất cù lao An Hòa

Từ thị trấn Cái Tàu Hạ, chúng tôi xuống phà qua sông Lấp Vò cập bến cù lao An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành), trước đây chỉ có 1 ấp An Hòa, giờ tách thêm 2 ấp là Tân Hòa và Tân An.

Chúng tôi đi giữa bạt ngàn những vườn nhãn xanh tốt, cành trái xum xuê rất… đã con mắt. Hình ảnh này khiến gợi nhớ đến “vương quốc” nhãn tiêu da bò cù lao An Bình giờ chỉ còn là “một thời đã xa”…

Dẫn chúng tôi đi dưới những tán nhãn Ido (Edor) hơn chục năm, trái từng chùm oằn cây, chú Trương Văn Rồi (Sáu Rồi)- Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Nhãn Châu Thành, “khoe” những vườn nhãn “sung” nhất có thể đạt năng suất 30 tấn/ha/năm, với giá bán 38.000- 40.000 đ/kg thì nhà vườn nắm bạc tỷ trong lòng bàn tay.

Dù hiện nay giá đã giảm còn 27.000 đ/kg, nhưng vẫn ở mức khá và nông dân có lời cao.

Theo chú Sáu Rồi, cù lao An Hòa hiện có hơn 80% diện tích trồng nhãn với khoảng 600ha, trước đây cũng từng trồng nhãn tiêu da bò nhưng không nổi tiếng bằng vùng nhãn cù lao An Bình.

Trước nữa, nhãn long đã có mặt ở xứ cù lao này. Như rất nhiều nhà vườn ở ĐBSCL, ở đây cũng điêu đứng vì “bão” chổi rồng và may mắn là nhà vườn đã nhanh nhạy chuyển sang trồng giống nhãn Ido, giống nhãn đang giúp nhà vườn Châu Thành làm giàu.

“Ido là giống nhãn có nguồn gốc từ Thái Lan, năng suất cao và chất lượng vượt trội, hạt nhỏ, cơm dày, thơm và ngọt lịm. Đáng nói là giống nhãn Ido gần như kháng bệnh chổi rồng. Tuy tỷ lệ nhiễm khoảng 5- 10%, nhưng cây bị bệnh rồi tự khỏi và không lây lan”- chú Sáu Rồi phân tích đó là lý do nhà vườn Châu Thành quyết định đốn nhãn chổi rồng chuyển hẳn sang giống nhãn này.

Từ năm 2013, HTX Nhãn Châu Thành thành lập với 34 hội viên chính thức, đó là bước đệm để nhãn Châu Thành tiếp cận các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như từng bước áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn.

“Chúng tôi đang áp dụng VietGAP cho 50ha nhãn và đang chờ được chứng nhận. HTX ký hợp đồng cung ứng nhãn cho Công ty Vina T&T (TP Hồ Chí Minh) 18 tấn/tuần xuất khẩu”- chú Sáu Rồi cho biết.

Tuy hiện nay khả năng cung ứng của HTX chưa đủ, nhưng theo chú Sáu Rồi, nhờ nhãn xuất khẩu và tiêu thụ nhiều kênh khác nhau nên giá nhãn ổn định ở mức cao, không sợ “được mùa mất giá” như trước nữa.

Ido- từ giống nhãn “ngoại lai” đến thương hiệu

Tuyến đường đan rộng từ bến phà An Hòa xuyên qua cù lao khoảng 7km đưa chúng tôi qua những vườn nhãn… nhìn không thấy chán.

Những vườn nhãn thấp (4-5 năm tuổi) nối tiếp vườn nhãn tán xòe rộng trên chục năm, có vườn đang khoác lên màu hoa nhãn trắng sữa thơm thoang thoảng kế bên vườn trái non tua tủa, rồi vườn nhãn chín thơm lừng trĩu cây…

Những hình ảnh ấy cho thấy, xứ nhãn không còn làm nhãn theo mùa, mà áp dụng biện pháp rải vụ để có nhãn cung ứng cho thị trường quanh năm “ngày nào cũng có”, tránh đụng hàng, dội chợ.

Men theo con đường đan, chúng tôi tìm đến nhà nhân vật được cho là “có công đem giống nhãn Ido về”.

Thật ngạc nhiên khi nhìn thấy những cây nhãn được trụ đỡ từ gốc tới ngọn, vì “cây rất sai trái, không làm giàn đỡ sợ gãy cành”. Đang vào đợt thu hoạch, nhiều thanh niên tất bật trèo cây, hái trái, khuân vác… trên những cây nhãn gần 20 năm tuổi.

Nhân vật chúng tôi tìm là chú Phạm Hữu Hiện (Út Hiện)- một lão nông tri điền thứ thiệt, nói thẳng từ câu đầu tiên “chuyện tui trồng nhãn Ido đầu tiên ở đây báo đài nói hết. Giờ này viết về nhãn Ido thì… cũ quá rồi”.

Nhưng khi biết ý định chúng tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ những thăng trầm của giống nhãn Ido ở xứ nhãn như thế nào, câu chuyện đã được gợi mở…

Vườn nhãn Ido oằn trái của chú Út Hiện, phải làm giàn đỡ từng cành.
Vườn nhãn Ido oằn trái của chú Út Hiện, phải làm giàn đỡ từng cành.

Chú Út Hiện cho biết thời điểm trồng thử nhãn Ido, mọi người xung quanh không ai tin giống Ido phát triển được, thậm chí một vài cán bộ còn làm khó dễ vì cho rằng đây là giống “ngoại lai”.

Trong xóm làng, đi đâu đám tiệc gì ai cũng nhìn bằng… nửa con mắt. Khó khăn là thế nhưng chú Út Hiện vẫn âm thầm mày mò tìm hết cách này tới cách khác xử lý và tự rút kinh nghiệm kỹ thuật.

Đất không phụ người, sau 3 năm vườn nhãn của chú đã tốt tươi, đơm hoa kết trái. “Lúc đầu tui đem giống cho bà con hàng xóm, “năn nỉ” muốn chết người ta mới trồng thử Ido dùm”- chú Út Hiện nhớ lại.

Đến nay, sau gần 20 năm “bám rễ” đất cù lao, nhãn Ido đã trở thành thương hiệu của vùng nhãn Châu Thành. Tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 4.000ha nhãn này.

Anh Phạm Hữu Đức- con trai chú Út Hiện- tốt nghiệp ĐH ngành Kinh tế, cho biết nhờ nhãn Ido mà anh đã đi khắp nước từ Nam ra Bắc triển lãm, giới thiệu tại rất nhiều hội chợ. Nhãn Ido được thị trường ưa chuộng và đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Hiện vựa nhãn của anh cung cấp khoảng 100 tấn/tuần cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chỉ vào một cây nhãn trĩu trái, anh Đức bảo: “Ido sai trái dữ lắm, tụi tui chống giàn rồi nhưng vẫn bị tét nhánh, mỗi cây thu hoạch không dưới 200kg”.

Anh Phạm Hữu Đức cho biết đang nhân giống nhãn Phát Tài, dần thay thế nhãn Ido.
Anh Phạm Hữu Đức cho biết đang nhân giống nhãn Phát Tài, dần thay thế nhãn Ido.

Tuy Ido đang là giống nhãn thời thượng, nhưng chú Út Hiện lại bảo: “Giờ qua thời Ido rồi. Tui đang thay thế dần bằng giống nhãn mới”.

Theo chú Út Hiện, Ido năng suất cao nhưng có những điểm yếu do thân mềm, giòn, dễ gãy, trái nhỏ, không đồng đều, tỷ lệ đạt đến 30%. Để khắc phục những điểm yếu đó và tạo thêm giống nhãn mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, chú Út Hiện đang cho lai ghép giống nhãn Ido và giống nhãn xuồng cơm vàng để tận dụng ưu điểm của 2 giống nhãn này.

Giống nhãn mới được chú gọi là nhãn Phát Tài, chưa đưa ra thị trường nhưng theo chú Út Hiện: “đã thu hoạch đợt đầu tiên, trái to, đồng đều, hạt nhỏ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, siêu thị đã đánh tiếng tiêu thụ “độc quyền”. Tui đang nhân giống trồng 10ha loại nhãn này”.

Điều gây ấn tượng sâu sắc với chúng tôi ở “lão nông” Út Hiện là sự nhạy bén, quyết tâm “đi tắt đón đầu”. Bởi vì, “nông dân luôn khát khao giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao để thay đổi cuộc sống”- chú Út Hiện nói, đó là lý do chú không ngừng tìm tòi “giống mới năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường tốt hơn”.

  • Thương hiệu “Nhãn Châu Thành- Đồng Tháp”


    Tháng 6/2016 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Châu Thành- Đồng Tháp”. Nhãn Châu Thành hiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Anh, Úc,...

     

    Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Châu Thành, huyện có khoảng 3.500ha trồng nhãn, chiếm hơn 50% các loại cây ăn trái khác. Khi xảy ra dịch chổi rồng, địa phương đã có nhiều giải pháp cải tạo vườn, chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao như: nhãn xuồng cơm vàng, Phú Quý, Thạch Kiệt...

     

     

    Đặc biệt, giống nhãn Ido rất thích hợp vùng đất Châu Thành cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Hiện người trồng nhãn Ido lời 500- 700 triệu đồng/ha/năm.

™Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY