Nam Du ký

Cập nhật, 07:35, Thứ Hai, 23/05/2016 (GMT+7)

Nam Du là quần đảo cách TP Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 80 cây số đường chim bay, nằm về hướng Đông Nam đảo Phú Quốc, trong quần thể vịnh Thái Lan. Nam Du gồm có 2 xã Nam Du và An Sơn, với 21 hòn lớn nhỏ. Cũng chính vì thế mà Nam Du còn được gọi là “vịnh Hạ Long” thu nhỏ ở cực Nam Tổ quốc.

 Cảng Củ Tron.
Cảng Củ Tron.

“Hạ Long” của Nam Bộ

Ở các hòn ấy, phần lớn đều có người dân sinh sống, nhất là ở hòn Củ Tron, hòn Dầu, hòn Mấu, hòn Ngang và hòn Hai Bờ Đập.

Tất cả các hòn lớn nhỏ ở đây đều được che phủ cây rừng và cây trồng. Dưới ánh bình minh một ngày đẹp trời với màu xanh biếc của biển và các hòn ở Nam Du đã tạo nên bức tranh sơn thủy khá hữu tình.

Nếu hòn Ngang được ngư dân chọn làm điểm chính neo đậu tàu thuyền thì hòn Củ Tron được du khách chọn làm nơi tham quan du lịch, vì ở nơi đây có khá nhiều cảnh đẹp, bãi tắm hấp dẫn.

Để khai thác thế mạnh của biển, đảo và du lịch ở địa phương, những năm gần đây Kiên Giang đã có sự quan tâm nhiều hơn cho “Hạ Long” thu hẹp này.

Là một trong những điểm hấp dẫn du lịch ở Nam Du, hòn Củ Tron đã được làm con đường bê tông dài 14 cây số, rộng hơn 3m bao quanh hòn; có nhà máy điện phục vụ thắp sáng, có cầu cảng phục vụ ra vào cho tàu khách, tàu hàng.

Hiện nay từ TP Rạch Giá có 1 tàu cao tốc đưa và rước khách đi về cảng Củ Tron hàng ngày. Thủy sản là nguồn thực phẩm chính phục vụ bữa ăn cho du khách khi đến với Nam Du.

Nói như thế không có nghĩa “vịnh Hạ Long” thu hẹp không còn khó khăn. Thật ra, cái khó khăn nhất ở Nam Du nói chung và Củ Tron nói riêng là nguồn nước ngọt. Hiện đa phần các giếng được khai thác ở đây đều chưa đạt chất lượng phục vụ ăn uống, tắm giặt do bị nhiễm phèn và mặn.

Đặc biệt là vào mùa khô thì khó khăn ấy ngày càng nhiều hơn nên không ít người phải đổi nước ngọt từ đất liền ra để sử dụng. Kế đến là điện, do nhà máy điện nhỏ chủ yếu cung cấp cho thắp sáng nên không đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho kinh doanh dịch vụ và du lịch.

Điều khó khăn nữa, dù là trung tâm thương mại- dịch vụ và du lịch nhưng hòn Củ Tron vẫn chưa có được nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn “sao” mà chủ yếu là nhà nghỉ, nhưng cũng không nhiều nên có những lúc vào mùa du lịch, du khách phải nghỉ tạm ở
nhà dân.

Hấp dẫn Nam Du

Theo chân đoàn khách du lịch của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, đúng 7 giờ 20 phút sáng 11/4, tôi cùng xuống tàu cao tốc của Công ty CP Cao tốc Superdong- Kiên Giang rời bến cảng Rạch Giá thẳng tiến về hướng đảo Nam Du.

Hôm ấy, theo trung tâm dự báo thời tiết thì vùng biển vịnh Thái Lan có gió dưới cấp 4 nên mặt biển gần như lặng sóng, con tàu cao tốc như bay trên mặt nước với vận tốc bình quân khoảng 40 cây số một giờ.

Chỉ sau hơn 30 phút rời bến, tàu đã đến hòn Tre- thủ phủ huyện Kiên Hải. Từ hòn Tre, tàu tiếp tục vượt sóng và chỉ hơn nửa giờ là đến hòn Sơn. Lần này tàu cập bến để trả khách và đón khách. Sau đó, tàu tiếp tục hướng về Nam Du.

Bình minh trên biển Tây Nam hôm ấy là một ngày nắng đẹp nên rất dễ dàng để du khách nhận ra những chiếc tàu của ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển quê hương.

Tàu rời cảng hòn Sơn chừng 40 phút, nhìn về phía trước, du khách có thể nhận ra hình ảnh quần đảo Nam Du. Đến hơn 9 giờ là tàu cập cảng Củ Tron.

Theo anh Lý Học Khiêm- hướng dẫn viên Công ty Du lịch Triều Hải- Tourist giới thiệu thì ngày xưa khi ta tiến quân về phía Nam để mở đất và giữ gìn bờ cõi, lúc đến quần đảo Nam Du thì thiếu thốn lương thực, nhà vua ra lệnh cho quân sĩ lên các hòn tìm kiếm thức ăn.

Sau đó, quân sĩ tìm và đào được 1 củ hình tròn ăn được. Từ đó người ta gọi cái hòn đó là hòn Củ Tròn. Nhưng qua thời gian dài, người dân gọi trại đi từ Củ Tròn thành Củ Tron cho đến ngày nay.

Cảng Củ Tron có mặt rộng khoảng vài chục mét vuông, cầu tàu dài khoảng 100m được xây dựng kiên cố. Cách đó không xa là hàng chục tàu cá của ngư dân đang neo đâu chờ ra khơi.

Đoàn du khách chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đến nhà nghỉ để ăn uống và nghỉ ngơi chờ đầu giờ chiều mở đầu cuộc hành trình khám phá Nam Du.

Ngày đầu Nam Du

Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long ở Nam Du.
Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long ở Nam Du.

Đúng như lịch tham quan của đoàn, đầu giờ chiều hôm đó, du khách được hướng dẫn viên đưa xuống một tàu du lịch đã được chờ sẵn để đi đến hòn Dầu- cách Củ Tron hơn chục cây số.

Ở hòn Dầu, du khách không lên hòn mà ngồi lại du thuyền để thư giãn bằng việc câu cá mà lưỡi câu và mồi đã được chủ “du thuyền” chuẩn bị sẵn.

Du khách thích câu thì câu, không thích thì chụp ảnh hoặc ngắm nhìn phong cảnh. Câu cá rất vui, người câu được cá thì cười nói rất to, người không câu được mà còn mất cả chì lẫn lưỡi vì bị vướng đá, vướng san hô cũng nói cười không kém.

Từ “du thuyền” nhìn lên hòn Dầu thấy dân cư ở đây còn thưa thớt, cây ăn trái được trồng nhiều cũng vẫn là dừa một loài cây trồng mà hầu hết các hòn lớn ở Nam Du đều có.

Thú vị nữa là khi du khách câu cá hay chụp ảnh lưu niệm thì người của chủ “du thuyền”, xuống xuồng thúng bơi gần vào hòn lặn bắt con nhum (còn có tên gọi là cầu gai) để đem lên thuyền nấu nồi cháo nhum đãi du khách.

Rời hòn Dầu, “du thuyền” tiếp tục đưa du khách về hòn Mấu- cách đó cũng hơn chục cây số- trong cảnh lọng gió của biển khơi. Trong lúc du khách chờ đến hòn Mấu thì chủ du thuyền cũng bắt đầu làm nhum nấu cháo.

Theo hướng dẫn viên Lý Học Khiêm: Trước đây, lúc hải tặc còn hoạt động ở vùng biển Tây Nam, sau khi cướp hết hàng hóa, tài sản cá nhân, chúng đưa nạn nhân đến hòn này sát hại. Vì vậy, người dân gọi đây là hòn Máu nhưng sau này gọi trại đi thành là hòn Mấu.

Do không thể vào gần bờ hòn được, “du thuyền” phải đậu cách hòn vài trăm mét và sau đó du khách được đưa lên hòn bằng ghe máy. Từ bờ, du khách đi tiếp khoảng 50m là đến bãi tắm hòn Mấu. Nói về bãi tắm này thì đúng là một bãi tắm lý tưởng; bởi khó có ai có thể từ chối sự quyến rũ của nó.

Bãi tắm hòn Mấu dài chừng cây số, thoai thoải bãi cát trắng, không sâu và rất êm ả. Nước biển trong veo rất sạch sẽ và trong lành. Du khách đứng để nước ngập đến cổ mà nhìn xuống vẫn thấy được bàn
chân mình.

Rời hòn Mấu trở lại “du thuyền”, du khách được chủ phương tiện chiêu đãi ngay món cháo nhum. Với du khách, sau hơn nửa buổi chiều tắm mình trong nước biển, giờ được thưởng thức món cháo đặc sản này thì hấp dẫn biết bao.

Trong thời gian du khách ăn cháo, cũng là lúc “du thuyền” chạy đến hòn Hai Bờ Rập, để lặn ngắm san hô. Để du khách thấy được “loại cây biển này” chủ “du thuyền” cấp áo phao, kính lặn cho những du khách có nhu cầu.

Từ nơi “du thuyền” neo đậu, du khách mặc áo phao, mang kính lặn nhảy xuống biển bơi về phía trước chừng 30- 40m là đến bãi san hô.

Ở đây, nói lặn ngắm san hô nhưng thực ra du khách chỉ cần đứng tại chỗ, úp mặt dưới mặt nước độ chừng 2 đến 3 tấc là đã thấy được rất rõ san hô và những đàn cá nhỏ hối hả đuổi nhau trong rừng cây biển ấy.

San hô ở hòn Hai Bờ Đập màu sắc không đa dạng như san hô ở vịnh Nha Trang hay đảo Phú Quốc… nhưng trông nó rất mềm mại- nhất là những san hô nhỏ như lung linh, bởi luôn uốn mình lượn theo chuyển động của nước.

Ngắm san hô ở hòn Hai Bờ Đập, du khách cũng nên chú ý khi di chuyển đề phòng giẫm chân lên những con nhum đang ẩn nấp trong những rạn san hô. Đây cũng là điểm tham quan của du khách ngày đầu tiên đến đảo Nam Du.

Thắng cảnh miền Tây

Ngày thứ 2, theo lịch trình, đoàn chúng tôi tham quan hòn Củ Tron. Khi tham quan hòn này, nếu không đi bộ thì du khách có 2 phương tiện để đi: hoặc ôtô (loại tuk tuk) hoặc xe gắn máy. Để tạo thuận lợi cho đoàn, hướng dẫn viên du lịch phân bổ cứ 2 người 1 xe gắn máy.

Sau đó, đoàn xuất phát từ bãi Trệt, rồi chạy theo con đường vòng quanh hòn. Hòn Củ Tron có rất nhiều cảnh đẹp nên rất được nhiều du khách chọn làm điểm chụp ảnh lưu niệm hoặc tắm biển. Để đoàn du khách tận hưởng vẻ đẹp của hòn này, hướng dẫn viên cho đoàn dừng lại ở bãi Cỏ, bãi Ngự và bãi Mến.

Ở bãi Ngự, từ trên cao nhìn xuống, bãi này trông như vầng trăng non và trong ấy có khá nhiều thuyền đánh cá neo đậu chờ đi khai thác hải sản, đúng như cái tên bãi Ngự. Du khách tham quan Củ Tron chắc chắn sẽ không thể nào không dừng chân ở bãi Mến.

Vì đây là bãi tắm hết sức lý tưởng cho những ai có ý thích làm quen với sóng. Sức hấp dẫn, nên thơ ấy của bãi Mến đã thu hút nhiều du khách ghé lại đây chụp ảnh lưu niệm và tắm biển.

Theo lời hướng dẫn viên Lý Học Khiêm, sở dĩ có tên bãi Mến là du khách sau khi đến đây đều muốn quay trở lại, vì có sự lưu luyến này mà người ta đặt tên cho nó là bãi Mến.

Bãi Mến dài khoảng 400- 500m, bãi cát trắng rộng, phía trước 2 bên có vách núi che chắn, phía sau cũng là núi; trông nó như cái túi quanh năm đựng đầy gió và sóng.

Khác với bãi tắm ở hòn Mấu, ở bãi tắm này du khách có thể thuê ca nô để lướt sóng. Hòn Củ Tron tuy đã được khai thác du lịch nhưng đến nay vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ của một vùng đảo. Bãi Mến cũng là điểm đến cuối cùng trong lần tham quan du lịch khám phá Củ Tron và cũng là nơi đánh dấu kết thúc cuộc hành trình Nam Du của đoàn chúng tôi.

Được tắm ở bãi hòn Mấu, ngắm san hô ở hòn Hai Bờ Đập, chụp ảnh ở bãi Ngự… tôi chợt nhớ 2 câu thơ nói về thắng cảnh ở Trà Vinh: “Ba Động biển xanh cát trắng- Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây…”. Và Nam Du- “vịnh Hạ Long” thu hẹp ở vùng cực Nam Tổ quốc càng xứng đáng là thắng cảnh miền Tây.

Bài, ảnh: TRỌNG DÂN