Nhộn nhịp xóm bầu cải Đông Thuận

Cập nhật, 12:35, Chủ Nhật, 20/11/2016 (GMT+7)

Những ngày này, xóm bầu cải phường Đông Thuận (TX Bình Minh) nhộn nhịp hẳn lên, người dân tất bật quấn bầu, rải hột ương giống… để có đủ cây giống cung ứng cho thị trường dịp tết đang hối thúc “làm không kịp trở tay”. Trong đời sống đô thị nhộn nhịp, xóm nghề bầu cải như một nét chấm phá thú vị và năng động.

Hỏi người dân xóm nghề, không ai rõ nghề này xuất hiện ở đây khi nào, chỉ “nhóng chừng năm bảy chục năm gì đó”.

Như cách nói của cô Sáu Ngọ: “Tui làm nghề từ năm 25 tuổi khi về nhà chồng, giờ tui 75 tuổi rồi. Nghề này cắc cụp làm suốt ngày không ngơi tay. Tui chỉ bầu những giống cây thông thường, còn con trai tui làm cả giống nước ngoài, khá lắm”. Còn chú Tám (58 tuổi) bảo rằng: “Đâu có biết bầu cải có hồi nào. Hồi tui còn 7-8 tuổi, đã phụ hợ cha mẹ làm rồi”…

Nghề bầu cải đã gắn bó với người dân xóm nghề bên dòng sông Chà Và hiền hòa vài chục năm qua và đến giờ vẫn còn nhiều gia đình bám nghề trước nhịp sống nhiều đổi thay.

Chú Tám cho biết, trước đây xóm nghề làm ăn rất thịnh vượng, hầu như nhà nào cũng làm và bán “độc quyền” nhiều nơi.

Nhưng gần đây nhiều gia đình chuyển nghề do các nơi khác cũng làm được bầu cải (như ở xã Ngãi Tứ, Tam Bình), nên số lượng bầu cải bán ra giảm đáng kể. Chẳng hạn các năm trước gia đình chú Tám làm hơn 10 thiên bầu cải hoa vạn thọ, màu gà, cúc… cho mùa tết, năm nay giảm còn khoảng 4-5 thiên.

Dù vậy, rất nhiều gia đình đã năng động theo nhu cầu người mua. Bên cạnh các loại bầu thông thường như rau cải, cà tím, ớt, đậu bắp, đu đủ… cung ứng chủ yếu cho vùng màu Tân Quới (Bình Tân), nông dân trồng tết; xóm bầu cải đã đa dạng chủng loại hơn, “mở rộng thị trường” là người mua ở các đô thị và bán quanh năm.

Hơn nữa với sự chăm chỉ, cần cù và tận dụng tối đa “tấc đất tấc vàng” nơi đô thị lấy công làm lời, nên người dân xóm nghề vẫn “sống được”.

Xóm bầu cải vẫn giữ được một màu xanh mượt mà cho những nụ mầm mới!

Xóm bầu cải phường Đông Thuận hiền hòa bên sông Chà Và, với những giàn bầu cải chồm ra mé sông. Mỗi năm xóm nghề cung ứng hàng triệu cây giống cho thị trường.
Xóm bầu cải phường Đông Thuận hiền hòa bên sông Chà Và, với những giàn bầu cải chồm ra mé sông. Mỗi năm xóm nghề cung ứng hàng triệu cây giống cho thị trường.

 

Chị gái trong bức ảnh không cho biết tên nhưng vui tính bảo: “Ở đây có rất nhiều bông: cúc, vạn thọ, hay bầu, bí, ớt… anh gọi tui tên gì cũng được!”
Chị gái trong bức ảnh không cho biết tên nhưng vui tính bảo: “Ở đây có rất nhiều bông: cúc, vạn thọ, hay bầu, bí, ớt… anh gọi tui tên gì cũng được!”

 

Cô Sáu Ngọ cho biết làm đủ thứ cây giống như ớt xanh, ớt đỏ, so đũa, cà pháo, cà tím… mỗi thứ một ít, thứ gì cũng có.
Cô Sáu Ngọ cho biết làm đủ thứ cây giống như ớt xanh, ớt đỏ, so đũa, cà pháo, cà tím… mỗi thứ một ít, thứ gì cũng có.

 

Những người có nhu cầu thường trực tiếp tới xóm nghề tìm mua cây giống bằng xe gắn máy hoặc bằng ghe, xuồng cũng tiện lợi.
Những người có nhu cầu thường trực tiếp tới xóm nghề tìm mua cây giống bằng xe gắn máy hoặc bằng ghe, xuồng cũng tiện lợi.

 

Cô Mười tưới bầu vừa ghim các giống cải bẹ dúng, tiều xại,… cho biết cây vô bầu khoảng 10-12 ngày, lên xanh thì bán được.
Cô Mười tưới bầu vừa ghim các giống cải bẹ dúng, tiều xại,… cho biết cây vô bầu khoảng 10-12 ngày, lên xanh thì bán được.

 

Chú thím Tám chăm chút các bầu hoa tết.
Chú thím Tám chăm chút các bầu hoa tết.

 

Người phụ nữ tất bật vô bầu phân để kịp ương giống. Mỗi chiếc thau này đựng 400-500 cái bầu nhỏ.
Người phụ nữ tất bật vô bầu phân để kịp ương giống. Mỗi chiếc thau này đựng 400-500 cái bầu nhỏ.

vAN HƯƠNG (thực hiện)