Phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản

Cập nhật, 05:59, Thứ Ba, 06/10/2020 (GMT+7)

Mẹ tôi mất trước, ba tôi mất sau, đến nay đã trên 20 năm và không để lại di chúc. Từ đó, anh em tôi gồm 5 người, trong đó có 3 người lập gia đình ở xa, đất vườn của ba mẹ để lại cho 2 anh em còn lại quản lý. Nay, chúng tôi muốn thỏa thuận việc chia thừa kế. Nhưng có 2 người con không biết vì lý do gì mà giấy khai sinh không ghi tên cha như chúng tôi mà lại ghi là “cha vô danh”. Trường hợp này, 2 người nói trên có được hưởng thừa kế không?

L.T.T.Tr. (TP Cần Thơ)

Trả lời Nếu ba mẹ chị mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Trường hợp 2 người có giấy khai sinh không có tên cha là ba của anh mà ghi là vô danh, để được hưởng thừa kế di sản của ba anh, cả 2 người phải có giấy tờ chứng minh là con ruột hoặc con nuôi của ba anh.

Theo khoản 2 Điều 57 Luật Công chứng, việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được quy định như sau: Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ