Được công nhận là con nuôi sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký

Cập nhật, 08:24, Thứ Sáu, 17/04/2020 (GMT+7)

Lâu nay, vì có cảm tình và quý trọng nhau nên tôi có gọi vợ chồng người quen của ba mẹ tôi là ba, mẹ nuôi. Ông bà cũng gọi tôi là con nuôi. Sau khi ba, mẹ tôi qua đời, tôi và ba, mẹ nuôi càng thân thương nhau hơn.

Tôi vẫn thường đến nhà chơi, lo lắng giúp đỡ ông, bà những khi cần thiết. Mối quan hệ này có trên 20 năm và các con của ba, mẹ nuôi đều xem tôi như người thân. Nay, ba mẹ nuôi tôi đều qua đời. Trong trường hợp này, tôi có được hưởng thừa kế của ba, mẹ nuôi không?

L.T.T. (TP Cần Thơ)

Trả lời:

Mặc dù theo quy định của pháp luật, con nuôi cũng là người cùng hàng thừa kế với con ruột (thừa kế theo pháp luật) nhưng mối quan hệ giữa chị và vợ chồng ông, bà được chị xem là ba, mẹ nuôi đó không thuộc trường hợp được pháp luật về nuôi con nuôi quy định, nên chị không phải là con nuôi được thừa kế di sản của ba, mẹ nuôi.

Bên cạnh các điều kiện khác về nuôi con nuôi, tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi có quy định: Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ