Thỏa thuận tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở

Cập nhật, 05:11, Thứ Năm, 04/04/2019 (GMT+7)

Vợ chồng tôi chuẩn bị ly hôn và đang thỏa thuận về tài sản. Ban đầu, chồng tôi đồng ý giao căn nhà lại cho tôi và 2 con sinh sống, anh sẽ ra thuê nhà ở. Nhưng ít hôm sau, anh ấy không đồng ý và nói nếu tôi không thỏa thuận lại, anh sẽ yêu cầu toà án giải quyết. Xin hỏi vấn đề này, được quy định như thế nào?

L.T.M. (TP Cần Thơ)

Trả lời: Về việc chia tài sản là nhà ở duy nhất của chung vợ chồng, chị cũng cần xem lại để có sự thỏa thuận bảo đảm quyền lợi cho đôi bên sau khi ly hôn. Nếu việc thỏa thuận không phù hợp quy định của pháp luật thì sẽ bị xem là vô hiệu.

Theo điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC- BTP Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (HN- GĐ): Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của luật này là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Điều 31 Luật HN- GĐ quy định: Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Điểm b khoản 1 Điều 50 Luật HN- GĐ quy định: Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tòa án tuyên bố vô hiệu khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của luật này.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ